Ngày 14/3, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa) đón nhiều vị khách đến thăm viếng, tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong khi bảo vệ Gạc Ma.
Lời hứa của người con gái
Từ sáng sớm, Thiếu tá Trần Thị Thủy (Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) - con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương (lúc đó là Thiếu úy, đảo phó Gạc Ma) với bộ quân phục chỉnh tề, đã có mặt tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Đã 36 năm trôi qua, cứ mỗi lần đến ngày giỗ của bố và đồng đội, chị Thuỷ rất xúc động. “Tôi hứa trước vong linh của bố và các chú, các bác sẽ luôn cố gắng hết mình, phấn đấu để xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tố quốc” - chị Thủy rơm rớm nước mắt.
Từ khi Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được khánh thành, năm nào chị Thủy cũng đến đây để thắp nén hương cho bố và các liệt sĩ. Trước di ảnh bố cùng các đồng đội, trong trái tim người con gái chưa một lần được gặp người cha kính yêu cũng dâng trào những cảm xúc đặc biệt, cảm nhận được bố đang ở rất gần bên mình.
Thiếu tá Trần Thị Thủy kể, bố hy sinh khi chị còn nằm trong bụng mẹ nên những ký ức về người cha anh hùng chị chỉ biết qua lời kể của bà, của mẹ cùng di ảnh và những bức thư bố gửi về nhà. Hài cốt của bố được chuyển từ Trường Sa về an táng tại quê nhà Quảng Bình khi chị còn nhỏ. Chị luôn tự hào về người cha kính yêu của mình. Trái tim chị thôi thúc phải đi theo để nối nghiệp bố.
"Thỉnh thoảng tôi lại mang những kỷ vật ít ỏi của bố ra cho các con xem, để các cháu tự hào về ông, lớn lên noi gương ông", chị Thủy cho biết.
Năm 2010, trở về từ chuyến thăm Quần đảo Trường Sa, chị Thủy đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ.
Được Quân chủng Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, ước mơ của chị trở thành hiện thực. Niềm hạnh phúc nhân lên khi chị được biên chế vào chính đơn vị nơi cha mình từng công tác - Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Sau nhiều năm công tác, chị Thuỷ lập gia đình với một cán bộ Chi đội kiểm ngư 4. Vợ chồng chị Thủy có 2 con gái, trong đó bé đầu chị đặt tên là Navy, với nghĩa là hải quân
Bồi hồi khi thăm đồng đội
Cựu binh Lê Văn Thoa (57 tuổi, ở TP Quy Nhơn, Bình Định) là 1 trong số 9 người bị địch bắt và giam hơn 3 năm sau trận chiến đấu ác liệt bảo vệ Gạc Ma.
Ông Lê Văn Thoa cho biết, cứ đến những ngày tháng Ba, lòng ông lại bồi hồi xúc động. Mỗi năm ông đều đi xe máy từ quê nhà vào Khu tưởng niệm để thắp nén nhang cho đồng đội, nhưng năm nay do đau chân nên ông đón xe khách vào.
“Đã 36 năm, nhưng nỗi nhớ đồng đội của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai, điều quý giá nhất đối với tôi là mỗi năm được tự tay thắp nén nhang cho những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình”, ông Thoa nói.
Vị cựu binh mong muốn thế hệ sau noi gương ông cha để bám đảo, giữ chủ quyền để đất nước bình yên.
Từ 5h sáng, ông Nguyễn Hữu Thủy cùng đồng đội đã khăn gói đi từ Ninh Thuận đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để thăm các anh hùng đã hy sinh anh dũng vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hữu Thủy cho biết, ông là cựu binh ở đảo Trường Sa Đông vào năm 1988, nhưng may mắn được trở về nhà. Lúc nào, ông cũng luôn nhớ về các chiến sĩ đã nằm xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mỗi lần đi công tác tại quần đảo Trường Sa, thả những vòng hoa tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông luôn đau đáu, về thân xác các Anh hùng Liệt sĩ phải nằm lại biển cả.
Gia đình các liệt sĩ mong muốn đưa con em về lại đất mẹ. Hình ảnh đó cứ khiến ông Tùng day dứt. Sau này, ông Tùng đề xuất với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
“Bây giờ, chúng tôi đã làm được. Đến đây rất nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng xúc động rơi nước mắt vì đây là những anh hùng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc biển đảo của chúng ta. Sự hy sinh đó là vô giá trong những năm tháng đất nước chúng ta rất khó khăn”, ông Đặng Ngọc Tùng xúc động nói.
Bình luận