Giữa nhịp sống hối hả, sự xuất hiện bất chợt của một hình ảnh quá khứ thường mang đến cho người ta cảm giác thích thú. Theo nghiên cứu của giới khoa học, hoài niệm khơi gợi năng lượng sống và suy nghĩ tích cực, tuy nhiên, không phải hoài niệm nào cũng tốt đẹp như nhau.
Giữa lòng Thủ đô, trong bối cảnh bóng đá thế giới đã đạt đến đỉnh cao giao thoa với công nghệ hiện đại, bóng đá Việt Nam vẫn loay hoay với những vấn đề lạc hậu. Những ai luôn nhớ về thời bao cấp nghèo khó với dòng người xếp hàng chờ đợi cô mậu dịch viên, nay nhìn thấy hình ảnh hàng trăm cổ động viên chen nhau mua vé xem AFF Cup ngay trước cổng sân Mỹ Đình, chắc sẽ có cảm giác bồi hồi. Nhưng đây là sự bồi hồi... ngán ngẩm.
Người hâm mộ chen nhau mua vé không phải hình ảnh lạ lẫm. Cách đây vài năm, đám đông từng xô đổ bức tường xung quanh trụ sở VFF để bày tỏ phẫn nộ khi không mua được vé. Bán kết AFF Cup 2014, 2016, dòng người xếp hàng cả... ki lô mét từ đêm hôm trước vẫn phải chấp nhận ra về trắng tay.
Năm nay, vé xem bóng đá một lần nữa khiến cổ động viên nổi cơn thịnh nộ. Cảnh tượng đám đông chặn đầu xe ôtô của nhân viên phân phối vé, trèo lên hàng rào sân, hò hét, chửi bới, lăng mạ người khác,... không phải hình ảnh minh chứng cho văn hóa bóng đá tử tế, hiện đại.
Chứng kiến hình ảnh người hâm mộ mang chăn, gối ra ngủ trước cổng sân, chỉ để đổi lấy vị trí xếp hàng thuận lợi khi lấy vé, tôi tự hỏi: trên thế giới này, được bao nhiêu nước có cổ động viên nhiệt tình và chịu hy sinh như cổ động viên nước mình?
Tình yêu cuồng nhiệt của người Việt Nam với bóng đá từng khiến báo chí quốc tế sửng sốt. Vậy nên, cơn giận của đám đông khi hàng vạn tấm vé phân phối vài tiếng đã... hết là có thể hiểu. Hài hước mà nói, việc U23 Việt Nam giành tấm vé dự chung kết U23 châu Á có khi còn dễ hơn cổ động viên có vé xem AFF Cup ở Mỹ Đình, bởi nỗ lực của cầu thủ sẽ được đền đáp, còn nỗ lực của người hâm mộ thì không.
Xếp hàng từ đêm vẫn không mua được vé. Muốn vào sân, khán giả phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn hơn giá trị thực của vé rất nhiều. Nhưng điều khiến cổ động viên giận dữ không phải là không có vé, mà là những tấm vé ấy, liệu có được phân phối theo cách công bằng hay không?
Người ta có quyền đặt câu hỏi là vì sao vé trong sân khan hiếm, mà phe vé lại có trên tay cả xấp dày cả chục tờ? Tại sao sân có sức chứa 40.000 chỗ, song lượng vé bán ra trực tiếp lại chưa đến 1/4. Vé mở bán theo hình thức online cũng có số lượng rất hạn chế, mà theo lý giải của VFF là cổng bán vé trên mạng mới dừng ở mức... thử nghiệm.
Số lượng 9.000 vé không là gì nếu biết hàng trăm công văn (biểu tượng của hình thức xin - cho lạc hậu) đã mang đi 11.000 vé. Thậm chí, có cầu thủ còn được đề nghị cấp cho... 200 vé để mời người thân, bạn bè. Đây đều là những người không mất thời gian xếp hàng để có vé, mà việc sở hữu chúng là chuyện... đương nhiên.
Hiện tượng đầu cơ vé, tiêu biểu là những phe vé thổi phồng giá trị lên gấp năm, thậm chí 10 lần (hơn sáu triệu cho một cặp vé) tồn đọng nhiều năm nay và vẫn không có phương hướng giải quyết, khi những kênh hay cách thức phân phối vé đã tụt lại quá xa so với mặt bằng xã hội. Trả lời báo Tiền phong, Phó tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu cho biết hệ thống bán vé trực tuyến vẫn đang hoàn thiện. Bao giờ hoàn thiện, đó là dấu hỏi lớn.
Suy cho cùng, bán vé trực tuyến hay không trực tuyến, ban tổ chức phải tạo cho khán giả cảm giác công bằng khi xếp hàng mua vé. Rằng ở vạch xuất phát của "cuộc đua" tìm vé, cơ hội của tất cả là ngang bằng nhau. Mua vé trực tuyến, người hâm mộ sẽ không cần viện cầu đến sức khỏe để chen lấn xô đẩy, không lợi dụng thói côn đồ để chèn ép người khác, như việc hàng chục phe vé và bảo kê xua đuổi sinh viên để lấy chỗ xếp hàng ngay trong đêm.
Đám đông sẽ không phẫn nộ nếu biết những người có vé đều bỏ ra nỗ lực đàng hoàng để có được nó, thay vì thở dài cơ chế phân phối lạc hậu như hiện nay.
Muốn bóng đá đi lên, có lẽ phải bắt đầu từ tiêu chuẩn tối thiểu. Một nền bóng đá mà người dân phải đổ mồ hôi, máu, nước mắt và những lời oán than mới có được vé, đấy rất khó được nhìn nhận là nền bóng đá văn minh, dù ĐTQG có vô địch AFF Cup bao nhiêu lần đi nữa...
Bình luận