Ngang ngược lấn làn, tài xế xe khách còn hung hăng gây sự.
Chiều mùng 3 Tết vừa qua (12/2 Dương lịch), trong khi mọi người khắp nơi đang vui xuân thì hai gia đình ở phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa lại phải đứt ruột làm đám tang cho thân nhân. Hai cô gái không còn cơ hội đón cái Tết nào nữa mà chấm dứt cuộc đời giữa độ xuân xanh tươi đẹp nhất chỉ vì cú lấn làn ngang ngược của chiếc tô tô đi ngược chiều.
Tai nạn xảy ra trên cầu vượt Phú Sơn (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Chiếc ô tô Honda City do tài xế Nguyễn Quý Giáp (40 tuổi) tạt sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào chiếc xe máy chở hai cô gái 24 tuổi. Các nạn nhân bị hất văng qua lan can cầu, rơi xuống đất từ độ cao 5 mét, trút hơi thở cuối cùng ngay tại đó.
Khi nói về thảm kịch này, nhiều người giận dữ vì tài xế không vi phạm nồng độ cồn, cầu khá rộng và lan can không hề thấp, điều đó chứng tỏ chiếc ô tô đã phải lao với tốc độ khủng khiếp, người lái quá coi thường pháp luật và tính mạng người khác.
“Tôi ước gì anh ta hiểu được giá trị của vài giây trước khi nhấn ga, đánh lái. Hai cô gái trẻ đi đúng đường nhưng vẫn phải chết thảm, oan ức quá” - bình luận đầy đau xót này của một cư dân mạng cũng là suy nghĩ của bao người.
Cảnh tang tóc cũng phủ bóng đen lên nhiều gia đình khác trong dịp Tết Giáp Thìn và những ngày đầu xuân này, xuất phát từ hành vi lấn làn của tài xế, trong đó phải kể đến tai nạn xảy ra tại xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk vào 28 Tết.
Vợ chồng anh N.T.N. đã mất đi đứa con gái 3 tuổi trên đường từ Bình Dương về quê Gia Lai ăn Tết bằng xe máy; bản thân người vợ cũng bị thương nặng. Kẻ gây họa là tài xế xe khách cố tình vượt ẩu, lao vào làn đường ngược chiều.
Sẽ không có những đám tang này nếu tài xế luôn được nhắc nhở về cái giá phải trả cho một lần đánh tay lái sang làn đường không dành cho mình. Lời nhắc nhở có sức nặng lớn nhất phải đến từ chính nhận thức của tài xế, rằng họ không có cơ hội thoát khỏi sự trừng phạt dù chỉ một lần vi phạm, dù tai nạn có xảy ra hay không.
Chỉ sự nghiêm khắc, quyết liệt của các lực lượng chức năng mới tạo ra được nhận thức đó. Phải làm sao cho mọi tài xế, dù cầm lái xe máy hay ô tô, đều sợ bị phạt lỗi lấn làn y như sợ bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn.
Hiện nay, người cầm lái hễ muốn uống một chén rượu cũng phải cân nhắc xem lát nữa về bằng phương tiện nào, gửi xe ở đâu, vì các chốt đo nồng độ cồn hiện diện khắp nơi, và hễ cảnh sát giao thông “hỏi thăm” thì họ sẽ bị cấm lái trong ít nhất 10 tháng, chưa kể phải nộp số tiền phạt không nhỏ.
Để người dân có được nhận thức này, lực lượng công an đã phải tập trung lực lượng để biến việc kiểm soát, xử phạt vi phạm nồng độ cồn một cách gắt gao thành hoạt động thường quy, chỉ có cao điểm mà không có thấp điểm, nhằm truyền tải một thông điệp: Nếu bạn lái xe khi có nồng độ cồn trong cơ thể, khả năng thoát án phạt rất thấp.
Sự nghiêm trọng của nạn lấn làn, cả về tần suất vi phạm và hậu quả, xứng đáng để cảnh sát giao thông đấu tranh loại bỏ với mức độ tập trung và quyết liệt tương tự. Chừng nào nạn lấn làn bừa bãi còn tiếp diễn thì những cái chết bi thảm vẫn sẽ liên tục xuất hiện.
Với điều kiện công nghệ hiện nay, việc phát hiện vi phạm này không khó. Chẳng có lý do gì để chúng ta tiếp tục dung túng, làm ngơ cho hành vi coi thường pháp luật có thể cướp đoạt mạng người này.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận