• Zalo

Sửa quy định về an toàn thực phẩm: 'Cởi trói’ cho doanh nghiệp có phải bằng cách ‘tháo’ quy định?

Kinh tếThứ Bảy, 01/07/2017 07:30:00 +07:00Google News

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc áp dụng công bố ATTP cho doanh nghiệp là đúng theo luật, và phương án chuyển sang "hậu kiểm" theo đề xuất của các doanh nghiệp là điều bất khả thi.

Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ (chiều 30/6), đại diện cho các doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay.

Cụ thể, theo nghị 38/2012, một sẩn phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường thì phải trải qua các bước đó là: Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm, sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi hộp hồ sơ gửi cho Cục ATTP, Bộ Y tế để xin xác nhận công bố phù hợp ATTP, cuối cùng là chờ Cục ATTP cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp ATTP.

anh hoi thao

Hội thảo "An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP". Ảnh: (Quỳnh Chi)

Theo ý kiến của nhiều đại diện, trong đó có ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc quản lý bằng thủ tục kể trên có những hạn chế vô cùng lớn. Điều này không chỉ gây mất thời gian, khó khăn cho doanh nghiệp, tăng chi phí mà người chịu thiệt không ai khác sẽ là người tiêu dùng.

Ngoài ra, đại diện cũng cho rằng, quản lý theo kiểu này không có tác dụng đảm bảo chất lượng ATTP bởi mọi thủ tục chỉ là trên giấy tờ chứ thanh tra của Cục cũng không đến tận nơi sản xuất.

Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất phương án rằng, nên áp dụng quản lý ATTP bằng cách "hậu kiểm", có nghĩa là doanh nghiệp sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục ATTP (Bộ Y tế) bãi bỏ quy định về ATTP theo Nghị đinh 38 đồng nghĩa với sản phẩm đó không được ra đời và nếu doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thì có nghĩa là làm sai luật, bởi ngành hàng đó không thuộc diện sản phẩm có thể tự công bố tiêu chuẩn và để doanh nghiệp chịu trách nhiệm được.

20170701_063110 4

Ông Trần Văn Châu (Trưởng phòng Thanh tra, Cục ATTP, Bộ tế) khẳng định, quản lý ATTP theo Nghị định 38/2012 là phù hợp với các quy định, điều kiện để phát triển ngành thực phẩm của Việt Nam.

Chia sẻ về ý kiến của doanh nghiệp muốn chuyển từ "tiền kiểm" ATTP sang "hậu kiểm", ông Châu cho biết, việc "tiền kiểm" và công bố hoàn toàn khác nhau.

Công bố hợp quy hay phù hợp ATTP là một bước bắt buộc để đánh giá một sản phẩm có phù hợp các quy chuẩn, quy định về ATTP hay không, từ đó đánh giá chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của thực phẩm. Trong khi đó, "tiền kiểm" có nghĩa là khi một sản phẩm vừa mới được sản xuất ra thì cơ quan ATTP phải kiểm soát ngay lập tức về chất lượng của sản phẩm đó, do vậy 2 khái niệm này không giống nhau. 

Còn về tính khả thi của phương án "hậu kiểm" như đại diện của một số doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm đề xuất, ông Châu cho rằng, điều này là bất khả thi.

"Vừa rồi, Quốc hội đã giám sát và thông qua các Bộ và 63 tỉnh thành phố cho thấy, tỷ lệ "hậu kiểm" chỉ đạt 40%. Có nhiều doanh nghiệp 5 năm không có đơn vị nào kiểm tra, bởi mặt bằng chung của các doanh nghiệp nước ta rất khác nhau", ông Châu chia sẻ. Do vậy, việc bãi bỏ công bố và chuyển sang phương án "hậu kiểm" là điều không thể.

Ông Châu cho biết thêm: Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”, trong 5 năm cả nước phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm về ATTP (gần 140000 cơ sở vp mỗi năm), phạt tiền gần 134 tỷ đồng. Riêng trong 01 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017, Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra 289 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính: 148 cơ sở, với số tiền phạt hơn 12 tỷ  đồng,  chuyển cơ quan điều tra 04 trường hợp...

Với tình hình vi phạm về ATTP như vậy, theo ông Châu, đối với việc quản lý thực phẩm để xuất khẩu sang nước ngoài, mặc dù đã áp dụng cách quản lý như hiện nay nhưng vẫn có một số lô hàng xuất khẩu sang các nước bị trả về do một số tổ chức cố tình vi phạm, đưa các loại hóa chất, phụ gia vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe.

Do vậy, nếu bãi bỏ công bố ATTP thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn đối với không chỉ một mình doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của ngành xuất khẩu nước ta. 

Ông Châu nhấn mạnh, công tác quản lý ATTP vẫn phải thực hiện, tuy nhiên sẽ cân bằng giữa việc tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của người dân cũng như các doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn