Trong nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Tôm Minh Phú, mã chứng khoán MPC) có doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của Tôm Minh Phú cũng tăng 19% lên hơn 276,4 tỷ đồng.
Riêng quý II, doanh thu thuần của MPC là gần 3.292 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế đạt 249,7 tỷ đồng, tăng tới 42%.
Đáng chú ý, trong mục phải thu khác của Minh Phú, khoản phải thu thuế chống bán phá là hơn 336,2 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà công ty con của Minh Phú tại Mỹ là Mseafood được hoàn lại.
Trước đó, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ kết luận, công ty con của MPC là Mseafood vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá. Mseafood tạm nộp khoản thuế theo yêu cầu, đồng thời kháng cáo và đến giữa tháng 2 thì Mỹ huỷ bỏ kết luận trên.
Trên thị trường, cổ phiếu MPC của Tôm Minh Phú tăng mạnh từ đầu năm. Cụ thể, tính từ ngày 1/1 đến 1/9, mã MPC trải qua 165 ngày giao dịch, tăng 37,4%, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 10.900 đồng. Với hơn 199 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Tôm Minh Phú tăng hơn 2.100 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thủy sản là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC) cũng có kết quả kinh doanh tích cực khi đạt lợi nhuận sau thuế 112,8 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2020.
Doanh thu thuần của Fimex trong nửa đầu năm là hơn 2.129 tỷ đồng, tăng 34%.
Fimex cho biết, giá nguyên liệu tăng so cùng kỳ năm ngoái và có giảm nhẹ so với quý trước. Hiệu quả từ việc thu hoạch tôm tự nuôi đã góp phần đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, Fimex dự báo hoạt động kinh doanh của công ty sẽ gặp khó khăn do sự tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Hiện một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn. Hoạt động xây dựng, mở rộng nhà xướng cũng bị ảnh hưởng tiến độ do dịch bệnh, không thể tập kết thiết bị theo kế hoạch và việc công nhân đi làm bị hạn chế.
Đi cùng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, giá cổ phiếu FMC cũng liên tục được đẩy lên cao. Khép phiên giao dịch 1/9, mã FMC đứng ở mức 46.000 đồng/cổ phiếu, tăng 28,1% từ đầu năm, giúp vốn hóa thị trường đạt hơn 2.707 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do thời tiết khí hậu bất thường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh, diễn biến dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường.
Tuy vậy, Vasep kỳ vọng trong nửa cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, nhất là ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, giúp lĩnh vực xuất khẩu tôm tiếp tục khởi sắc.
Bình luận