Cổ phiếu VCW của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Nước sạch Sông Đà - Viwasupco) khép lại ngày giao dịch 16/10 đứng mức 33.000 đồng, giảm 4,9%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 1.700 đồng. Với 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Nước sạch Sông Đà bị cuốn trôi 127,5 tỷ đồng.
Trong 12 ngày giao dịch của tháng 10, với diễn biến không mấy lạc quan của thị trường cộng luồng thông tin tiêu cực liên quan đến sự cố nước nhiễm dầu, cổ phiếu VCW đã mất 5,7%, tương ứng mất 2.000 mỗi cổ phiếu.
Mã VCW dù có giá khá cao song đang gặp vấn đề thanh khoản, nhiều phiên liên tiếp không có giao dịch. Trong 7 ngày gần đây, khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày của cổ phiếu Viwasupco chỉ khoảng 940 đơn vị. Con số này giảm còn 482 đơn vị nếu tính trong 30 ngày gần nhất.
Dù cổ phiếu giao dịch ảm đạm song Viwasupco có kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Báo cáo tài chính soát xét cho thấy, nửa đầu 2019, Viwasupco đạt doanh thu gần 264 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế hơn 133 tỷ đồng. Doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lần lượt là 57% và 50%.
Cũng theo báo cáo, năm 2018, doanh thu cấp nước của Viwasupco đạt 469 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 230 tỷ đồng.
Đáng nói, dù dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình nhưng Viwasupco vẫn là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm…
Theo báo cáo thường niên, năm 2018, trung bình mỗi ngày đêm, Viwasupco cung cấp gần 250.000 m3 nước cho thị trường. Tổng quy mô cung cấp nước cả năm đạt hơn 91 triệu m3, tương đương 101% kế hoạch.
Tai tiếng gần nhất của Viwasupco xảy ra cách đây vài ngày, sau khi người dân một số quận Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phản ánh nước có mùi khét nồng nặc kèm váng dầu đen. Nguyên nhân sau đó được xác định do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép.
Được biết, Viwasupco hiện có hai cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex sở hữu 60,46% và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) sở hữu 35,95%.
Bình luận