Nhiều khó khăn
Theo VNDirect, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 (so với ước tính tăng 14,5% trong năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước) do thị trường bất động sản (BĐS) kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà. Xuất khẩu - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam - ước tính sẽ giảm tốc xuống 9,5% trong năm 2023, so với mức tăng 14% trong năm 2022.
Các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng...
Bên cạnh đó, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ tín dụng/vốn huy động (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại (NHTM) có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và TPDN thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Vietcombank, MBBank, VPBank, HDBank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Trước bối cảnh thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ ưu tiên cân bằng chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.
Theo dự báo của VNDirect, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong năm 2023 và đạt 10-11% so với cùng kỳ, so với mức 32% trong năm 2022. Tuy vậy, rủi ro đã được phản ánh đáng kể vào định giá của toàn ngành.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023 nếu xét về lợi nhuận thì không tích cực lắm do: cầu tín dụng yếu, chi phí vốn tăng và nợ xấu tăng. Nhưng sang nửa sau năm 2023 kỳ vọng sẽ ổn hơn, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất.
Cơ hội đầu tư hấp dẫn cho ngành ngân hàng
Theo ông Hoàng Việt Phương, chuyên gia của Chứng khoán SSI, trong hội nghị tổng kết năm 2022 của Chính phủ, NHNN công bố tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước đạt 14,5% so với cuối năm 2021 (13,6%). Như vậy, tín dụng đã tăng mạnh, 150 điểm phần trăm trong 10 ngày cuối tháng 12/2022.
Theo ông Phương, trong năm 2022, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối. Mục tiêu điều hành trong năm 2023 cũng không có nhiều khác biệt với hiện tại: tùy vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các yếu tố từ bên ngoài.
Ông Phương kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo VNDirect, điểm khác nhau là ở góc nhìn. Người lạc quan sẽ nhìn bức tranh với những mảng màu tươi sáng hơn.
Theo đó, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B năm 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn.
Chứng khoán VNDirect cũng giữ lập trường thận trọng đối với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro TPDN vẫn hiện hữu.
Theo đó, khoảng 46 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn vào nửa đầu năm 2023 sẽ là một phép thử lớn cho hệ thống tài chính. Trong giai đoạn biến động này, một số ngân hàng được đánh giá có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay BĐS hạn chế) có thể kể đến như Vietcombank và ACB.
Sang nửa sau năm 2023, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn khi áp lực lãi suất và tỷ giá bắt đầu giảm bớt, cùng lúc với việc thanh khoản được cải thiện nhờ nhà nước đẩy mạnh các gói đầu tư công.
Đối với một nước đang phát triển như Việt nam, VNDirect cho rằng BĐS cũng như TPDN đều là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới.
Bình luận