• Zalo

Nhiều cổ phiếu lao dốc không phanh trong năm 2022

Tài chínhThứ Bảy, 31/12/2022 13:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong năm 2022, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều cổ phiếu lao dốc đến gần 100% thị giá.

Dữ liệu cho thấy, mã cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán 2022 với mức giảm lên đến 92,02%.

Nhiều cổ phiếu lao dốc không phanh trong năm 2022 - 1

Thị trường chứng khoán đã trải qua một năm nhiều biến động, hàng loạt cổ phiếu sập sàn.

Theo đó, chốt ngày giao dịch 30/12, cổ phiếu ART đứng mức 1.300 đồng/cổ phiếu. Như vậy, so với thời điểm ngày 1/1/2022, mã ART giảm 92,02%, tương đương mỗi cổ phiếu "bay" 15.000 đồng. Với hơn 99 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của ART giảm hơn 1.400 tỷ đồng.

Chứng khoán BOS là một trong số cổ phiếu thuộc "họ FLC". ART thành lập 2008 với vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Ngành nghề chính của công ty là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Tháng 9/2018, cổ phiếu ART niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). 

Trước khi ông Trịnh Văn Quyết dính vòng lao lý, mã ART có thời điểm đứng mức 18.100 đồng/cổ phiếu (ngày 7/1). Hiện ART cũng bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ 12/10.  Lý do Chứng khoán BOS đã tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin, cụ thể là chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2022.

Thêm một mã cổ phiếu "họ FLC" nữa nằm trong nhóm "rơi tự do" là KLF của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS. Thống kê của Vietstock cho thấy, trong năm dương lịch 2022, mã KLF giảm đến 88,89% thị giá. Cụ thể, tính từ 1/1 - 30/12/2022, mã KLF giảm 7.200 đồng/cổ phiếu (tức giảm 88,89%), tương đương hơn 1.190 tỷ đồng vốn hóa bị "bốc hơi".

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS thành lập 18/9/2009 với 5 cổ đông sáng lập là cá nhân. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu hoạt động đại lý bán vé máy bay, buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, đại lý du lịch, chăm sóc và duy trì cảnh quan, cung cấp ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng...

Thời điểm hiện tại, cổ phiếu KLF nằm trong diện hạn chế giao dịch từ 12/10/2022 do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cũng giống như Chứng khoán BOS, cổ phiếu KLF từ đỉnh 10.500 đồng/cổ phiếu phiên 10/1, giá mã này gần như rơi tự do, chạm đáy năm 700 đồng/cổ phiếu tại phiên ngày 11/11. 

Tính đến 30/12, mã DVG của Tập đoàn Sơn Đại Việt cũng giảm 88,6%, tương đương mất 21.000 đồng mỗi cổ phiếu. Với hơn 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường DVG giảm hơn 80 tỷ đồng trong năm dương lịch.

Sơn Đại Việt thành lập 2006, chuyên về sản xuất sơn, véc ni, sản xuất mực in... Thị trường đóng góp phần lớn doanh thu đến từ các tỉnh từ Thanh Hoá trở vào đến Đà Nẵng, Bình Định... Năm 2021, doanh nghiệp này lãi ròng gần 15 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm.

Đứng thứ tư trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất năm là VKC của VKC Holdings. Từ 1/1 - 30/12, mã VKC giảm 86,8% khiến mỗi cổ phiếu giảm 11.200 đồng. Với hơn 19 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường VKC Holdings bị giảm hơn 215 tỷ đồng.

VKC Holdings tiền thân là Công ty cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh. VKC phát triển theo mô hình Holdings và tập trung đầu tư vào các mảng kinh doanh chính kinh doanh lốp xe, phụ tùng với thương hiệu Vĩnh Khánh; kinh doanh cáp điện với thương hiệu VCOM và mở rộng thêm những ngành nghề kinh doanh mới.

Do vướng vào bê bối cùng "họ Louis", 3 tháng đầu năm, giá cổ phiếu VKC có phần trồi sụt khi lao dốc rồi lại vươn lên đỉnh 14.600 đồng/cổ phiếu ngày 10/3. Nhưng sau đó, giá mã này lao dốc mạnh sau thời điểm ông Đỗ Thành Nhân bị bắt giữ và khởi tố vì hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. 

VKC mới đây cũng bị phạt số tiền 150 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin sai lệch. Cụ thể, công ty đã công bố thông tin sai lệch đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tại báo cáo tài chính bán niên  2022. Con số tại báo cáo tài chính này ghi nhận lỗ 24,6 tỷ đồng – sai lệch so với số liệu chỉ tiêu tại báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét công bố ngày 16/8/2022 trên trang thông tin điện tử của HNX (lỗ hơn 191 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, VKC Holdings còn bị phạt tiền 70 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Tổng cộng, số tiền bị phạt của VKC là 220 triệu đồng. VKC còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin.

Đầu tư Apax Holdings, doanh nghiệp liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thủy, cũng lao dốc cổ phiếu giảm 86,47%, khiến vốn hóa thị trường tương ứng bị thổi bay 1.100 tỷ đồng trong 2022. Đà lao dốc mạnh của cổ phiếu IBC diễn ra sau những lùm xùm về việc các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thủy xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/11/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Chứng khoán kết năm 2022 giảm 52% so với đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán khép lại năm dương lịch 2022 trong sắc đỏ giảm điểm, chỉ số VN-Index đã giảm 33%. Tuy nhiên nếu tính từ phiên đỉnh cao lịch sử (phiên 6/1, đỉnh 1.528,57 điểm), chỉ số trên đã bị giảm gần 522 điểm (-52%).

Hòa Bình
Bình luận