• Zalo

Cổ phiếu Eximbank lao dốc

Tài chínhThứ Sáu, 26/02/2021 07:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Eximbank lại sắp tổ chức đại hội cổ đông trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá cổ phiếu giảm mạnh từ đầu năm.

Khép lại phiên giao dịch 25/2, mã EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đứng mức 18.100 đồng, giảm 100 đồng so phiên liền trước. Tính từ đầu năm (1/1 – 25/2), cổ phiếu ngân hàng này giảm tới 5,97%, tương đương mỗi cổ phiếu “bay hơi” 1.150 đồng. Với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường nhà băng này bị cuốn trôi hơn 1.413 tỷ đồng.

Cổ phiếu Eximbank lao dốc - 1

Eximbank lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông trong tháng 4/2021 sau nhiều lần bị hoãn vì COVID-19 và mâu thuẫn nội bộ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá cổ phiếu đi lùi, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Eximbank thông báo triệu tập họp đại hội cổ đông thường niên lần 3 năm 2020 và đại hội cổ đông thường niên 2021 tại Hà Nội.

Theo đó, đại hội đồng thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 26/4, danh sách cổ đông chốt tại ngày 10/3/2020. Trong khi đó, đại thường niên năm 2021 sẽ tổ chức vào ngày 27/4, danh sách cổ đông chốt tại ngày 22/3.

Eximbank là một ngân hàng khá đặc biệt khi đến nay vẫn chưa thể tiến hành đại hội cổ đông thường niên lẫn bất thường năm 2020. Hai lần trước, EIB thông báo hoãn đại hội trước ngày khai mạc vì lý do COVID-19.

Ngân hàng này cũng có hai lần phải hoãn đại hội cổ đông thường niên và một lần hoãn đại hội cổ đông bất thường vì không đủ tỷ lệ để tiến hành do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.

Trong năm 2020, mâu thuần giữa các nhóm cổ đông Eximbank diễn ra gay gắt khi một số nhóm cổ đông liên tục có văn bản đề nghị thanh lọc Hội đồng quản trị. Một nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn thậm chí đề nghị Hội đồng quản trị đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.

Hiện Hội đồng quản trị của Eximbank gồm 9 người là các ông Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy nợ xấu tăng vọt. Theo đó, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 của Eximbank tăng 31% so với đầu năm, lên mức hơn 2.534 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp 3,3 lần và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,3 lần đầu năm (tương đương tăng 133%).Do cho vay khách hàng giảm mạnh 11% nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,71% lên 2,52%.

Tiền gửi của khách giảm 4% xuống 133.918 tỷ đồng do giảm tiền gửi có kỳ hạn. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 30%, ở mức 5,627 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 32% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 400 tỷ đồng

Vẫn theo báo cáo, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản EIB giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 160.435 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, quý IV/2020, hoạt động kinh doanh của Eximbank không có nhiều tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 50%, lãi từ mua mua bán chứng khoán đầu tư giảm 93%.

Tuy vậy, Eximbank vẫn báo lãi trước và sau thuế quý IV gần 236 tỷ đồng và hơn 199 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ do giảm sâu chi phí rủi ro.

Lũy kế cả năm, Eximbank báo lãi trước và sau thuế tăng 22% và 24% so với năm trước, đạt gần 1.340 tỷ đồng và hơn 1.070 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiết giảm một số chi phí như chi phí hoạt động và chi phí dự phòng.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn