Trong buổi tọa đàm mới đây về dự án BOT, Nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT: Trong những năm vừa qua có bao nhiêu dự án đấu thầu rộng rãi (đấu thầu trong nước, đầu thầu quốc tế), có bao nhiêu dự án chỉ định thầu?
Trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì liệu với những cơ chế đã có (và nhất là việc thực hiện các quy định về kiểm tra, kiểm soát, đánh giá từ khâu phương án tài chính cho đến những khâu sau, giám sát thi công...) có bảo đảm để xác định được đúng giá thành (thật) của những công trình BOT hay không?
Có thông tin nói có nhiều trường hợp đầu tư cơ sở để dẫn đến ký hợp đồng được đưa lên gấp 1,5 đến 2 lần so với giá trị thực tế sau này thực hiện, điều đó có hay không?
Ông Tuấn còn nêu ra vấn đề so sánh giá thành cho 1 km đường được thực hiện bằng BOT với giá thành từ trước tới giờ Nhà nước thực hiện thì rẻ hơn, bằng, hay cao hơn?
Video: Thứ trưởng Trường trả lời những câu hỏi liên quan đến dự án BOT
Nguồn: Đại biểu Nhân dân
Ông Nguyễn Hồng Trường trả lời, Nhà nước đã ban hành nghị định 108, nghị định đã nêu rõ việc lựa chọn các nhà đầu tư BOT bằng hình thức đấu thầu trong nước và quốc tế. Bộ đưa ra danh mục các dự án lên mạng, Báo Đấu thầu và theo quy định là được lựa chọn trong 45 ngày.
Như vậy theo quy định, nếu có 1 nhà đầu tư tham gia thì coi như giao cho nhà đầu tư đó. Còn nếu có 2 nhà đầu tư trở lên tham gia thì chúng tôi đưa ra giải pháp là các nhà đầu tư tự thỏa thuận với nhau và thường là họ liên doanh với nhau để thực hiện.
Cũng có những trường hợp đấu thầu khi tham gia thấy khó khăn quá mà từ bỏ. Cuối cùng là họ tạo ra một liên doanh từ 3 – 4 nhà thầu để thực hiện dự án.
Hình thức này ngày càng nhiều hơn, do đó số lượng các nhà đầu tư tham gia có năng lực tài chính đầu tư dự án BOT không nhiều.
Thời gian vừa qua, hầu như không có nhà đầu tư nào khiếu kiện về việc lựa chọn nhà đầu tư. Chúng tôi cũng đã đưa ra những giải pháp tích cực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một nhà đầu tư nào tham gia đầu tư hình thức BOT. Vì những lý do họ đưa ra là thứ nhất phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh trượt giá của đồng đô la và bảo lãnh về lưu lượng xe. Tất cả nhưng vấn đề đó chưa có quy định nên hiện nay vẫn còn những khó khăn.
Sau khi nghe phần trả lời của ông Trường, Nhà báo Trần Đăng Tuấn phản biện: Chúng ta hay nói câu chuyện về mức phí. Nhưng mức phí nó hình thành từ phương án tài chính, từ lựa chọn nhà đầu tư. Tôi muốn đặt vấn đề từ gốc, bởi phí nó chỉ là cái cuối cùng. Cho nên, trong câu hỏi thứ hai tôi đề cập đến chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư hay là lựa chọn qua đấu thầu. Qua thông tin Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra thì tôi thấy thực sự lo lắng!
Ông Tuấn cho rằng, theo luật đấu thầu, theo thực tế từ trước đến giờ, thì việc chỉ định thầu là hãn hữu, nếu như bây giờ, chuyện đặc biệt nó trở thành phổ biến, thì một cuộc đấu thầu thành công lại trở thành cái đặc biệt. Trong lĩnh vực BOT, đấu thầu thành công lại là trường hợp đặc biệt.
"Tôi không nói rằng đấu thầu là hình thức thật sự bảo đảm, nhưng dẫu sao trong xây dựng nó cũng là biện pháp có tác dụng nào đấy. Thực tế, nhiều công trình xây dựng nếu đấu thầu thì giá có thể giảm xuống 10%, thậm chí là 20%. Nếu chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư, thì tôi không nói là thực tế có xảy ra chuyện này chuyện kia hay không (tôi không có điều kiện kiểm chứng thực tế), nhưng tôi nghĩ rằng sự lo lắng là có cơ sở.
Vậy bây giờ ít nhà đầu tư chăng? Bản thân các nhà đầu tư thường lựa chọn hình thức liên danh cũng là vấn đề chúng ta cần phải xem xét. Có những công trình có khi chỉ cần có mấy trăm tỷ (vốn tự có) là người ta có thể làm được, và nước mình đâu phải ít người có khả năng này?
Video: Né trạm thu phí, xe tải rầm rầm đổ bộ vào làng
Việc tranh thầu, đấu thầu lại không nhộn nhịp, nhưng ngược lại, rất nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp lại đăng ký làm BOT, danh mục các dự án BOT là rất nhiều (76 dự án). Cho nên có thể suy nghĩ của tôi sai, nhưng câu hỏi vương vấn ở trong đầu tôi: Hay là người ta không có nhu cầu phải đấu thầu với nhau? Bởi vì, người này có thể làm cái BOT này thì người kia có thể làm cái kia." - ông Tuấn nói.
Người ta theo hình thức liên danh nhiều hơn là đấu thầu với nhau - những nội dung này tôi không có điều kiện để biết thật chính xác, nhưng tôi nghĩ đây là những vấn đề cần phải suy nghĩ. Bởi nếu không có đấu thầu canh tranh, chúng ta không có phương thức nào thực sự hữu hiệu để xác định giá thành thực tế. Tất cả các quy định kiểm tra, kiểm soát - pháp luật về xây dựng đã quy định hết. Nhưng chúng ta đều biết rằng chưa bao giờ nó đủ mạnh để kiểm tra được chặt chẽ giá thành trong xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Trường tiếp tục đưa ra quan điểm: Về vấn đề đấu thầu các dự án BOT, tôi đã nói từ đầu, chúng tôi rất muốn công khai minh bạch ngay từ đầu, muốn chọn ra một nhà đầu tư tốt nhất để làm dự án đó. Nhưng hiện nay số nhà đầu tư đủ điều kiện để làm không nhiều, rất ít, thậm chí có những dự án không ai làm.
Trong đó chúng ta cũng rất muốn đầu tư để có những con đường, như vậy vấn đề là lựa chọn nhà đầu tư. Chúng tôi cũng đưa lên mạng những thông tin dự án rất đầy đủ để các nhà đầu tư lựa chọn theo những tiêu chí như vậy. Sau đó người ta thấy rằng đây là dự án khá lớn, nếu tôi kết hợp với anh để làm thì chia sẻ được rủi ro, có thể các nhà đầu tư cũng có những tiềm năng hơn người ta cũng yên tâm hơn về vấn đề vay vốn.
Chưa có một trạm BOT nào chỉ thầu. Đấu thầu 100%, đấu thầu đó được lựa chọn hết sức đầy đủ, minh bạch và không có một nhà đầu tư nào thắc mắc trong quá trình lựa chọn. Hôm trước tôi đã trả lời trên Cổng thông tin trực tuyến của Chính phủ, việc công bố những dự án BOT này, chúng tôi hoàn toàn mở, bất cứ một tổ chức cá nhân nào đến Bộ GTVT muốn tìm hiểu về các dự án BOT, chúng tôi đều tạo điều kiện.
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Tuấn cho rằng Nhà nước cần phải có một tổ chức đầy đủ hơn để kiểm soát. Cái này cũng có hết rồi chứ không phải không. Bộ GTVT là cơ quan quản lý dự án này, Bộ KH&ĐT là cơ quan cấp phép, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định hợp đồng, Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định về giá và cấp phí cho dự án. Như vậy, ít nhất có 4 Bộ tham gia vào một dự án BOT. Rất là chặt chẽ.
Bình luận