Ý kiến trên được PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học chia sẻ tại chương trình “Tập huấn báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều” diễn ra ngày 25/5.
Tại buổi tập huấn, ông Thành nhắc lại lưu ý của các thầy biên soạn, tổng chủ biên "muốn đổi phát triển năg lực cho học sinh thì thầy cô cần đổi mới phương pháp dạy học". Phương pháp dạy học tích cực được hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần ra công văn hướng dẫn về các phương pháp này để giáo viên dễ dàng ứng dụng. Trong đó, người thầy đóng vai trò tổ chức dạy và định hướng học sinh. Còn các em làm nhiệm vụ đọc học liệu, trao đổi với thầy cô, bạn bè. Do vậy, khi thiết kế giáo án dạy theo sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô cần lưu ý tinh thần, phương pháp dạy này, Vụ trưởng đề nghị.
Nhiều thầy cô soạn giáo án chỉ viết chung chung "thiết bị dạy học bài hôm nay gồm: sách giáo khoa, tranh ảnh, biểu đồ...". Nếu viết như vậy thì có thể áp dụng cho hàng trăm tiết dạy ở các môn khác nhau. Ông lưu ý thầy cô khi soạn giáo án cần chi tiết như nội dung bài học A, sử dụng bức tranh minh hoạ A đi cùng, bài B có tranh B...
Theo vị lãnh đạo này, giáo án là tài liệu rất quan trọng triển khai nội dung bài giảng, kiến thức. Thầy cô căn cứ vào yêu cầu cần đạt theo khung chương trình để sắp xếp kiến thức trong sách giáo khoa cho phù hợp. "Trong quá trình đi kiểm tra, tôi từng nhìn thấy 1 giáo án dạy môn tiếng Anh rất buồn cười. Giáo viên này soạn tới 40 slide (trang) trình chiếu dạy trong 1 tiết học 45 phút, tức khoảng 1 phút/slide, như vậy không thể dạy được", ông Thành chia sẻ.
Tham gia tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện theo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các nhà xuất bản có sách giáo khoa được các địa phương lựa chọn có trách nhiệm vụ phối hợp Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương tổ chức tập huấn về sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên.
Vì vậy, các nhà xuất bản đang phối hợp Bộ GD&ĐT cùng tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên, được tuyển chọn từ các chuyên gia, các nhà khoa học những người trực tiếp tham gia biên soạn chương trình, chủ biên các sách giáo khoa,... cho các báo cáo viên.
Thứ trưởng Độ nhấn mạnh, các báo cáo viên là những người được tuyển chọn từ các chuyên gia, các nhà khoa học, người trực tiếp tham gia biên soạn chương trình, chủ biên các sách giáo khoa,…để sau đó tiếp tục tập huấn cho giáo viên, đưa sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 bộ Cánh Diều vào giảng dạy tại các nhà trường từ năm học 2023-2024.
Để đưa sách giáo khoa mới đi vào hoạt động dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, công tác tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa là một khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định.
"Chính vì vậy, cần tập huấn với tinh thần là tất cả các báo cáo viên hiểu sâu sắc về điều này, từ ý tưởng xây dựng bài dạy đã qua thử nghiệm và được bảo đảm phản ánh đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông vào trong sách”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Theo Thứ trưởng, Bộ sách Cánh Diều đã lựa chọn được các chuyên gia xuất sắc và sau khi tập huấn xong, thì các chuyên gia này sẽ được tổ chức về các địa phương tập huấn cho giáo viên.
Bộ sách giáo khoa Cánh Diều theo Chương trình giáo dục phổ thông mới do 4 đơn vị gồm: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Huế và Công ty Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) liên kết, phối hợp tổ chức biên soạn, xuất bản.
Bình luận