“Cô ấy bị đối xử như một con vật, bị chủ thuê xiềng xích và phải ở trong nhà vệ sinh 7 năm trời. Họ đánh đập cô ấy dã man tới mức rụng cả răng và người chủ đôi khi còn ném vào người làm công nước tiểu của chính đứa trẻ mà cô chăm sóc”, bà Vida Soraya Verzosa, đại sứ Philippines tại Syria, kể về cuộc sống của Lara. Câu chuyện của cô đại diện cho số phận của một bộ phận lớn công nhân Philippines làm việc ở nước ngoài (OFW).
Lara là người Philippines tới Syria làm thuê với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng cô bị chủ thuê giam cầm, lạm dụng về cả thể chất và tinh thần trong 7 năm. Trong thời gian đó, Lara không hề nhận được một đồng lương nào.
Một gia đình người Syria thương cảm cho hoàn cảnh của Lara đã giúp cô trốn thoát tới trại tạm trú của Đại sứ quán Philippines. Tại đây, Lara được điều trị y tế và cuối cùng cũng được đối xử như một con người. Đại sứ quán đã đệ đơn tố cáo người chủ của cô lên các tòa án hình sự ở Syria.
Theo bà Verzosa, dù những OFW khác ở trại tạm trú không gặp phải “tình huống khủng khiếp” như Lara, nhưng nhiều người trong số họ cũng bị chủ thuê ngược đãi: “Chủ thuê có thể đánh đập và la mắng họ. OFW không được ăn uống đầy đủ và nhiều người làm việc tới hơn 18 giờ mỗi ngày. Dù phải lao động quá sức nhưng mức lương của họ lại rất thấp, đó là vi phạm hợp đồng lao động”.
Buôn người đội lốt tuyển dụng
Đa phần các OFW tìm đến đại sứ quán Philippines xin giúp đỡ đều được tuyển dụng và đưa tới Syria một cách bất hợp pháp thông qua đường dây lừa đảo. Đại sứ Philippines tại Syria Verzosa gọi đây là “trường hợp buôn người kinh điển”.
Bà Verzosa cho biết những công nhân này được hứa hẹn về việc làm lương cao ở Dubai. Các nhà tuyển dụng giới thiệu một số công việc như phục vụ bàn hoặc thu ngân với mức lương tối thiểu 400 USD. Tiếp đó, các OFW sẽ bị dụ dỗ ký vào một hợp đồng lao động viết bằng tiếng Ả Rập. Họ ký mà chẳng hề biết mình vừa cam kết điều gì.
Cuối cùng, họ trở thành người làm công trong gia đình ở Syria.
Các nhà tuyển dụng buôn người xảo quyệt này đã thuyết phục rất nhiều OFW bằng cách cam kết giúp những người đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài rời khỏi Philippines ngay lập tức. Tuy nhiên, quá trình này được thực hiện bằng cách bất hợp pháp. Nhà tuyển dụng sẽ làm giấy khai sinh, giấy thông hành và hộ chiếu giả cho người đăng ký, thị thực để nhập cư của họ chỉ là thị thực du lịch. Do không có gì là thật nên các OFW dễ dàng bị chủ thuê thao túng.
“Khi tìm đến đại sứ quán xin giúp đỡ, có rất nhiều người trong số họ đã thực sự trải qua những câu chuyện khủng khiếp về việc ngược đãi công nhân”, bà Verzosa cho biết.
Tuy một vài OFW may mắn gặp được chủ thuê tốt và có cuộc sống đầy đủ nhưng theo bà Verzosa, bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào cũng không thể được biện minh.
“Điều này không biện minh cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào của các nhà tuyển dụng và tổ chức buôn người bất hợp pháp ở Philippines, cũng như việc các công nhân bị chủ thuê ngược đãi”, bà Verzosa nói.
Bình luận