“Chúng tôi là đại diện pháp lý của Miss Chong. Chúng tôi gửi thư này để yêu cầu công ty chấm dứt hợp đồng độc quyền với thân chủ. Cube Entertainment chưa bao giờ đưa báo cáo thu nhập cụ thể với Miss Chong. Có nhiều thứ cho thấy công ty đang vi phạm hợp đồng và đối xử tệ với cô”.
Bức thư do chính công ty Luật Jing Shi - cố vấn pháp lý của Elkie - công khai lên mạng xã hội, báo chí ngày 26/12 đã tố cáo mặt trái của ngành công nghiệp idol. Mới nhất, Park Bom (nhóm 2NE1) bị quản lý quát thẳng mặt trên sóng livestream chỉ vì không nghe điện thoại.
Trái với hình ảnh sang trọng, lung linh trên sân khấu, các nghệ sĩ ở Hàn Quốc phải chịu nhiều áp lực, từ việc giữ hình ảnh, xem trọng người hâm mộ cho đến những góc khuất khó nói.
Nói đúng hơn, Kpop là môi trường tệ bạc. Nghiên cứu của hai tác giả Claudia Valge và Maari Hinsberg đến từ viện ICDS - Trung tâm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Estonia đã chỉ ra điều đó.
“Hợp đồng nô lệ”
Đây là cụm từ mà chuyên gia quốc tế nói về ngành công nghiệp Kpop. "Nam thanh nữ tú" nhỏ hơn 18 tuổi (đôi khi có trường hợp ngoại lệ lớn hơn) được các công ty tìm kiếm, giữ quan hệ bằng hợp đồng, thông thường là 10 năm.
Tuy nhiên, năm 2008, hai thành viên TVXQ từng kiện SM Entertainment vì hợp đồng 13 năm. Với họ, điều này hoàn toàn không công bằng. Với những album bán được dưới 500.000 bản, hai ca sĩ không được trả thêm bất kỳ đồng nào.
Năm 2010, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã thiết lập quy tắc các hợp đồng nghệ sĩ chỉ được kéo dài bảy năm. Năm 2017, điều khoản mới tiếp tục được áp dụng để có lợi cho nghệ sĩ. Nếu idol hủy ngang hợp đồng, khoản tiền phạt họ đối mặt giảm hơn trước. Nghệ sĩ cũng không bị công ty gây nhiều áp lực, theo Variety.
Tuy nhiên, showbiz Hàn có nhiều góc khuất.
Hầu như toàn bộ thu nhập của nghệ sĩ thường được chuyển về túi tiền của công ty. Các ông lớn giải trí thường lấy cát-xê biểu diễn để bù cho chi phí đào tạo và debut. Đây cũng là cách để nghệ sĩ gắn bó với công ty trong nhiều năm, trước khi họ có hướng đi mới.
Thông thường, việc đào tạo idol mất khá nhiều công sức, tiền bạc. Họ được chỉ đạo nhiều thứ từ việc hát, rap, nhảy, diễn xuất, học ngoại ngữ cho đến kỹ năng, bản lĩnh sân khấu…
Để trở thành trưởng nhóm của Big Bang và thành công như hiện tại, G-Dragon phải mất 11 năm đào tạo tại YG Entertainment. Một số nhóm nhạc, idol dành cả thanh xuân ở vị trí thực tập sinh nhưng không bao giờ được ra mắt. Chỉ những người có nhiều tài năng, cộng thêm may mắn mới có thể tồn tại ở thị trường này.
Vì vậy, nhiều thực tập sinh rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, không thể có việc làm vì đánh đổi việc học để theo đuổi ước mơ. Mặc khác, “hợp đồng nô lệ” cho phép các công ty kiểm soát gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của idol.
Các thực tập sinh, người sống trong ký túc xá bị cho là có cuộc sống “khổ hạnh”. Họ thường bị cấm giao tiếp ngay cả với cha mẹ và bạn bè. Các idol và thực tập sinh không được ra ngoài nếu không có chuyện khẩn cấp, kèm với đó là tập luyện đến 20 giờ/ngày bất chấp kiệt sức.
Từ các “hợp đồng nô lệ”, tình trạng sức khỏe tâm lý của các idol ngày càng tệ. Có người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần do sống trong ràng buộc, sợ hãi nhiều thứ đến từ ông chủ - những công ty quản lý.
Bạo lực và lạm dụng tình dục
Việc bị lạm dụng là vấn đề nhức nhối của nền công nghiệp Kpop.
Năm 2018, truyền thông Hàn Quốc tiết lộ thông tin hai ca sĩ Lee Seok Cheol và Lee Seung Hyun (cùng là thành viên nhóm The East Light), phải chịu bạo hành từ thể xác đến tinh thần từ khi còn trẻ.
Suốt bốn năm, hai anh em họ Lee bị đánh bằng gậy bóng chày, bị quản lý tra tấn, buộc cổ bằng dây đàn guitar và nhiều hình thức khác, theo Ed Times.
Thông tin này từng làm rúng động truyền thông Hàn. Phần lớn công chúng hy vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt của giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, theo Mydaily, không hiếm có trường hợp các công ty quản lý cho người hành hạ nghệ sĩ, từ khiển trách cho đến hành hung khi họ mắc lỗi.
Lạm dụng tình dục, mua bán dâm là vấn đề nổi cộm hơn ở ngành giải trí Hàn Quốc.
Jang Suk Woo - chủ sở hữu của một công ty Kpop quy mô nhỏ từng bị cáo buộc quấy rối tình dục và cưỡng hiếp ít nhất mười nghệ sĩ nữ, một số trong số đó là trẻ vị thành niên, theo Seoul Beats.
Idol nữ và các thực tập sinh thường bị công ty quản lý yêu cầu phục vụ tình dục cho những kẻ bệnh hoạn núp bóng “nhà đầu tư” hoặc “nhà tài trợ”.
Không ít báo cáo cho thấy những nghệ sĩ kém tên tuổi là nạn nhân của nạn hiếp dâm. Song, vì “thấp cổ bé họng” nên họ đành im lặng chịu uất ức. Năm 2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon đã chọn cách tự tử sau khi bị ép bán dâm.
Năm 2019, một trong những vụ bê bối tình ái lớn nhất làng giải trí Hàn Quốc bị phanh phui. Hộp đêm Burning Sun thuộc sở hữu của Seungri - ca sĩ nhóm Big Bang - bị nghi ngờ là nơi chứa, buôn bán ma túy.
Nam ca sĩ bị cáo buộc cung cấp gái mại dâm tại câu lạc bộ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Yang Hyun Suk - ông chủ cũ của Seungri, đồng thời là người sáng lập công ty YG, cũng bị nghi ngờ về tội danh tương tự. Ông buộc phải từ chức chủ tịch YG vì sức ép của dư luận.
Thành viên nhóm Big Bang cũng bị cho là có hành vi quấy rối khi có mặt trong phòng chat tình dục có nhiều người nổi tiếng tham gia. Họ tự tiện đăng tải, bàn luận về những video quay lén với phụ nữ mà không có sự đồng ý của đối phương.
Theo nghiên cứu của ICDS, may mắn là ngành giải trí Hàn Quốc vốn rất khắc nghiệt. Công chúng không tha thứ cho những hành vi quấy rối và tội ác tình dục.
Nghệ sĩ, công ty quản lý phải chịu làn sóng tẩy chay từ dư luận. Danh tiếng và sự nghiệp của những kẻ lạm dụng phần lớn bị lụi tàn, hoàn toàn không có cơ hội “ngóc đầu” sau những bê bối.
Không được chăm sóc sức khỏe tâm thần
Việc các công ty kiểm soát cuộc sống riêng tư, bóc lột sức lao động quá mức là lý do chính đẩy idol vào con đường bị trầm cảm. Ngoài ra, áp lực từ sự nổi tiếng và phải hoàn hảo trước mắt công chúng là nguyên nhân chính của nạn idol tự tử.
Song, điều này hoàn toàn bị phớt lờ ở Kpop, và cả xã hội Hàn Quốc.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Từ giới nghệ sĩ đến người bình thường, họ ít khi tìm đến người thân để cầu xin sự giúp đỡ khi gặp vấn đề về tâm thần.
Từ lâu, bệnh tâm thần thường xuyên bị kỳ thị tại Hàn Quốc. Theo nghiên cứu của ICDS, lý do chính của điều này là tâm lý xã hội coi trọng danh dự gia đình hơn sức khỏe cá nhân. Đây cũng là nguyên nhân của việc nhiều người sợ hãi, phớt lờ các vấn đề sức khỏe tâm thần để bảo vệ “danh tiếng gia đình”.
Năm 2017, người hâm mộ Hàn Quốc và thế giới đau lòng trước cái chết của Kim Jong Hyun, thành viên nhóm SHINee.
Không chỉ là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của thế hệ nghệ sĩ Gen2, Jonghyun còn thường xuyên lên tiếng vì cộng đồng, công khai chỉ trích xã hội Hàn Quốc, bảo vệ nhóm người chịu nhiều kỳ thị từ công chúng.
Jong Hyun cũng từng nhiều lần thừa nhận bị trầm cảm và không hề xấu hổ vì điều này. Trong chương trình radio Blue Night, nam ca sĩ từng lên tiếng đưa nhiều lời khuyên cho người mắc chứng trầm cảm và là nạn nhân của rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, điều bi kịch là người như Jong Hyun lại bị hệ thống chăm sóc sức khỏe Hàn Quốc đối xử tệ. Bác sĩ tâm lý riêng của Jong Hyun cho rằng chứng trầm cảm lâu dài của nam ca sĩ thuộc về nhân cách chứ không phải bệnh lý.
Ngoài ra, cảm giác tự ti, áp lực từ công ty quản lý cùng những lời khẳng định sai lầm này đã thuyết phục Jong Hyun tin rằng trầm cảm là do anh ấy gây ra. Nam ca sĩ hoàn toàn mất hy vọng hồi phục, không còn tự tin vào bản thân và đẩy anh đến bờ vực của trầm cảm và tự tử, nghiên cứu của ICDS nói.
Trong năm 2019, hai ngôi sao Sulli và Goo Hara chọn cách tự tử vì trầm cảm kéo dài, không chịu nổi áp lực dư luận. Nhiều ngôi sao khác cũng là nạn nhân của việc bị phớt lờ sức khỏe tâm thần, chọn cách kết liễu cuộc đời.
Người hâm mộ lo lắng xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có sự giúp đỡ hợp lý từ phía cơ quan chức năng, người liên quan.
“Tôi bị ám ảnh và sợ nhận cuộc gọi lúc nửa đêm. Tôi sợ phải nghe thông tin người nổi tiếng nào đó tiếp tục tự tử”, Kim Dae O - nhà báo lâu năm làm việc trong làng giải trí - từng nói với The Guardian.
Bình luận