Vấn nạn ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm nhựa đại dương là một trong những nỗi lo lớn của toàn nhân loại. Có rất nhiều cuộc thi, lễ phát động tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa dành cho thế hệ trẻ, qua đó hình thành và nâng cao nhận thức cho thế hệ tương lai của đất nước về sự sống còn khỏe mạnh của các loài sinh vật biển.
Điển hình, trong cuộc thi "Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng", bạn Bùi Vân Anh (sinh năm 1999, Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhì hạng mục Truyện tranh, tranh vẽ, poster và ảnh chụp với sản phẩm “Nhà hàng nhựa sản”. Đại diện cho thế hệ tương lai của đất nước, Vân Anh đã chia sẻ với chúng tôi về vấn đề nhức nhối mà rác thải nhựa đang "ăn mòn" sự sống của sinh vật biển.
- Xuất phát từ nguồn cảm hứng nào giúp bạn làm nên tác phẩm “Nhà hàng nhựa sản” với nhiều thông điệp ý nghĩa như vậy?
Tác phẩm “Nhà hàng nhựa sản" được sáng tác dựa trên hiện trạng thực tế mà chúng em đang chứng kiến hàng ngày, đó là có vô số rác thải nhựa được thải ra môi trường sông, suối, biển, và vô tình trở thành thức ăn của các sinh vật dưới nước, đặc biệt là sinh vật biển. Rác thải nhựa không những làm ô nhiễm môi trường sống của sinh vật biển, mà còn khiến chúng bị nhiễm độc hoặc chết khi ăn phải.
Điều đặc biệt là tác phẩm mà chúng em thiết kế ra có sự kết hợp của những yếu tố hài hước cùng thuật chơi chữ thú vị. Cụ thể, một số những món ăn phổ biến như Pizza, Spaghetti, Beefsteak,... được chơi chữ khi kết hợp với những sản phẩm nhựa: Pizza + Plastic = Plastizza, Bỉm + Beefsteak = Bỉmsteak, Spaghetti + Ống hút = Spốnghutti...
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra các hạt vi nhựa trong cơ thể chúng ta, do sự lạm dụng nhựa ở khắp mọi nơi. Mục đích của tác phẩm này là tuyên truyền về thực trạng đáng buồn cũng như kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa nhất có thể để bảo vệ môi trường cũng như các sinh vật biển.
- Theo bạn, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường biển. Trong đó, chủ yếu là do ý thức của mỗi người trong chúng ta. Chẳng hạn như người dân hàng ngày đang vô tư xả rác ra môi trường, xuống sông ngòi; lượng lớn khăn ướt, bông tẩy trang xả xuống bồn cầu; rác thải do hoạt động du lịch hay đánh bắt hải sản...
- Khi thực hiện dự án này, bạn từng băn khoăn điều gì?
Tôi từng băn khoăn rằng, có bao giờ chúng ta tự đặt những câu hỏi như "Những loài động vật kia có suy nghĩ, cảm xúc hay không?". Mình chọn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và tích cực, dù chúng không nhất thiết phải là sự thực. Chính vì vậy, mình nghĩ không những động vật mà cả thực vật như cây cối cũng có suy nghĩ, cảm xúc.
Nếu thử đặt mình vào vị trí của những loài động vật biển, những sinh linh với xúc cảm và suy nghĩ, chúng ta có thể cảm nhận được sự chịu đựng thầm lặng, không thể lên tiếng phê phán để bảo vệ chính mình. Hằng ngày, phải nhìn cảnh ngôi nhà đại dương to lớn bị phá hủy từng chút, từng chút một, những người bạn, những người anh chị em bị cướp đi sinh mạng vì rác nhựa do con người thải ra, xót thương đến nhường nào!
Có lẽ, các loài sinh vật biển sẽ cảm thấy hoang mang lo sợ khi không thể phân biệt được đâu là thức ăn và đâu là rác thải, vì theo nghiên cứu, một số rác thải dưới sự tác động của vi khuẩn, dường như đã xảy ra sự biến đổi sinh học về mùi và vị, khiến cho sinh vật biển nhầm lẫn là thức ăn.
- Trước hiện trạng đó, rác thải nhựa tác động đến loài sinh vật biển ra sao?
Theo các nghiên cứu đã công bố, trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa. Các loài chim, rùa, động vật có vú... thường "nhầm" rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng.
Nếu điều này tiếp diễn trong thời gian dài thì tính mạng của các loài sinh vật biển chắn chắn không được đảm bảo.
- Ngoài sinh vật biển, theo bạn, rác thải nhựa ảnh hưởng đến con người như thế nào?
Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển trên toàn thế giới và tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật biển ngoài môi trường sông, nước mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người ngay tại thời điểm này và hệ lụy đến thế hệ sau.
Một số loại rác thải nhựa bị tan ra thành các hạt vi nhựa, xâm nhập vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc bị hấp thụ bởi các loại vật thủy sản như tôm,cua,cá, sau đó lại được tiêu thụ bởi con người. Về lâu về dài sẽ có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng như ung thư, làm giảm khả năng miễn dịch...
Bên cạnh đó, việc xả rác bừa bãi ra môi trường biển cũng khiến cho cảnh quan thiên nhiên bị mất thẩm mỹ, gây khó chịu cho khách du lịch và tác động xấu đến ngành Du lịch biển Việt Nam.
- Với những tác hại khôn lường, bạn cũng như thế hệ đồng trang lứa đã sử dụng và tiết chế rác thải nhựa ra sao?
Giới trẻ hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và báo đài, hầu như ai cũng nắm rõ phần nào kiến thức về tác hại ô nhiễm môi trường nói chung, và rác thải nhựa nói riêng. Do đó, mỗi người đều có ý thức cao hơn, thậm chí người xả rác thải nhựa ra môi trường không đúng nơi quy định sẽ bị phê bình, lên án.
Các bạn trẻ yêu thích những thức uống như trà sữa, cà phê,... giờ đây cũng có ý thức tự mang cốc cá nhân đi để hạn chế lượng rác thải ra qua những cốc nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, việc sử dụng ống hút tinh bột, tre cũng đang thịnh hành hiện nay.
Bản thân mình hiện là một nhân viên văn phòng. Thay vì gọi đồ ăn trưa về công ty và tiêu thụ rác thải nhựa từ việc đóng gói bao bì cho đồ ăn đó, mình chọn cách nấu cơm tại nhà và xếp vào các hộp sứ hoặc thủy tinh mang đi mỗi ngày.
Nếu như phải bất đắc dĩ sử dụng đến túi nilon hay thìa nhựa, mình cũng rửa sạch và tích trữ lại cho những lần sử dụng tiếp theo.
Bạn thân của mình là một người học chuyên về văn hóa, xã hội và bạn ấy là một người vô cùng quan tâm đến môi trường. Do đó, mình và nhóm bạn chơi chung đều ảnh hưởng sâu sắc từ những hành động, thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn ấy. Và dần dần, chúng mình hình thành những suy nghĩ, hành động cân nhắc mỗi khi làm một việc gì có liên quan đến đồ dùng nhựa.
Việc sử dụng rác thải nhựa hàng ngày có thể kể đến như việc gọi đồ ăn, đồ uống hay đi chợ, đi siêu thị cần phải sử dụng đến hộp xốp, bao bì nilon để đựng hay tiêu thụ găng tay nilon trong nấu ăn, khăn ướt trong sinh hoạt hàng ngày, túi trà giấy lọc,…
Để tiết chế việc sử dụng đồ nhựa 1 lần, chúng ta có thể chuẩn bị đồ ăn từ nhà và đựng trong hộp sứ, thủy tinh để tái sử dụng nhiều lần. Đi chợ, đi siêu thị thì mang theo túi vải hoặc rửa sạch các túi nilon cũ và tái sử dụng. Mua túi lọc inox để đựng trà thay vì dùng sản phẩm trà lọc trong túi giấy.
Hãy tưởng tượng cảnh một ngày trong tương lai, chúng ta không còn được hít thở thoải mái trong bầu không khí trong lành, ai ai cũng phải đeo mặt nạ lọc khí do mức độ ô nhiễm đã quá ngưỡng con người có thể chịu được. Hay những thế hệ sau chúng ta sẽ không biết niềm vui được đi tắm biển, tận hưởng dòng nước mát dưới ánh mặt trời do nước biển đã quá ô nhiễm và ngập tràn rác thải.
Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai, chúng ta phải giữ gìn Trái Đất xanh - sạch - đẹp, góp phần duy trì và kéo dài sự sống cho toàn nhân loại. Tôi nghĩ rằng, chúng ta hãy kêu gọi mọi người trên trái đất này, hãy bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta khi còn có thể, ngay bây giờ và ngay tại đây.
- Xin cảm ơn!
Bình luận