Tại Đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2018 của SHB, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm là nợ dưới chuẩn tăng cao, tình hình xử lý nợ xấu, con số chênh lệch trích dự phòng trái phiếu VAMC.
Cổ đông trăn trở về nợ
Trả lời chất vấn của cổ đông về nợ dưới chuẩn của ngân hàng tăng mạnh trong năm qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê giải thích nợ dưới chuẩn tăng là do khoản nợ trung và dài hạn trước kia của Habubank đến bây giờ trở thành nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Lê trấn an cổ đông: “Trong hoạt động tín dụng của ngân hàng chắc chắn sẽ phát sinh rủi ro, SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro nên không đáng ngại”.
Chia sẻ thêm, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, cho rằng nợ xấu tăng một phần nguyên nhân nữa là theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, những doanh nghiệp có nợ xấu ở các ngân hàng khác thì ngân hàng cũng phải đưa nợ của khách hàng đó vào nợ quá hạn tại ngân hàng mình.
Do đó, SHB cũng có những khách hàng ở SHB thì ở nhóm 1 nhưng ở ngân hàng khác lại là nợ xấu, nên SHB phải đưa khách hàng đó thành nhóm nợ xấu.
Tuy vậy, ông Hiển khẳng định: “Tỷ lệ nợ xấu đúng là có tăng nhưng tăng không cao”.
Theo bảng phân tích nợ xấu quý II/2017, nợ xấu của SHB tăng ở tất cả các nhóm: nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn là 402 tỷ đồng, tăng 52% so với cuối năm 2016; nợ nhóm 4 là 1.115 tỷ đồng, tăng 12%; nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) là 1.815 tỷ đồng, tăng 16%.
Ngoài ra, một số cổ đông thắc mắc về số dư trích lập dự phòng trái phiếu VAMC có sự chênh lệch. Theo đó, báo cáo của SHB là 3.000 tỷ đồng, sau kiểm toán là hơn 2.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo SHB cho rằng nguyên nhân là do SHB trích lập thừa, sau khi kiểm toán đã điều chỉnh lại số liệu. “SHB đã thực hiện trích lập 2.101 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017”, ông Lê thông tin tới cổ đông.
Báo cáo tại ĐHCĐ, ông Lê cho biết mục tiêu đặt ra trong năm nay, SHB sẽ tăng tổng tài sản 10,31% so với năm 2017 lên mức 315.494 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 250.617 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, tỷ lệ an toàn vốn trên 9%. Tỷ lệ chia cổ tức là 10% vốn điều lệ.
HĐQT cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 18%, từ mức 12.036 tỷ đồng tính đến đầu năm 2018 lên mức 13.240 tỷ đồng.
Lợi nhuận không tương xứng?
Chia sẻ kết quả kinh doanh trong quý I/2018, lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết trong quý I, tổng tài sản của ngân hàng đạt 286.804 tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt 227.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 202.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 502 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước; nợ xấu dưới 3%.
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông vì sao quy mô của SHB thuộc top 5 mà lợi nhuận không lọt được vào trong nhóm này, ông Hiển cho rằng: “Bản thân tôi là chủ tịch ngân hàng cũng thấy trăn trở và tôi biết tất cả cổ đông cũng đều trăn trở và đó là một trăn trở rất đúng.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại là trong mấy năm qua, SHB thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và đã nhận sáp nhập Habubank, VVF. Do đó, SHB phải cấu trúc lại các khoản nợ, cấu trúc lại hệ thống quản trị điều hành, trích lập dự phòng nên lợi nhuận ngân hàng chưa đáp ứng được kỳ vọng”.
Chủ tịch SHB cũng cho biết trong những năm qua, SHB tập trung tái cấu trúc đã xây dựng được nền tảng bền vững.
Trong 3 năm qua, SHB đã cấu trúc lại toàn bộ bộ máy, các quy trình thủ tục bộ máy ngắn gọn, nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên gắn với kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, SHB đưa ra mục tiêu chiến lược bằng một bệ phóng hiện đại hóa công nghệ, thuê một tập đoàn lớn trên thế giới để giúp phát triển công nghệ. Xây dựng những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, thúc đẩy mũi nhọn bán lẻ.
Đặc biệt, thời gian qua, SHB đã chú trọng hợp tác với các tập đoàn tài chính để cùng thực hiện, khai thác các nguồn vốn, đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết sẽ phát triển an toàn bền vững, mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông. Những kế hoạch và cố gắng của toàn thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên, hy vọng trong năm 2018 và những năm tới, doanh thu và lợi nhuận của SHB sẽ bứt phá, mang lại niềm tin cho các cổ đông”, ông Hiển nói.
Video: Mất hàng chục tỷ đồng vì 'bẫy' ngân hàng đáo hạn
Bình luận