Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa (SGK) cho năm học tới. Theo đó, số lượng thành viên hội đồng chọn SGK của các trường phải là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Dự thảo quy định việc quyết định SGK sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, SGK được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu chọn. Có ý kiến băn khoăn, nếu tất cả SGK đều không đạt được trên 50% thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn thì phải làm thế nào?
TS Lê Trường Tùng, Trường ĐH FPT phân tích, các môn như Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc có 5 cuốn được Bộ GD&ĐT công bố đạt yêu cầu. Vậy nếu hội đồng chọn sách xảy ra tình trạng: mỗi cuốn/môn có 20% số phiếu bình chọn thì cuốn nào sẽ được đưa vào giảng dạy. Hoặc nếu như có hai cuốn/môn đều đạt tỷ lệ 50% - 50% số phiếu lựa chọn thì hội đồng quyết định chọn cuốn nào?
TS Lê Trường Tùng đặt câu hỏi: “Tại sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra số lượng thành viên hội đồng chọn SGK là số lẻ. Vì chẵn hay lẻ cũng đều không ảnh hưởng đến tỷ lệ chọn SGK. Nên quy định giống như Luật Doanh nghiệp, số người trong hội đồng quản trị chẵn hay lẻ đều đạt yêu cầu”.
Trước những băn khoăn này, PGS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc đề án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Khi ý kiến phân tán phải họp để phân tích vấn đề, thảo luận lại”.
Cần cảnh báo trước
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới cho rằng, Thông tư chọn sách phải lường trước được năm sau thay đổi quy định như thế nào. Ngay cả năm nay, khi các trường được chọn SGK cũng phải thành lập các ban chuyên môn.
Đó mới là tiếng nói quyết định, còn ban giám hiệu chỉ để hợp thức hóa. Nếu giao quyền quyết định chọn SGK, các đơn vị phát hành chỉ cần “chạy” ông hiệu trưởng là xong. Ban chuyên môn nên chia theo khối hoặc theo môn đặc thù.
Những người tỏ ra lo lắng việc chọn SGK dễ bị chỉ đạo ngầm, chỉ đạo bằng miệng không phải là không có căn cứ. Việc từ chuyên viên đến lãnh đạo Sở GD&ĐT nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam liên quan thực tế đến việc biên soạn SGK khiến dư luận càng không tin việc chọn SGK là độc lập, khách quan, minh bạch.
GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam khẳng định: “Từ cách đây khá lâu đã có cảnh báo về một cuộc chạy đua kinh khủng khi chọn SGK. NXB sẽ tìm mọi cách để chọn những người chọn SGK. Sẽ có một cuộc chạy đua, còn phụ huynh, học sinh làm gì có quyền lựa chọn ở đây. Chắc chắn câu chuyện sẽ là như thế”.
Trong khi đó, thực tế tìm hiểu của phóng viên, ngay từ khâu viết SGK đã có cuộc chiến thị phần lôi kéo tác giả viết sách từ các NXB. Bộ GD&ĐT phá sản kế hoạch viết 1 bộ SGK cũng có nguyên nhân chính từ đây. Bởi ngay từ khi có chủ trương một chương trình nhiều SGK, các NXB tìm cách “lôi kéo” tác giả viết sách.
Có NXB “hút” được mấy chục tác giả là những người tham gia biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn học. Đến khi Bộ GD&ĐT có thông báo tuyển tác giả viết SGK thì những người có năng lực đều yên vị với một NXB nào đó.
Trả lời báo chí, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, vẫn phải lựa chọn bao nhiêu bộ sách để coi là đủ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng loạn sách, từ đó dẫn tới loạn thi. “Có nhiều SGK là chủ trương tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là trăm hoa đua nở. Công tác kiểm định, đánh giá vô cùng quan trọng. Đó là cổng gác để những bộ SGK kém chất lượng không thể lọt ra ngoài thị trường”,GS Hạc nhấn mạnh.
Trước những lo ngại của dư luận, PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, Sở GD&ĐT chỉ ban hành tiêu chí chọn SGK, tạo điều kiện để các nhà trường tiếp cận được SGK mẫu để có thông tin đầy đủ, minh bạch chứ không được phép “vận động, gợi ý, chỉ đạo” việc chọn sách nào. Nếu vi phạm việc này thì thanh tra sẽ phải vào cuộc xử lý.
Bình luận