• Zalo

Chuyện thú vị ở hòn đảo của 'tề thiên đại thánh'

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 13/05/2014 07:03:00 +07:00Google News

Mỗi ngày vào rừng, ông chuẩn bị sẵn mấy bọc trái cây, chuẩn bị sẵn hơi thật dài trong cổ, hú hét gọi bầy khỉ.

Mỗi ngày vào rừng, ông chuẩn bị sẵn mấy bọc trái cây, chuẩn bị sẵn cái hơi thật dài trong cổ. Trèo lên ngọn cây đước, ông rướn cổ ra hú một tiếng hun hút. Tiếng hú vọng sâu vào tán rừng, bầy khỉ nghe lần theo hướng tìm về với đồng loại. Nơi chúng tìm đến không bị con người xua đuổi lại còn cho thức ăn. Cảm giác bình yên, no đủ đã giữ chân chúng lại.


Tiếng hú gọi bầy

Dù đã lui về ở ẩn an nhàn với thú điền viên nhưng dường như ông Vường Đình Bơ 65 tuổi (Thị trấn Cần Thạnh – Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh) chưa một ngày nào thôi trăn trở với những bầy khỉ ở đảo. Ông trăn trở bởi khỉ bây giờ dạn dĩ quá, liều lĩnh quá chứ không như những con khỉ của ông cách đây 20 năm về trước. Khỉ ở đảo bây giờ khách đừng hòng đến gần đụng được vào chúng nhưng hễ khách mà xách cái gì trên tay tức thì khỉ sẽ tìm mọi cách lao vào cướp như một bản năng vậy. Điều đó, làm ông Bơ rất buồn bởi hơn ai hết, ông là người nắm rõ nhất bản tính của khỉ. Hành động bản năng của khỉ là do con người tạo ra chứ không phải bẩm sinh nó có. Một bản năng vô tình đánh mất đi hình ảnh đẹp của loài khỉ nguyên thủy ngày xưa.

“Chính những vị khách du lịch đã xây dựng cho khỉ ngày nay cái bản năng đó, thay vì ngắm nghía, tìm hiểu thì họ lại trêu chọc, thậm chí có người dùng cây, dùng đá ném vào khỉ. Đưa đồ ăn ra nhử khỉ như một trò chơi nên khỉ phải lao lại cướp. Bây giờ thì không cần nhử chúng cũng sẽ cướp bất cứ thứ gì trên người du khách”, ông Bơ trầm ngâm phân tích.

Ông Bơ 
Rồi ông mỉm cười, ánh nhìn đầy kiêu hãnh về cái thời của ông. Ông là một trong số ít những cán bộ Lâm Viên Cần Giờ có công đưa khỉ về đảo để khỉ hồi sinh đến ngày hôm nay.


Từ một người lính trải qua nhiều cương vị công tác và có thâm niên 30 năm sống tại đất Cần Giờ. Ngần ấy năm, đất, người và rừng ở đây đã là một phần máu thịt của ông. Năm 1994, từ vị trí Trưởng Công an xã Long Hòa, ông chuyển qua làm cán bộ Lâm Viên trên đảo khỉ này. Ngày ấy, rừng đước chưa xanh thẳm như bây giờ, rừng đước còn khúc dày khúc mỏng do bom đạn giội xuống.

Ông Bơ cho biết: “Những năm chiến tranh, Mỹ rải chất độc hóa học làm trơ trụi rừng đước, màu xanh của lá nhanh chóng úa tàn, cây cối chết khô mục ruỗng. Những con khỉ rừng đước chết gần hết, chỉ còn một số ít bơi qua sông Đồng Nai lánh nạn. Khi những cánh rừng dần xanh trở lại, chúng bơi trở về với nguồn cội của mình tại Rừng Sác. Ước chừng khoảng 30 con”.

30 con khỉ là “gia tài” sống còn ở Rừng Sác. Nhiệm vụ của ông Bơ cùng ba anh em nữa ngoài bảo vệ rừng còn phải có trách nhiệm bảo vệ, gây dựng đàn khỉ cuối cùng này. Giữa sự mênh mông bao la của hàng trăm hécta đước, mắm, bần đang không ngừng vươn lên từ những tàn tích của chất độc hóa học thì chừng ấy con khỉ có thấm vào đâu. Những chuyến đi tuần trong rừng hàng tháng trời, mấy anh em cố gắng nghe ngóng động tĩnh của khỉ nhưng tuyệt nhiên không thấy. Vài lần như thế, ở chỗ các cán bộ hay rải bao nilon ra ăn cơm thấy xuất hiện dấu chân của khỉ. Ông Bơ mừng như tìm thấy vàng.

Trong khẩu phần ăn của họ luôn chừa lại một phần treo lên cành cây đước. Hôm sau quay lại, không thấy túm cơm nữa. Vậy là khỉ đã về đây, nhưng chúng không dám xuất hiện trước con người. Nhiều lần đưa cơm cho khỉ bằng cách đó, cuối cùng khỉ đã cho các anh Lâm Viên thấy mặt. Một bầy 5 - 7 con truyền cành từ xa, nghe ngóng động tĩnh của con người. Chúng nhìn chằm chằm vào mớ trái cây và tiến lại gần. Gần hơn nữa, chúng đã giáp mặt con người. Thấy con người không làm hại chúng, con người đưa thức ăn cho chúng, chúng len lén lại cầm rồi nhảy tót lên cành cây chia nhau ăn.

Một đàn khỉ đầu tiên đã được thuần hóa như thế. Với cương vị tổ trưởng tổ bảo vệ động vật, ông Bơ nghĩ ra cách “dụ” khỉ về bằng tiếng hú đồng loại. Ông bắt trước tiếng hú của khỉ đến trẹo cả miệng, khàn cả giọng. Tiếng hú gọi bầy ngân dài như tiếng tù và vọng sâu vào rừng đước, đàn khỉ nghe được tức tốc truyền cành chao liệng tìm về cội. Ở đó, chúng có những “người bạn” tri kỷ luôn quan tâm, che chở, bảo bọc cho chúng cuộc sống bình yên.

Thêm hai bầy khỉ nữa được cảm hóa, tăng số khỉ lên hàng trăm con. Khỉ có rải rác ở khắp chiến khu Rừng Sác nhưng nhiều nhất vẫn là đảo khỉ. Hàng năm, sự sinh sản của khỉ không ngừng gia tăng tạo thành một quần thể “tề thiên sống động ở đặc khu Rừng Sác. Công việc của ông Bơ cùng anh em không còn phải vất vả, lăn lội tìm khỉ nữa. Đàn này truyền tai đàn kia, khỉ từ bên kia sông hướng rừng Vũng Tàu, Đồng Nai bơi về quần tụ.

Câu chuyện về ngón tay cụt


Ông Bơ tạo được sự gần gũi thân thiết với khỉ. Thấy ông, chúng mặc nhiên xà xuống, ngồi chôm hổm cạnh ông cho ông vuốt ve, cưng nựng. Đặc điểm của khỉ là không có tuyến lệ nên chúng thể hiện cảm xúc qua khuôn mặt và ánh mắt. Tuy nhiên, ông Vương bảo: “Khỉ là con vật rất thông minh, chúng nhận biết được ai tốt ai xấu với chúng và nỗi buồn của chúng cũng âm ỉ, rỉ máu nhiều ngày trời. Chúng khóc ở tận trong lòng là khi đồng loại mất hoặc bị thương hay liên quan đến chuyện tình cảm”.

Ông Bơ còn cho biết thêm, đến mùa sinh sản của khỉ, con khỉ chúa sẽ lùa hết đàn con cháu của chúng đi thật xa để tránh giao phối cận huyết. Thời của ông, những chú “tề thiên” được biết đến luôn mang hình ảnh thật đẹp, thật hiền hòa. Mặc dù, chính các ông cũng không được phép tác động bất cứ một chi tiết mang nội dung huấn luyện nào. Phải để cho loài khỉ sống và sinh trưởng thật tự nhiên, kể cả tính cách, bản chất như một loài động vật hoang dã vốn dĩ của chúng. Khỉ có tình cảm và gần gũi con người là do con người tốt với chúng, không làm hại chúng. Chính vì sự gần gũi thân quen với khỉ mà một tai nạn để đời khiến ông Bơ không thể nào quên.

Đàn khỉ tại đảo khỉ Cần Giờ 

Vào một ngày của năm 1999, có một người từ TP Hồ Chí Minh đưa xuống nhờ ông Bơ huấn luyện giùm con khỉ nuôi “bướng bỉnh” của gia đình. Vừa đi công tác về, thấy con khỉ bị xích vào gốc cây, như lẽ tự nhiên ông hay làm với những con khỉ ở đảo là tới vuốt ve, vỗ về nó. Khi ông vừa chạm vào mình khỉ, nó cắn một miếng vào ngón tay giữa của ông Bơ. Vết cắn làm đứt mạch máu, đứt gân ngón tay. Ông được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy ngay. Các bác sĩ hội chẩn vài lần để giữ lại ngón tay cho ông. Do vết thương trúng vào những phần chủ chốt của ngón tay nên có nối lại thì khả năng bình phục cũng chỉ còn 30%. Ông Bơ quyết định để các bác sĩ cắt luôn hai đốt.

Vậy là từ đó, bàn tay phải của ông chỉ còn 4,5 ngón. Chìa bàn tay ra, ông Bơ chỉ những vết thương để lại sẹo cứ chi chít, chồng chéo lên nhau do những lần “vuốt ve” khỉ. Điều đó dường như không hề làm ông có chút gợi buồn nào. Ông cứ cười về những tai nạn của những ngày làm bạn với khỉ. Quay lại con khỉ cắn ông, ngày hôm sau, chủ nhân của nó đã tức tốc mang nó về lại thành phố và hiểu thêm một điều rằng: “Ở đảo khỉ này, không ai huấn luyện khỉ cả. Khỉ lành hay dữ là do con người đối xử với nó trong quá trình sống”.

Đàn khỉ “hồi sinh” sống bình yên một khoảng thời gian thì lại phải gồng mình chống lại cuộc vây hãm, săn bắt của con người. Ông Bơ cho biết: “Khỉ ở ốc đảo này phải chịu hai cuộc thảm sát đẫm máu, một là chất độc hóa học thời chiến tranh và bây giờ là cuộc săn bắt từ chính con người. Nhưng cũng may, sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã sớm ngăn chặn được thảm họa lần hai”.

Hiện đảo khỉ Cần Giờ còn khoảng 1.500 con gồm 6 đàn sống độc lập. Mỗi đàn đều có lãnh địa riêng, mỗi lãnh địa có một con chúa đứng đầu. Sự tranh giành lãnh địa và bạn tình luôn diễn ra khốc liệt, có khi phải đổi bằng máu. Đa số khỉ ở đây đều thuộc loài khỉ đuôi dài nên có bản tính hung hăng hơn các loài khác


TheoNgọc Thiện (CAND)
Bình luận
vtcnews.vn