• Zalo

Chuyện người đàn bà chăn ngựa bạch bên sông Hồng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 30/01/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cả trăm con ngựa trắng như tuyết gặp cỏ trong cảnh hoàng hôn tưởng như cảnh tượng ở Tây Tạng hay Mông Cổ xa xôi.

Kỹ sư làm nông dân
Bên triền đê ngoài bãi sông Hồng (xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội), có một trang trại ngựa bạch độc đáo. Chiều xuống, nơi đây cả trăm con ngựa trắng như tuyết gặp cỏ trong cảnh hoàng hôn tưởng như cảnh tượng ở Tây Tạng hay Mông Cổ xa xôi.
Chủ nhân của trang trại ngựa khổng lồ này là người phụ nữ đứng tuổi. Thấy khách lạ, chị Nguyễn Thị Hằng chủ động bắt chuyện, xởi lởi mời khách tham quan đàn ngựa.
Chị đến bên một chú ngựa bạch lớn, xoa vào gáy. Chú ngựa ngoan ngoãn dụi dụi đầu vào mạng sườn chị.
Chị Hằng sinh năm 1959. Chị từng có 10 năm sống và làm việc tại Đức. Thế nhưng, chị đã rời bỏ vùng đất phù hoa, về Việt Nam lập nghiệp với công việc của một kỹ sư nông nghiệp.

Chị Hằng bên một chú ngựa bạch

 
Ngoài công việc nhà nước, chị xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Tuy nhiên, chị không lường được môi trường kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam lại phức tạp, khó khăn đến vậy. Cứ dịch bệnh, bà con thất bát, là chị vỡ nợ vì không thu hồi được vốn. Chị thất bại liên miên.
Để hạn chế rủi ro, chị tự sản xuất thức ăn, tự nuôi gia súc, gia cầm và làm giàu cho mình.
Nghĩ là làm luôn. Chị đã thuê cánh đồng hoang rộng 8 héc-ta ngoài đê sông Hồng thuộc xã Yên Mỹ (Thanh Trì) để dựng nghiệp.
Khỏi phải nói những tháng ngày phát lau lác, đắp bờ, đào hồ, lấp hố để lập trang trại vất vả thế nào. Chị và cả chục công nhân lao động quần quật cả năm ròng.

 

Ngựa bạch ở trang trại của chị Hằng

 
Chị thả cá dưới ao, nuôi lợn, gà, vịt trong chuồng. Chị áp dụng tri thức sẵn có vào nuôi trồng, nên hiệu quả cao. Tuy nhiên, trận lũ đã cuốn sạch thành quả.
Chị đã phải đào đất đắp một quả đồi lớn. Hễ mùa lũ về, chị xua đàn vật nuôi lên đồi, thế là thoát. Thế nhưng, những trận dịch vật nuôi, sự thất thường của thị trường đã đánh bại chị. Chị chuyển sang nuôi bò.
Những năm 2004-2006, trang trại của chị Hằng có tới cả trăm con bò lai Sind, là giống bò có giá trị. Mỗi con bò chị nhập về với giá 15-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, lại một lần nữa chị Hằng thất bại. Những năm đó, giá sữa rớt thê thảm. Có nơi nông dân đổ sữa trắng cả mương vì không bán được. Chị bán tống bán tháo đàn bò cho các lò mổ làm thịt với giá 5-6 triệu đồng một con.
Thất bại nối tiếp thất bại, song người đàn bà Hà thành này quyết không chịu đầu hàng. Chị đã phải bán ngôi nhà lớn ở Nam Trung Yên để tiếp tục làm nông nghiệp.
Thấy nhà hàng thịt dê đông người ăn, chị quyết định nuôi dê. Thế nhưng, mùa lũ về, đàn dê sống chen chúc trên đồi, chúng lần lượt lăn ra chết. Dự án nuôi dê làm giàu của nữ trang chủ Nguyễn Thị Hằng tiếp tục thất bại thảm hại.

 

 
Giấc mơ ngựa bạch
Hàng chục tỉ đồng đã đổ vào cái trang trại này, chẳng lẽ lại chịu thất bại? Nhiều lúc, chị cứ thơ thẩn trên đê như người mất hồn. Kiến thức khoa học và thực tế công việc luôn xa vời.
Thế rồi, một buổi hoàng hôn, chị gặp cảnh tượng nên thơ: Một cậu thanh niên ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa.
Chị Hằng chợt nghĩ về con ngựa. Rằng, ngựa ăn cỏ và phế phẩm nông nghiệp, nên ít tốn kém. Ngựa là loài có sức khỏe tốt, hầu như không bị bệnh dịch. Giá trị con ngựa lại cao, cho cả thịt lẫn xương.
Nêu ý tưởng nuôi ngựa, chị Nguyễn Thị Hằng nhận được sự động viên của các chú, các bác, là những giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư hàng đầu của Hội Thú y Việt Nam. Những người nghiên cứu nhiều năm về con ngựa đều nhận thấy nuôi ngựa vừa dễ, lại cho hiệu quả kinh tế cao.

 Ngựa giống

 
Chị lên tận Lạng Sơn, Cao Bằng, vào các làng bản xa xôi để tìm giống ngựa tốt. Chính trong những ngày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, chị đã được tận mắt loài ngựa bạch Tây Tạng tuyệt đẹp. Chị đã bị loài ngựa trắng như bông, với đôi mắt đỏ lòm như đốm lửa về đêm này quyến rũ.
Loài ngựa bạch Tây Tạng đã được nông dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng nhập về nuôi dưỡng, nhân giống, song thành công rất ít. Có vẻ như loài ngựa này không hợp với khí hậu Việt Nam.
Biết chuyện chị Hằng có ý định nuôi ngựa bạch Tây Tạng, không ít người đã cười nhạo. Nuôi con gà, con vịt còn chẳng thành công, nói gì nuôi loài ngựa có xuất xứ từ tận đẩu tận đâu. Loài ngựa vốn sống trên độ cao 3.000m đến 5.000m, ở vùng quanh năm lạnh giá, lại ăn những cây cỏ đặc trưng như những vị thuốc, thì làm sao có thể phù hợp với khí hậu nóng ẩm, đồng bằng như ở bãi sông Hồng?

Ngựa con

 
Mặc dù bị mọi người can ngăn, song chị Hằng vẫn có niềm tin son sắt vào con ngựa bạch Tây Tạng. Chị bảo, những việc khó luôn có ma lực cuốn hút chị.
Thế rồi, một thân một mình chị Hằng lặn lội lên vùng rừng núi Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai lùng mua ngựa bạch thuần chủng của Tây Tạng. Những năm 2006-2007, ngựa đỏ, ngựa kim chỉ vài triệu đồng một con, song ngựa bạch Tây Tạng có giá 50 đến 60 triệu đồng. Chị phải cầm cố nhà cửa, vay nợ khắp nơi để săn lùng loài ngựa này.
Tuy nhiên, thời điểm đó, loài ngựa bạch thuần chủng Tây Tạng ở nước ta rất hiếm. Do đó, chị Hằng phải lặn lội sang tận Tây Tạng chọn giống, rồi vận chuyển trên chặng đường 5.000km về Việt Nam. Dặm trường thân nữ vất vả, khổ cực cũng không ngăn được đam mê của chị.
Những ngày đầu, việc nuôi ngựa bạch Tây Tạng rất khó khăn. Đàn đầu tiên chị mang về gồm 10 con. Sau một tháng nuôi dưỡng thì chết mất 9. Trâu bò gà lợn chết thì đem chôn, nhưng ngựa chết thì vẫn lấy được xương nấu cao, thiệt hại không đáng kể.

 

 
Tìm hiểu dần, rồi chị cũng nắm được bí quyết nuôi, nhân giống loài ngựa bạch. Trong khi trại ngựa Bá Vân ở Thái Nguyên của Nhà nước, sau 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm, tỉ lệ sinh sản chỉ đạt 20%, nhưng ngựa bạch trong trang trại của chị đã đạt tỉ lệ sinh sản lên đến 80%. Đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng với các nhà khoa học.
Hiện tại, trang trại của chị lúc nào cũng có cả trăm ngựa bạch Tây Tạng, là trang trại nuôi ngựa bạch lớn nhất Việt Nam. Đàn ngựa cái của chị hàng năm vẫn đẻ ra vài chục ngựa bạch con.

 

 

  
Ngoài việc nhân giống ngựa bạch Tây Tạng, chị còn phối giống ngựa Tây Tạng với ngựa kim Việt Nam để cải thiện chất lượng và vóc dáng loài ngựa của nước ta. Việc phối giống này sẽ sinh ra ngựa con là ngựa bạch hoặc ngựa kim.
Chị Hằng cho biết, ngoài yếu tố màu lông trắng như tuyết bên ngoài, để được xếp vào loài ngựa bạch, con ngựa đó phải hội tụ đủ các yếu tố như: Mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi và một số bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng màu cước ánh bạc. Ban đêm hai con mắt đỏ như cục than. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì chỉ được gọi là ngựa kim hoặc ngựa trắng, loại ngựa phổ biến ở miền núi mà chúng ta vẫn lầm tưởng coi là ngựa bạch.
Chỉ vài năm ngắn ngủi nghiên cứu và phát triển, trang trại ngựa bạch của chị Hằng đã trở thành nơi cung cấp ngựa bạch giống nhiều nhất. Mỗi chú ngựa bạch con vừa đẻ xong đã được khách hàng tranh nhau đặt mua với giá 20-30 triệu đồng một con.
Đứng giữa trang trại rộng mênh mông ngoài bãi sông Hồng, chị Hằng bảo: “Thực ra, đến bây giờ, chị mới thấy trang trại của chị quá nhỏ, không đủ đáp ứng khát vọng của chị. Chị muốn biến vùng đất bãi sông Hồng này thành “vương quốc” của ngựa bạch.
Sau khi nhân giống thành công ngựa bạch Tây Tạng, chị muốn tiếp tục đưa loài ngựa khổng lồ của Mông Cổ về nuôi dưỡng, lai tạo, cải biến gen cho giống ngựa nhỏ nước mình”.
Bình luận
vtcnews.vn