• Zalo

Chuyện ngôi làng chăm lợn hơn chăm... quý tử

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 08/03/2013 03:42:00 +07:00Google News

Người lớn, trẻ nhỏ thấy cũng kính cẩn gọi là 'ông lợn' chứ không dám đánh đuổi.

Nuôi Lợn Ông Hợp là không được nhốt như nuôi lợn nhà, mà phải thả rông. Người lớn, trẻ nhỏ thấy cũng kính cẩn gọi là 'ông lợn' chứ không dám đánh đuổi.


Lấy lợn làm vật lễ là điều không lạ trong rất nhiều lễ hội ở nước ta. Thế nhưng ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người ta lấy lợn sống làm vật lễ.

Người dân thôn Ngọc Khám phải thực hiện hàng loạt quy định liên quan, rồi phải bình chọn ra được một người để nuôi chú lợn trong ba năm cho đến ngày hội làng. Chú lợn trong ngày lễ hội này được cả làng cung kính gọi là “Lợn Ông Hợp”.

Làng Ngọc Khám (Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm bên bờ sông Đuống trong vùng văn hóa Dâu: “mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu cũng về hội Gióng”.

Lễ hội ở Ngọc Khám có nét riêng là tục nuôi “Lợn Ông Hợp” phục vụ cho việc tế đám hàng năm. Ngoài nghi thức tế thần, đây còn là một sự biểu dương nghề nông độc đáo ở vùng quê thuần nông này.

Không biết tự bao giờ, chú lợn trong lễ cũng ngày hội làng đầu xuân ở thôn Ngọc Khám được gọi cung kính là “Lợn Ông Hợp”. Cũng chẳng ai nhớ nổi cái tên ấy xuất phát từ đâu.

Bình chọn khắt khe để được nuôi lợn

Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Phú Thật 81 tuổi. Cụ Thật từng làm thủ từ của đình làng. Cụ cũng là một trong những người được nuôi “Lợn Ông Hợp” nên nắm rõ nhưng điều nghiêm ngặt liên quan đến việc nuôi lợn và tế lễ.

Cụ cho biết theo hệ thống thần phả sắc phong của đình thì người được thờ là Kinh Dương Vương Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ – 2 vị thủy tổ có công mở nước, khai sơn sáng thủy. Vì thế, vào ngày hội làng, vật cúng là lợn sống và cá chín.

Theo lời cụ thì cơ cấu tổ chức thời xưa và thời nay vẫn không thay đổi: các dòng họ trong làng Ngọc Khám được chia thành 4 giáp gọi theo phương hướng là đông – tây – nam – bắc. Mỗi giáp là một đơn vị tham gia lễ hội của làng. Các giáp bầu người đứng ra tế đám từ ba năm trước.

Để có lợn làm vật lễ, người dân phải tuân thủ nhiều quy định hết sức nghiêm ngặt được truyền lại từ nhiều thế hệ cha ông. Theo đó, để được chọn làm người nuôi lợn tế lễ, gia đình phải có đủ các tiêu chuẩn như: vợ chồng song toàn, con cái đề huề (có nam, có nữ, không bị dị tật), bản thân là người có uy tín với dân làng. Bên cạnh đó, người được chọn còn phải là người cao tuổi nhất giáp.

Trong năm cuối cùng trước khi tế đám mà “có bụi” (có tang từ thân phụ mẫu, hoặc người thân phải khăn trắng, áo dài) thì phải “nhảy ra”, tức là không được tế đám nữa, trong giáp phải bầu người khác thay.

Ảnh minh họa 
Khi được bầu vào chân tế đám sẽ được làng chia ruộng công cho để có hoa lợi dùng cho tế đám, trong đó có một việc quan trọng hàng đầu là nuôi “Lợn Ông Hợp”. Đời người chỉ được đứng ra tế đám một lần, sau đó được dân làng xưng gọi một cách kính trọng là “ông đám”.

Cụ Nguyễn Văn Ưu (cụ thượng làng Ngọc Khám) kể lại: “Theo tôi được biết, chú lợn được nuôi được gọi là Lợn Ông Hợp bởi lợn tế thần thì phải gọi bằng ông. Còn hợp nghĩa là chú lợn được sự hợp sức của toàn thể dân làng nuôi trong ba năm. Việc chăm nuôi này nhằm tỏ sự tôn kính với chú lợn trong việc tế lễ”.

Theo cụ Thật và cụ Ưu, chú lợn được chọn là lợn giống tốt, có sức lớn, lông phải đen tuyền, nuôi trong điều kiện sạch sẽ, ăn ngon. Khi đã nhận nuôi “Lợn Ông Hợp” thì không được phép gọi là con lợn mà phải gọi là “ông lợn”. Nuôi cũng không được nhốt như nuôi lợn nhà, mà phải thả rông. Người lớn, trẻ nhỏ thấy cũng kính cẩn gọi là “ông lợn” chứ không dám đánh đuổi.

Những tục lạ trong lễ tế


Theo lời cụ Thật thì hội làng diễn ra vào ngày mùng 7.1 âm lịch thì ngay từ ngày mùng 5, những “ông lợn” đã được gia chủ tắm rửa sạch sẽ và cho ăn thật no.

Vào ngày mùng 6, ông đám phải làm sao để “ông lợn” tự đi ra đình làng mà không phải bắt đi hay khênh đi. Sau khi đã đưa được “ông lợn” ra đình thì dùng dây cột “ông” lại để đến sáng hôm sau làm lễ.

“Vì làng chúng tôi có 4 giáp nên sáng ngày mùng 7, bốn vị tế đám dẫn đầu 4 đoàn rước mâm lễ bánh dày, cá nướng long trọng tiến về sân đình. “Lợn Ông Hợp” chính là đồ tế thánh tươi sống, còn mâm bánh dày, cá nướng là đồ tết chín.

Trước khi tế, các vị hương lão, chức dịch đi đo chiều dài, vòng ngực, vòng mông để tính trọng lượng của 4 ông lợn. Lợn của giáp nào to hơn thì được giải thưởng của làng. Giải thưởng chỉ là quả cau lá trầu nhưng cả giáp đều mừng vì người ta quan niệm, cả giáp sẽ được thánh phù trợ mạnh khỏe, ăn nên làm ra, phong dồi vật thịnh năm ấy” – cụ Ưu cho biết.

Về đồ tế chín, từ ngày mùng 6, người đứng ra tế đám phải nhờ người nhà, họ hàng đến làm cỗ, trong đó có đôi bánh dày to bằng lòng mâm và hai con cá trắm to nướng chín. Khi ông đám nhận ruộng nuôi “ông lợn” cũng là nhận nuôi cá làm lễ nữa. Mỗi ông đám sẽ phải nuôi 3 con cá trắm đen nặng trên 3 kg và 10 con cá mè.

Cách nướng cá khá kỳ công, cá treo cách lửa chừng một gang tay để hơi lửa làm cho cá khô dần. Khi cá khô hẳn thì dùng chổi lông thấm nước mắm ngon có gia vị rồi quét đều lên thân cá rồi nướng tiếp, cứ khô lại quét một lượt nước mắm nữa.

Sau nhiều lần quét mắm, cảm thấy cá đã ngấm đủ gia vị thì người ta cậy vảy cá nhét vào một hạt thóc nếp, cứ mỗi vẩy một hạt và lại nướng tiếp, đến khi hạt thóc gặp sức nóng nở hết là được. Lúc này vảy cá nở như cánh hoa nom rất đẹp, lại dậy mùi thơm ngon của gia vị quyện mùi cá nướng.

Ông đám có lợn được thưởng sẽ được vinh danh hơn các ông đám khác. Sau buổi lễ long trọng ngày mùng 7, đến ngày mùng 8 các “ông lợn” được đưa trở lại nhà ông đám để giết thịt.

Thịt ông lợn được chia đều cho mọi người dân trong làng, từ già tới đứa trẻ ẵm ngửa. Tuy theo chức sắc và cấp bậc của người đó mà số thịt lợn được chia cũng khác nhau. Sau khi tế, ông đám sẽ được hưởng lộc của làng gồm: một chiếc bánh dày 7 tấc, một khoanh giò lụa 2 tấc, một con cá mè to … Công việc cuối cùng là lựa chọn ông đám tiếp theo cho lễ hội ba năm tới.

Theo
Nông thôn ngày nay
Bình luận
vtcnews.vn