Ngày đó, vua Gia Long đã đích thân ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ của cai đội Phạm Quang Ảnh. Ông còn đưa thầy phong thủy giỏi nhất thời bấy giờ đi cùng, để làm lễ chiêu hồn, rồi nặn tượng đất sét 25 tử sĩ đem chôn.
Chính vì thế, từ 200 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng hai âm lịch, nhân dân đảo Lý Sơn lại tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ khao lề thế lính kéo dài suốt mấy ngày với thuyền cúng, cờ, linh vị, và các hình nhân bằng bẹ chuối, bột gạo, rơm rạ hoặc giấy điều.
Trong thuyền cúng có đầy đủ mọi thứ như củi, muối, gạo, mắm… những thứ mà người lính hải đội Hoàng Sa ngày xưa thường mang theo trong chuyến đi biển. Con thuyền chở lễ cúng ấy được đưa ra khơi cho trôi tự do trên biển Đông.
Ngôi mộ tập thể chôn hình tượng những người lính đảo Hoàng Sa thời Nguyễn |
Trong những ngày này diễn ra lễ hội đua thuyền rất độc đáo. Những người tham gia đua thuyền tượng trưng cho những người lính hải đội Hoàng Sa khi xưa. Nhưng đường đua không phải ra đảo Hoàng Sa mà chỉ một vòng quanh đảo Lý Sơn.
Ông Võ Văn Toại là người nắm rõ nhất về chuyện nặn tượng làm lễ chiêu hồn, rồi chôn tượng thay xác người chết mất xác ngoài biển.
Theo ông Toại, tục lệ này bắt nguồn từ thời vua Gia Long, khi thầy phù thủy từ đất liền ra nặn tượng thay xác cai đội Phạm Quang Ảnh. Truyền thuyết kể lại rằng, khi đó, ở Lý Sơn rất thiếu nước ngọt, người dân đào giếng mãi nhưng không có nước.
Thầy phù thủy đã sai nhân dân đào núi Giếng Tiền để lấy đất sét nặn tượng. Ai cũng kinh ngạc khi giữa quả núi chỉ có cát trắng và đá tảng này, lại có một địa điểm có đất sét. Và điều kinh ngạc hơn nữa, là khi đào đủ lượng đất sét nặn 25 pho tượng, thì đã khơi ra được mạch nước để làm giếng.
Và, cái giếng kỳ lạ ấy vẫn dùng đến ngày nay, đã 200 năm. Hiện nay, người dân đảo Lý Sơn vẫn dùng nước từ cái giếng này. Nước giếng quanh năm trong vắt và không bao giờ cạn.
Giếng nước 200 tuổi ở Lý Sơn |
Ông Võ Toại |
Người dân đảo Lý Sơn khẳng định rằng, ông Võ Văn Toại chính là truyền nhân nhiều đời của bí quyết nặn tượng và chiêu hồn người chết mất xác ngoài biển cả. Chính vì thế, mọi việc ông đều nắm chi tiết.
Theo ông Toại, đất nặn hình nhân phải được lấy từ đỉnh núi Giếng Tiền. Số lượng đất sét lấy được phải đủ để đắp một hình nhân có kích thước như người thật.
Cây dâu, con tằm là biểu tượng kỳ lạ của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất. Con tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, mới hóa con tằm. Cũng chính vì vậy mà thầy chủ tế dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân.
Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn. Đàn ông có 7 nhánh, đàn bà có 9 nhánh xương sườn mỗi bên. Xương sống, xương ống tay, ống chân đều được làm bằng thân cây dâu. Một vốc đất đen lấy ở chỗ ngã ba đường được nhào nước cho dẻo rồi nặn thành lá gan. Đem đốt cây thụ đao, một giống cây bông trắng, trái chùm mọc nhiều trên đảo để lấy than làm phổi. Than củi từ cây thụ đao rất lạ, cứ quánh vào nhau, lỗ rỗ trông như cái phổi bị ung thư vì hút nhiều thuốc lá.
Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai, đến cả hậu môn, bộ phận sinh dục cũng có đầy đủ. Số đất sét lấy về phải được nặn bằng hết, bởi người ta tin rằng, đất sét còn thừa, rơi vãi, cũng như xương thịt của người chết vẫn còn thất lạc. Những nét cơ bản của người chết phải được thể hiện rõ trên tượng.
Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông da tượng như da người thật. Tượng nặn xong, được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, rồi người ta khiêng đặt vào quan tài.
Xong các công đoạn thì thầy cúng làm lễ chiêu hồn. Lễ cúng chiêu hồn diễn ra rất dài. Thầy cúng phải đọc hết mấy cuốn sách cúng. Lời cúng rù rì như những áng văn đầy mộng mị: “Cõi u minh khó lòng tưởng tượng/ Chất trong chất đục phong hóa từ đầu/ Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây/ Hướng đi mơ màng dễ lạc bến/ Ôi sắc nước hương giời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu/ Thủy phủ khiến sức nước ngưng/ Buổi sáng trong veo như trang điểm/ Cho hồn các vị tựa hàng tiên/ Tiếng sóng động đông đài/ Tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt/ Ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…”.
Một cỗ thuyền mô hình, với những mâm lễ ăm ắp vàng bạc, lương thực được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi.
Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Người ta thả quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác.
Mộ gió ở Lý Sơn |
Theo ông Phạm Quang Tỉnh, người trông coi nhà thờ, săn sóc ngôi mộ dài khổng lồ ở đảo Lý Sơn, trong gia phả dòng họ ông còn ghi rõ, sau khi cai đội Phạm Quang Ảnh hy sinh, những hải đội khác tiếp tục ra khơi, bất chấp bão gió để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đã có hàng trăm người lính không trở về, đã có thêm rất nhiều đoàn thuyền lạc vào bão biển và mất tích giữa đại dương. Người thân ở nhà gạt nước mắt, làm đám tang theo nghi lễ chiêu hồn và an táng tượng trưng trong mộ gió để vong linh họ có thể an nghỉ nơi quê nhà.
Ngoài phần mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh và binh lính, còn có mộ gió của ông Võ Văn Khiết, cũng là một chỉ huy đội thuyền đi Hoàng Sa thời chúa Nguyễn. Ngôi mộ này nằm ở thôn Tây, xã An Hải và được người dân ở đây thờ cúng như Thành hoàng. Ông cũng đã được phong Thượng đẳng thần. Tộc họ ông Ảnh và ông Khiết làm nhà thờ, miếu cúng tôn nghiêm cạnh mộ gió để thờ cúng. Lịch sử xuất hiện mộ gió bắt đầu từ đó…
Qua câu chuyện về hải đội Hoàng Sa của cai đội Phạm Quang Ảnh, có thể khẳng định chủ quyền của nước ta đối với đảo Hoàng Sa là rất rõ ràng. Huyện đảo Lý Sơn đã xây dựng khu tưởng niệm hải đội Hoàng Sa thời vua Gia Long ngay bên bãi biển nhìn ra phía quần đảo Hoàng Sa.
Tại khu tưởng niệm này, rất nhiều hiện vật chứng minh đảo Hoàng Sa là của nước ta đã được trưng bày. Du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử của quần đảo này đã gắn với nước ta như thế nào.
Dương Phạm
Bình luận