• Zalo

Chuyện lạ về những nơi người dân chi tiền để... "ở tù"

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 02/12/2016 21:44:00 +07:00Google News

Dịch vụ này sẽ giúp mọi người hiểu được cuộc sống của tù nhân, và gửi thông điệp mạnh mẽ về việc "tránh xa nhà tù".

 Cuộc sống trong tù tuy không tự do về thể chất, nhưng ở đó, người ta không phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống hiện đại. Cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, một người ham đọc sách, có câu nói nổi tiếng: "Tôi ước có thể vào tù lần nữa", giải thích rằng ông không có thời gian để đọc sách vì lịch làm việc quá bận rộn.

Ông Kim Dae-jung, người được trao giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 2000 đã có 6 năm trong tù và gần 10 năm bị quản thúc tại gia. Tờ NYT mới đây cho hay.

Ở Hàn Quốc, một quốc gia với áp lực xã hội cao về học giỏi ở trường và tìm công việc với thu nhập tốt, một ngành công nghiệp mới đang nổi lên nhằm giúp con người thư giãn. Ông Kwon Yong-seok, 47 tuổi, là người điều hành trung tâm giảm stress kiểu nhà tù mang tên "Prison Inside Me" (Nhà tù bên trong bạn) ở Hongcheon. Trung tâm này bao gồm một tòa nhà với các phòng nhỏ kiểu phòng tù để khách hàng thư giãn, ngoài ra, có một thính phòng, và một trung tâm quản lý, tất cả nằm trên diện tích đất gần 1ha.

31077372-4425-47af-9034-074cf7547403

 Các "tù nhân" tại một nhà tù.

Ông Kwon từng là một công tố viên ở đảo Jeju vào cuối những năm 1990. Ông cho biết, áp lực công việc quá lớn khi đó khiến ông quên mất bản thân và dường như không còn kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Một ngày nọ, ông Kwon đề nghị một người bạn làm quản lý trại giam cho ông được "thử" ngồi tù như một biện pháp trị liệu tâm lý nhưng không được người bạn này chấp nhận. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng mở nhà tù giả để đáp ứng nhu cầu của những người chịu áp lực cuộc sống và công việc cao như mình.

Xã hội Hàn Quốc vốn nổi tiếng nhiều áp lực đối với con người trong chuyện học hành, làm việc, phấn đấu… khiến cuộc sống của nhiều người trở nên mất cân bằng. Loại hình kinh doanh "nhà tù" với mục đích để khách hàng có thời gian thư giãn vì thế đã xuất hiện ở nước này.

Vào lúc trời tảng sáng, ông Park Woo-sub, 58 tuổi, ngồi trong một căn phòng nhỏ bé thuộc khu nhà tù giả được dựng nên ở Hongcheon, thuộc phía Đông Bắc của Seoul. Mặc bộ đồng phục nhà tù màu xanh với số in trên ngực, ông Park đợi bữa sáng được đem đến qua một khe nhỏ ở dưới cánh cửa phòng. "Đây là lần thứ ba tôi “vào tù”, ông nói.

e1d917a9-21d0-4d3c-b232-a2d9a9893a50

 Một người đàn ông đang “ở tù” để thư giãn.

Khi ở trong gian phòng "nhà tù" này, ông Park thường nhắm mắt lại và thư giãn. Căn phòng rộng chưa đầy 6m2 này, chỉ có một toilet, một bồn rửa tay và một cái bàn nhỏ. "Ở đây chật chội, nhưng tôi có thời gian để tập trung vào bản thân và có thời gian yên tĩnh cho mình", ông Park nói.

Hàn Quốc đang nỗ lực cải thiện sự cân bằng giữa cuộc   sống   và   công  việc, trong đó Chính phủ và các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kéo dài hơn các kỳ nghỉ. Tuy vậy, nhiều người ở nước này vẫn làm việc với thời gian kéo dài mỗi ngày. Số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2015, người Hàn Quốc có thời gian làm việc dài thứ nhì trong số 34 quốc gia thành viên OECD, với 2.090 giờ mỗi năm, chỉ sau Mexico. Số giờ làm việc trung bình năm 2015 của người lao động các nước trong OECD là 1.765 giờ.

Làm việc quá nhiều dẫn tới chất lượng cuộc sống suy giảm. Hàn Quốc xếp thứ 26 trong mục Mức độ hài lòng với cuộc sống trong chỉ số Cuộc sống tốt đẹp hơn (Better Life Index) năm 2014 - một thước đo của OECD về cách đánh giá của người dân về chất lượng cuộc sống của họ. Người Hàn Quốc tự cho điểm chất lượng sống của họ là 4,3/10, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,6 điểm của các nước trong OECD.

Trung tâm thư giãn kiểu nhà tù của ông Kwon được xây xong vào tháng 6 năm ngoái, tiêu tốn số tiền 2 tỷ Won, tương đương 19 triệu USD. Một phần chi phí là do vợ chồng ông Kwon được tài trợ và vay mượn từ bạn bè, người thân. Ông Kwon cho biết, có tổng số 28 "phòng tù" trong khu này, và mục tiêu của ông không phải là tìm kiếm lợi nhuận mà giúp mọi người tự giải phóng mình khỏi "nhà tù bên trong" chính con người họ.

Ở hai đêm trong một gian "phòng tù", khách phải trả 150.000 Won, tương đương khoảng 146 USD. Ngoài thời gian thư giãn dành cho bản thân, những người tới đây còn được tham gia vào các lớp tâm lý, tinh thần trong thính phòng.

Ấn Độ mở dịch vụ “trải nghiệm cuộc sống tù nhân”

Một bảo tàng ở Ấn Độ mới mở dịch vụ "trải nghiệm cuộc sống tù nhân" cho du khách trong vòng một ngày với giá gần 500 rupee.

Nhà tù Quận Trung tâm (District Central) ở Sangareddy, Ấn Độ vốn bị bỏ hoang từ năm 2012, được chuyển đổi thành bảo tàng. Để thu hút du khách, những người quản lý nhà tù nghĩ ra dịch vụ "trải nghiệm cuộc sống tù nhân" và bán vé cho khách tới tham quan, theo Hindustantimes.

Người mua vé sẽ được trải nghiệm cuộc sống như một tù nhân trong vòng 24 giờ. Họ phải để lại đồ đạc cá nhân như điện thoại, đồng hồ đeo tay, ví, trang sức, trang phục của mình để mặc quần áo tù. Sau đó, "khách tù" được đưa đi qua hành lang dài đầy mùi hôi từ nhà vệ sinh không có người dọn dẹp để đến một căn buồng tối ở cuối dãy. Du khách cũng được cung cấp một vài đồ dùng, xà phòng giặt và một tấm thảm trải để nằm ngủ.

8f0c6f15-add5-4231-9f68-d12c77582179

 Du khách ở nhà tù Sangareddy, Ấn Độ.

Các bữa ăn theo thực đơn của tù nhân, gồm có cơm, bánh chapati, đậu triều, cà ri, sữa đông, trà và nước giải khát. Du khách cũng phải lao động, làm các công việc như dọn dẹp trại giam hoặc trồng cây con. Khoảng 17 giờ, du khách được tập yoga và tiếp tục bị nhốt ở buồng giam sau bữa tối. VK Singh, quản lý các trại giam nói rằng, dịch vụ này sẽ giúp mọi người hiểu được cuộc sống của tù nhân, và gửi thông điệp mạnh mẽ về việc "tránh xa nhà tù".

Nhà tù này được xây dựng vào năm 1796. Một nhà tù mới được xây dựng vào năm 2012 và các tù nhân chuyển đến đó. Từ đó, nhà tù này bị bỏ hoang và được chuyển thành bảo tàng vào tháng 6-2016. Dịch vụ "trải nghiệm cuộc sống tù nhân" được bán vé vào đầu tháng 9, với giá 500 rupee (khoảng 165.000 đồng).

Theo ông Lakshmi Narasimha - một quan chức phụ trách việc giam giữ ở địa phương, có nhiều người sẵn sàng chi 500 rupee (7.5 USD) để trở thành một "khaidi" (tù nhân) trong một ngày.

"Chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ Tamil Nadu và Karnataka và một cuộc gọi từ Mumbai trong một ngày. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ai đặt phòng giam. Có lẽ họ rất tò mò nhưng vẫn cảm thấy sợ hãi," ông Narasimha chia sẻ với tờ Indian Express. Ý tưởng độc đáo này được tạo ra nhằm nhắm đến những người muốn tạm rời xa cuộc sống bộn bề thường nhật hay chỉ đơn giản là muốn khám phá nhà tù hơn 220 tuổi.

Trải nghiệm nhà giam rùng rợn nhất châu Âu

Karosta nằm trong thành phố Liepâja của nước cộng hòa Latvia, trước đây là một nhà tù quân sự được ví như địa ngục trần gian. Còn bây giờ, nơi đây trở thành một khách sạn, bảo tàng được nhiều người viếng thăm.

Đến ở tại Karosta, du khách không nhận được bất cứ ưu đãi hay sự phục vụ nào mà phải chấp nhận thiết kế tour và kí hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ. Họ được cấp những vật dụng hết sức cơ bản dành cho một tù nhân, gồm những chiếc băng ghế ngồi và hai xà lim nhỏ trong không gian tối và chật hẹp, du khách mặc những bộ quần áo dành cho tù nhân.

Chỉ một bữa cơm tù, nước lạnh để uống và thêm vào đó là những buổi lấy cung của cán bộ quản giáo. Sống trong một không gian tĩnh mịch và rùng rợn, bạn còn có thể nhìn thấy hình ảnh của những ngôi mộ bên ngoài nhà tù vào ban đêm, được thắp lên một thứ ánh sáng yếu ớt do những chú đom đóm xung quanh tạo ra.

Thế nhưng, nhà tù khủng khiếp này lại thực sự có giá trị tham quan, vẫn hấp dẫn du khách thường xuyên. Họ ngủ lại một đêm trong khách sạn để trải nghiệm cuộc sống của một tù nhân là như thế nào.

Tour du lịch đến khách sạn Karosta mang lại cho du khách một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của người tù bị giam giữ bất hợp pháp xung quanh bốn bức tường thực sự khủng khiếp như thế nào. Do vậy, nơi đây giống như một trò chơi mạo hiểm chỉ dành riêng cho những vị khách có máu phiêu lưu.

Bên cạnh đó, một số cuộc hành trình của du khách đến Karosta là để trải nghiệm cảm giác rùng rợn, ám ảnh của cái chết. Trang web Hunters của Đức cho rằng nhà tù Karosta là một trong các địa điểm bị ám ảnh nhất châu Âu, là nơi mà hàng trăm người bị buộc tội chết đằng sau những bức tường đá. Các diễn viên thực hiện chương trình truyền hình Mỹ "International Ghost Hunters" (Săn ma quốc tế) gọi đây là "địa điểm của các hoạt động huyền bí nhất trên thế giới".

Nguồn: An ninh thế giới

Bình luận
vtcnews.vn