• Zalo

Chuyện kỳ cục ở Cao Bằng: Anh em lấy nhau, cháu dâu lấy chú

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/11/2014 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Vợ của ông Páo đang sống với chồng, bỗng dưng bỏ chồng để ở với chú ruột của chồng.

(VTC News) - Vợ của ông Páo đang sống với chồng, bỗng dưng bỏ chồng để ở với chú ruột của chồng.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Anh em lấy nhau, cháu dâu lấy chú

Hồi Hoàng A Dìa (bản Khâu Pầu, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc) và chị họ Má Thị Mỵ cưới nhau, cậu em Hoàng A Dờ và cô em gái của Mỵ, là Má Thị Đâng còn nhỏ, mới 11 tuổi.

Tuổi đó, mới học lớp 5, chưa biết yêu đương là gì. Thế nhưng, khi hai bên không chỉ là anh em, con chú con bác, mà còn thành thông gia, thì tình nghĩa càng thắm thiết, đi lại nhiều hơn.

Và rồi, anh chàng Dờ và cô nàng Đâng vụt lớn tự lúc nào. Điều đáng ngạc nhiên là hai thiếu niên ấy đã “tình trong như đã” sau vài lần gặp nhau, dù chẳng dám nói.

Bề ngoài, thì vẫn gọi nhau chị em, nhưng trong bụng thì đã ưng nhau lắm rồi.
Hai anh em Dìa và Dờ cùng những đứa con với hai chị họ 

Thích thì cưới

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên và chàng trai Hoàng A Dờ, khiến không ai không buốt lòng bởi sự hồn nhiên đến đáng thương:

- Em thích vợ em, tức Má Thị Đâng từ khi nào?

Em cũng không nhớ là thích Đâng từ khi nào nữa, nhưng phải thích nó mấy năm rồi mới ngỏ lời. Để em tính cái đã. Em ngỏ lời nó là vào đầu năm 2011.

Em sinh năm 1995, lúc đó em và Đâng cũng 16 tuổi rồi. Anh trai em cũng cưới vợ năm 16 tuổi mà. Ở bản em chúng nó còn lấy vợ khi 13 tuổi cơ. Thế là em cũng thích Đâng từ hồi khoảng 13 tuổi.

- Bọn em gặp nhau thế nào và thích nhau trong hoàn cảnh nào?

Thi thoảng Đâng sang nhà em, hoặc em sang nhà Đâng, bọn em vẫn rủ nhau vào rừng chơi, đi hái củi cùng…

- Chắc là Đâng phải xinh lắm, nên Dờ mới bất chấp mọi thứ, quyết lấy chị họ nhỉ?

Bình thường thôi, không xinh bao nhiêu đâu. Cái số mình nó như thế rồi.

- Bọn em yêu nhau lắm nhỉ?

Em cũng không biết nữa. Do con số thôi.

- Thế hồi đó, bố mẹ, ông bà hai bên không ngăn cản à?

Hoàng A Dờ 
Có ngăn cản chứ, nhưng bọn em quyết tâm lấy nhau, nên phải chịu thôi. Bố mẹ em cũng bảo không được lấy chị con bác. Bác em, tức là mẹ Đâng cũng khóc lóc kêu là anh em không được lấy nhau, nhưng bọn em đã thích nhau mất rồi, không ngăn cản được đâu.


- Thế bọn em làm thế nào?

Người Mông ở bản em có phong tục hễ đưa bạn gái đến nhà, thì coi như người con gái ấy là vợ rồi, bố mẹ sẽ không ngăn cản nữa. Dù bố mẹ có mắng chửi thế nào, thì cũng buộc phải cho lấy nhau.

- Thế em đưa Đâng đến ở cùng mình à?

Thì Đâng vẫn đến nhà em suốt mà anh. Thi thoảng Đâng lại sang nhà em, từ nhiều năm nay rồi.

- Thế bọn em ngủ chung với nhau mấy năm trước khi cưới à?

Không ngủ với nhau đâu. Đâng sang nhà em, nhưng tối thì ngủ với chị gái.

- Em tỏ tình có kèn lá không đấy?

Em không cần kèn lá đâu. Buổi đêm, em thích Đâng quá, không chịu nổi nữa, nên liều lĩnh cầm tay Đâng kéo ra ngoài rừng. Em bảo: “Anh như con chim cu gáy, mà chưa có cành đậu. Anh muốn lấy Đâng làm vợ”. Đâng đồng ý luôn.

- Vợ chồng em có mấy con rồi?

Mới được một con gái thôi ạ. Con em đặt tên là Hoàng Thu Trăng. Hôm em tỏ tình, trăng to và rõ trên đỉnh núi, nên em đặt tên con gái là Trăng.

- Hồi em cưới vợ, là cuối năm 2011, tức là em mới 16 tuổi, thì làm sao mà đăng ký kết hôn được nhỉ?


Vâng. Đến bây giờ em cũng chưa đăng ký kết hôn được đâu. Em vẫn chưa đủ tuổi mà.

- Ở bản em, có trường hợp nào anh chị em họ lấy nhau như thế không?


Có chứ anh, nhưng em không nói đâu, nhỡ họ lại chửi em lắm lời nói xấu họ.

Bà nội bỏ chồng lấy… chú ruột của chồng


Tôi muốn về nhà anh em Hoàng A Dìa và Hoàng A Dờ, nhưng hai anh em đều bảo không có ai ở nhà. Mẹ đẻ và vợ của Dìa và Dờ đều lên nương từ sáng sớm, đến chiều tối mới về nhà. Mấy đứa trẻ, đứa thì đi học, đứa theo mẹ lên nương. Bố Dìa và Dờ, tức anh Chẹ thì đi dựng nhà hộ một người trong bản.

Tôi hỏi Dờ: “Thế một ngày đi làm thuê được bao nhiêu tiền?”. Dờ ngẫm nghĩ rồi bảo: “Khoảng 50 ngàn thôi”. Tôi bảo: “Dờ chở mình về nhà, mình trả công cho Dờ bằng 4 ngày đi làm nhé”.

Dờ gật đầu đồng ý, rồi lấy chiếc xe Tàu chở tôi theo con đường bé xíu, dốc ngược vào bản Khâu Pầu.
 
Những cháu bé - kết quả của hôn nhân cận huyết đều nhận thức chậm
Ngôi nhà gỗ giữa bản Khâu Pầu rất to, tối om và rất đông người. Trẻ con chạy lăng xăng. Một bà già không nói được tiếng Kinh, nhưng rất vui tính chui từ bóng tối ra nói chuyện.

Bà giới thiệu là Hoàng Thị Mỵ, là mẹ đẻ của Hoàng A Chẹ, tức là bà nội của anh em Dìa – Dờ.

Tôi hỏi rằng, hai anh em Dìa – Dờ lấy hai chị em con bác ruột, bà có ngăn cản gì không, bà Mỵ bảo: “Theo phong tục ở đây đã dẫn về nhà thì không biết đuổi đi đâu nữa. Đã đưa con gái về nhà thì không bỏ đi được đâu.

Đuổi nó đi, nó ra ngoài kia ngắt lá ngón ăn ngay. Đứa con gái mà đi ăn lá ngón, thì thằng con trai nhà mình cũng đi ăn theo ngay. Nó là đã đòi lấy đứa nào, thì phải đồng ý thôi”.

Đang trò chuyện, thì bà Hoàng Thị Mỵ đứng dậy, lấy chai rượu mới nấu, vẫn còn nóng hổi, rót liên tiếp mời uống. Một người đàn ông tóc dài đến vai, vẻ lãng tử từ trong buồng đi ra. Bà Mỵ giới thiệu là con út của bà, tức chú ruột của anh em Dìa, Dờ, tên là Hoàng A Quả.
Bà Hoàng Thị Mỵ 
Mặc dù là chú, nhưng Quả còn ít tuổi hơn Dìa. Hoàng A Quả bảo, đang ngủ, nhưng ngửi thấy mùi rượu, nên thèm quá, dậy xin chén.

Nghe chuyện của Dìa và Dờ, Hoàng A Quả bảo: “Chuyện hai thằng Dìa và Dờ lấy hai đứa chị con nhà bác bình thường thôi mà, có gì đặc biệt đâu chứ. Ở đây còn có chuyện buồn cười hơn kia. Vợ của ông Páo đang sống với chồng, còn bỏ chồng đi lấy chú ruột kia kìa”.

Quả thực, tôi không tin vào tai mình, khi Hoàng A Quả nói như vậy. Tôi hỏi lại, thì bà Mỵ công nhận là đúng.

Ông Hoàng A Páo là bố đẻ của anh Hoàng A Chẹ, tức ông nội của hai anh em Hoàng A Dìa và Hoàng A Dờ.

Theo lời bà Mỵ, ngày xưa, ông Páo cưới bà Chìa, sinh được 1 người con. Tuy nhiên, bà Chìa lại phải lòng chú ruột, nên bà Chìa đã bỏ ông Páo để ở với chú.

Sau này, bà Chìa và ông chú nọ sinh được 6 người con, còn ông Páo và bà Mỵ sinh được tới 9 người con.

Theo bà Mỵ, chuyện anh em trong họ ở bản Khâu Pầu lấy nhau làm vợ, làm chồng, chẳng có gì xa lạ. “Thích nhau thì cứ lấy nhau thôi à, chẳng ai cấm đâu” – bà Mỵ nói như vậy, rồi tiếp tục ép phóng viên cụng ly.

Tôi phải dứt khoát lắm mới rời được khỏi bàn rượu suông, với thứ rượu rất sốc vì vừa nấu, để rời khỏi đỉnh Khâu Pầu mù sương, với những con người có cuộc sống và suy nghĩ hết sức hoang sơ.
Cô giáo Lưu Thị Hường (Trường mầm non xã Hồng Trị): “Mình đã dạy dỗ trông nom cả 4 cháu con Hoàng A Dìa. Cháu lớn đã học lớp 2 rồi. 3 cháu nhỏ thì đang được mình chăm sóc. Các cháu đều có thể chất bình thường, không thấy có dị tật nào cả.

Tuy nhiên, các cháu đều phát triển trí tuệ chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Các cháu đều khó khăn về phát âm và số đếm. Mình vẫn để ý theo dõi các cháu, nhưng để kết luận về các cháu, còn phải cần thời gian nữa”.


Dương Phạm - Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn