Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa) nói rằng, ở Ngọc Phụng có rất nhiều những chuyện ly kỳ, ma mị khó lí giải. Tất cả những chuyện trên đều bắt nguồn từ những cổ vật, hiện vật mà người dân tìm thấy ở mảnh đất thiêng liêng này. Theo ông Lâm, sự hiển linh của các cổ vật ấy khiến người dân trong xã nhiều phen khiếp hãi.
Nguồn gốc kiếm thiêng
Được ông Nguyễn Thanh Lâm giới thiệu, chúng tôi đến nhà ông Phạm Đức Toán, (52 tuổi, ở thôn Phú Vinh) người đang lưu giữ một thanh kiếm cổ cực kỳ quý báu. Xung quanh cây kiếm này cũng có vô số những chuyện khó tin, khó lý giải.
Theo như lời ông Phạm Đức Toán, thanh kiếm này là vật báu tổ truyền của dòng họ ông. Thanh kiếm báu này dài khoảng 1m, 1 đốc kiếm bằng đồng nạm sừng hươu, trên vỏ kiếm khắc mười hai chữ nho, đi kèm với nó là 1 ống trúc thư có hoa văn cổ.
Ông cụ thân sinh ra ông Toán sinh hạ được ba người con, hai trai một gái. Ông Toán là con trai thứ hai trong nhà. Từ năm 12 tuổi, bố tôi đã trao cho tôi thanh kiếm và bảo, đây là tổ vật gia đình, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ lại. Sau này ắt có người tìm đến…”. Ông Toán kể. Nhớ lời cha, ông nâng niu thanh kiếm như một báu vật cho đến tận bây giờ.
Ông Phạm Đức Toán kể, thực ra trước đây bố của ông được tổ tiên để lại cho hai thanh kiếm. Một thanh ông đang giữ còn thanh còn lại, người chú ruột của ông là Phạm Đức Tôn, thời trai trẻ nông nổi đã lấy cắp của ông nội để làm “lợi khí” phiêu bạt giang hồ. Sau quãng thời gian phiêu lưu hải hồ, ông Tôn trở về trong cảnh trắng tay. Thanh kiếm mà ông mang theo không biết đã thất lạc nơi nào.
Về nhà được ít lâu, chẳng bệnh tật gì, ông Tôn bỗng chết bất đắc kỳ tử. Gia đình đem thi thể ông chôn cất ở bãi đá mà mọi người vẫn bảo đó là nghĩa địa cổ, nơi an nghỉ của những quân sĩ Lam Sơn. Có một chuyện kỳ lạ, sau một thời gian ngắn, ra đúng địa điểm đã chôn cất ấy lại không tìm thấy bất kỳ một dấu tích nào của ngôi mộ. Xương cốt ông Phạm Đức Tôn cũng hóa thành tro bụi.
Ông Toán là cháu ruột, chịu trách nhiệm phụng thờ hương khói nhưng như lời của ông, bây giờ ngày giỗ hay lễ tết, ông chỉ biết ra địa điểm mà bố ông đã nói là mộ của chú mà khấn vọng, mời về từ đường mà hưởng chung nhang khói.
Ngày ông Toán mới được cụ thân sinh giao trọng trách giữ kiếm, tuổi trẻ chẳng ý tứ gì nhiều, cứ vứt lăn lóc trong buồng. Chẳng biết do trùng hợp thế nào mà nhà ông Toán gặp cảnh bố con li tán, người ở nhà thì kẻ khác phải tha phương, thậm chí có đận ông ốm thập tử nhất sinh tưởng không qua khỏi. Trong một lần bệnh thuyên giảm, ông Toán ngồi lục lại gia phả thì tổ tiên có ghi rằng: “Người giữ kiếm thiêng, phải biết nâng niu thờ phụng hương hỏa”!?
Mất cả nửa buổi chúng tôi mới thuyết phục được ông Toán mang cây kiếm thiêng cho ngắm. Được sự đồng ý, chúng tôi vội đi mua hoa quả, trầu cau và rượu trắng về nhờ ông Toán làm lễ khấn khứa tổ tiên, nói rõ thành tâm của mình. Và khi cầm trên tay thanh kiếm cổ, quả thực cũng thấy những dòng chữ mờ mờ theo chiết tự Hán cổ.
“Trước kia, bố tôi tôi dặn phải giữ lấy thanh kiếm, sau này ắt có người tìm đến và quả đúng như thế thật. Thanh kiếm ông cha để lại, chỉ mỗi tôi và vợ biết. Vậy mà cách đây 3 năm, ông Hoàng Văn Chương, khi đó là xã đội trưởng đến chơi và nói hiện xã đang sưu tầm những cổ vật thời diễn ra Hội thề Lũng Nhai và đang rất cần một thanh kiếm cổ. Khi tôi mang thanh kiếm ra, ông Chương ngẩn người ra vì ngạc nhiên rồi ngay hôm sau có người ở phòng văn hóa huyện liên lạc với tôi, thậm chí là cả lãnh đạo ở trung ương về nhà tôi tìm hiểu về thanh kiếm. Giờ tôi đâm ra… nổi tiếng. Nghiệm ra, mới thấy lời cha tôi nói lúc sinh thời thật là đúng lắm”, ông Toán nói.
Báu kiếm hiển linh
Sự hiển linh của cổ vật, đặc biệt là những cây kiếm thiêng ở Ngọc Phụng, theo những người dân ở Ngọc Phụng là nhiều vô kể. Tìm hiểu thêm, tôi gặp ông Phạm Ngọc Chiên (58 tuổi) ở thôn Xuân Thành. Ông Chiên quả thực đã từng có một cây kiếm thiêng.
Tôi gọi là “đã từng” bởi sự hiển linh của kiếm thần đã làm ông thân tàn ma dại, cuối cùng phải mang thanh kiếm đó cho người khác mới giữ được mạng sống cho mình.
Ông Chiên kể lại, năm 1995, khi vợ ông vừa sinh đứa con thứ năm, trong một lần đi đào quặng ông đã tìm được thanh kiếm một cách tình cờ.
“Mùa hè nước cạn, tôi đang lội ngược dòng Đồng Tiền thì phát hiện một mó nước nhỏ chảy ra và lấp ló một thanh kiếm có hình mũi giáo. Tôi mừng quá vội mang về nhà cất lên gác bếp và chỉ thời gian sau thì tai họa liên miên ập đến, tôi bị ốm nặng không rõ lý do, hết ốm thì cứ như có ai nhập vào điều khiển tôi ăn nói linh tinh, điên điên khùng khùng”, ông Chiên kể.
Vợ ông Chiên là bà Lương Thị Tăm cũng khẳng định: “Đang đêm khuya ông ấy cứ chồm dậy hò hét bảo: “Đất sập rồi mau chạy về Bái Thượng”. Rồi lại hét lên với tôi: “Bế con chạy mau đi, trông cửa trông nhà không sập hết…”, nói đoạn ông ấy chạy thục mạng ra hướng sông Đồng Tiền chỗ đào được thanh kiếm. Vừa chạy vừa cởi hết quần áo ném tứ tung”.
Sau đợt đó, gia đình ông Chiến tìm thầy bói ở Ngọc Lặc, hỏi xong sự tình thì thầy bảo, nhặt được gươm là có căn có số, nhưng căn thấp nên phải khất, vợ phải làm thay, nhưng chỉ là tạm thời thôi, không chắc khỏi hẳn được. Hoảng hốt, chẳng biết làm sao nên đành phải theo lời thầy. Suốt 3 năm, bà Tăm phải thay chồng đi hầu đồng khắp nơi. Nhưng đến năm thứ ba, bệnh của ông Chiên lại tái phát. Ông lại suốt ngày chạy một mình lên núi xuống sông. Đến lúc này thầy bói mới phán: Phải cho ai đủ căn số giữ thanh kiếm thì bệnh ông Chiến mới yên!?
Lạ lùng thay, chỉ vài ngày sau có người đến… xin kiếm thật. Nhưng oái oăm, người tự tìm đến xin đó lại là ông Phạm Ngọc Thắng, anh ruột của ông Chiến ở cách đó có đúng một bờ rào. Can ngăn không được, lại nhớ lời thầy, bà Tăm anh phải trao cho ông Thắng thanh kiếm với nỗi sợ mơ hồ. Kỳ lạ hơn nữa, kể từ hôm thanh kiếm về “ở” với ông Thắng, ông Chiến bỗng khỏe mạnh như thường. Và sự thực là đã 15 năm nay, ông vẫn sống bình yên như bao người khác, không thấy có dấu hiệu nào “lệch chuẩn”.
Nhận thanh kiếm từ em trai mình, cất ở nhà chưa được bao lâu thì giống như ông Chiên, ông Thắng bỗng dưng dở điên dở dại, không kiểm soát được hành vi của mình.
Thời điểm đó, đang là dân quân của xã Ngọc Phụng, nhiều lần không kiểm soát được hành vi, ông Thắng đã chửi mắng thậm chí “thượng cẳng chân” với nhiều người trong xã… Tá hỏa, gia đình ông Thắng lại lên Ngọc Lặc tìm thầy tướng số cứu giúp. Tuy nhiên, gặp ông Thắng, thầy chỉ bảo: “Người này có căn số, cứ về đi rồi bệnh tự khỏi”.
Cũng không biết nên lí giải vì những hư thực này như nào nhưng khi về đến nhà, bệnh tật của ông Thắng bỗng nhiên khỏi hẳn.
Nhắc lại chuyện trước đây, ông Thắng kể, ngày đầu cất giữ kiếm, ông đã hoảng hồn bởi những tiếng la hét trong đêm. Đã mấy bận ông định đem kiếm vứt xuống sông nhưng lại sợ làm thế thì lại có tội với… thánh thần. Sau cùng, nghe một bậc cao niên trong xã mách nước, hễ nghe thấy những âm thanh đó thì cứ lấy gạo, rượu và thắp hương ra khấn khứa trước kiếm thần thì sẽ không còn những âm thanh ma quái đó nữa. Kỳ lạ, cứ sau mỗi lần cúng khấn đó thì đêm đêm từ nơi cất kiếm, những tiếng la hét cũng không còn xuất hiện.
Theo anh Lâm thì người dân Ngọc Phụng thực sự tin những thanh kiếm cổ mà một số người trong xã đang lưu giữ có sức mạnh huyền bí thật sự. Họ tin là bởi ngoài những câu chuyện đầy màu sắc ma mị khó tin những có thật trên thì những thanh kiếm ấy còn có “khả năng” đứng thẳng trên đáy chiếc chén uống nước.
Bữa đó, khi chúng tôi ngỏ ý muốn được xem thanh kiếm có thể đứng trên chiếc chén úp ngược như mọi người vẫn đồn thổi, tuy có đôi chút lưỡng lự nhưng ông Thắng vẫn nhận lời.
Bằng tất cả sự thành kính, ông tắm rửa sạch sẽ, mặc áo tế lễ, đem rượu và gạo ra để “trình bày” với linh vật. Sau khi xin một đài âm dương thành công, ông Thắng cẩn trọng cầm thanh kiếm đọc thần chú rồi đặt chuôi kiếm xuống chiếc chén. Thanh kiếm cứ đứng thẳng tắp trong một khoảng thời gian gần tàn một nén hương…
Quân Nguyễn
Bình luận