Chuyện ít biết về 'đối tác' của phát xít Đức ở Belarus trong Thế chiến II

Tư liệuThứ Sáu, 20/11/2020 14:46:32 +07:00
(VTC News) -

Đó là lực lượng Samaakhova, những kẻ cộng tác với phát xít Đức trên đất nước Belarus trong Thế chiến II.

Quân đoàn Tự vệ Belarus (tiếng Belarus: Беларускага корпуса самааховы, tên viết tắt BSA) được chính Tổng Cao ủy (Generalkommissar) phụ trách chiếm đóng của phát xít Đức là Wilhelm Kube thành lập. Lực lượng này sau đó đã sát nhập với tổ chức cực hữu BNS (Tổ chức tự cứu trợ nhân dân Belarus - Беларуская Народная Самапомач) của Ivan Abramovich Ermachenko và trở thành cánh tay phải của quân đội Nazi chiếm đóng Belarus trong việc chiến đấu với quân du kích Liên Xô tại đây.

Chuyện ít biết về 'đối tác' của phát xít Đức ở Belarus trong Thế chiến II - 1

Lực lượng vũ trang địa phương Quân đoàn Tự vệ Belarus BSA do phát xít Đức thành lập với tấm băng tay trắng – đỏ - trắng đặc trưng để dễ nhận dạng.

Người đứng đầu BSA không ai khác cũng chính là kẻ cầm đầu BNS, Ivan Ermachenko. Phục vụ dưới trướng của Ermachenko là những kẻ được quân đội phát xít lựa chọn như Sakovich, Kushel…

Để huấn luyện chiến đấu, Kushel đã tổ chức các khóa đào tạo sĩ quan ngay tại Minsk, phục vụ việc đào tạo 260 sĩ quan và rất nhiều khóa đào tạo hạ sĩ quan tại các địa phương, cung cấp cho BSA vài nghìn hạ sĩ quan khác. Được quân phát xít Đức chỉ đạo sát sao, lực lượng BSA tổ chức được một đội quân khá lớn và chuyên nghiệp với đầy đủ vũ khí cùng băng đeo tay màu trắng – đỏ - trắng đặc trưng để chiến đấu với du kích chống phát xít trong khu vực.

Chuyện ít biết về 'đối tác' của phát xít Đức ở Belarus trong Thế chiến II - 2

Lính BSA phòng thủ một ngôi làng đã được rào cẩn mật bằng gỗ.

Tuy nhiên, trước sự phản kháng của nhân dân Belarus, những kẻ đứng đầu BSA nhanh chóng nhận ra họ không thể mở rộng thành lực lượng lớn theo cách tuyển mộ thông thường. Do vậy, những khóa đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan nhanh chóng bị dẹp bỏ và thay bằng các trường đào tạo lực lượng an ninh, cảnh sát phục vụ phát xít Đức, trong đó, chú trọng vào 4 nhiệm vụ chính: Đào tạo lực lượng cảnh sát đường sắt nhằm bảo vệ tuyến tiếp vận hậu cần của quân đội phát xít Đức cho mặt trận phía Đông; Bù đắp quân số cho Tiểu đoàn Bảo an số 49; Tạo ra một cục cảnh sát chính trị, dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của lực lượng mật vụ phản gián phát xít Đức Sicherheítdienst (SD); Bảo vệ an ninh và trợ giúp cho các gia đình thành viên của lực lượng Samakhova đã chết.

Chuyện ít biết về 'đối tác' của phát xít Đức ở Belarus trong Thế chiến II - 3

Một phần thông báo kêu gọi gia nhập lực lượng BSA được chính Ivan Ermachenko soạn thảo. Tháng 9/1943, hắn bị Đức sa thải khỏi vị trí đứng đầu BSA và bị Gestapo bắt giữ do tình nghi liên quan đến vụ ám sát Wilhelm Kube. Sau tháng 4/1945, khi phát xít Đức bị đánh bại, Ermachenko chuyển đến Tây Đức và đến năm 1948 chuyển sang Mỹ sống, trở thành một thành viên cốt cán cầm đầu tổ chức người Belarus lưu vong tại Mỹ.

Bộ máy của lực lượng Samakhova sau đó được thiết lập tại nhiều làng mạc. Cho đến năm 1943, rất nhiều “làng phòng thủ” kiểu này được thành lập. Chúng rào làng, xây dựng các công trình phòng thủ và bố trí lực lượng cảnh sát dày đặc nhằm ngăn cản người dân tiếp tế cho lực lượng du kích. Tổng cộng có 44 làng như vậy, mỗi làng đều được biên chế các đội viên BNS được trang bị vũ khí khá tốt gồm mũ sắt và súng tiểu liên MP-40 của Đức.

Đến tháng 6/1944, sau nhiều nỗ lực duy trì và mở rộng lực lượng Samakhova nhưng không thể chống lại được làn sóng du kích ngày một mạnh mẽ, cùng với các thất bại liên tiếp trên chiến trường phía Đông, quân Đức đã phải giải tán lực lượng này để tập trung nguồn lực phòng thủ các thành phố đang bị Liên Xô tiến công mãnh liệt.

Chuyện ít biết về 'đối tác' của phát xít Đức ở Belarus trong Thế chiến II - 4

Quân BSA nhận vũ khí từ phát xít Đức.

Cuối cùng có thể kết luận, lực lượng BSA được tạo ra như một giải pháp dự phòng cho cảnh sát Đức nói chung. Sau đó, nó được dùng với vai trò tự vệ/ bảo an để bảo vệ các làng mạc khỏi sự tiến công của quân du kích, đảm bảo an ninh cho tuyến sau của quân Đức, và nếu có thể, sẽ là bộ khung để xây dựng chính quyền bù nhìn nếu phát xít Đức giành được chiến thắng ở mặt trận miền Đông.

Tông Hùng(Nguồn: TVR)
Bình luận
vtcnews.vn