Tháng 6/1950, cuộc xung đột vũ trang nổ ra trên bán đảo Triều Tiên giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Các đồng minh của Triều Tiên là Liên Xô và Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc được sự hỗ trợ của liên minh các nước do Liên hợp quốc và Mỹ dẫn đầu.
Cuộc đối đầu này trở thành một trong những giai đoạn nóng nhất của Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, khi nhiều loại vũ khí và các phi công chiến đấu đều trong tình trạng trực chiến.
Sức mạnh của “sát thủ” MiG-15
Không quân của Triều Tiên, vốn dựa trên máy bay cũ của Liên Xô từ Thế chiến 2, đã bị bắn hạ liên tiếp trong những tháng đầu tiên đối đầu với đối thủ. Trong một thời gian dài, các phi công Mỹ chiến đấu bên phía Hàn Quốc luôn chiếm ưu thế trên không, và chưa vấp phải sự kháng cự nghiêm trọng của đối phương.
Mọi thứ thay đổi vào ngày 1/1/1950, khi các máy bay chiến đấu MiG-15 mới nhất của Liên Xô xuất kích trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia xử lý mặt đất, các cố vấn quân sự và các phi công giàu kinh nghiệm của Liên Xô cũng đã tới Triều Tiên. Tuy nhiên, sự tham chiến của các phi công Liên Xô trong Chiến tranh Triều Tiên được giữ bí mật.
Theo đó, nhiệm vụ chính của Quân đoàn Không quân tiêm kích Liên Xô số 64, đóng quân tại Trung Quốc, là bảo vệ các cơ sở chiến lược của Triều Tiên khỏi các cuộc tấn công của máy bay ném bom hạng nặng B-29, mà người Mỹ gọi là "Siêu pháo đài bay".
Về đặc tính bay, MiG-15 vượt trội hơn F-80 và F-84 của Mỹ. Sử dụng lợi thế về độ cao và tốc độ bay, cũng như trang bị pháo mạnh hơn, máy bay Liên Xô dễ dàng vượt qua các máy bay tiêm kích hộ tống và tấn công từng cặp máy bay ném bom Mỹ trên đường tiếp cận biên giới Triều Tiên.
Chiến thuật này tỏ ra thành công và đến cuối tháng 11/1950, MiG-15 làm giảm đáng kể hiệu quả các cuộc ném bom của Mỹ vào Triều Tiên.
Cố gắng lật ngược tình thế, Mỹ đã gửi máy bay chiến đấu F-86 Sabre mới đến Hàn Quốc vào tháng 12/1950. Những chiếc máy bay này đã trở thành đối thủ chính của MiG trong Chiến tranh Triều Tiên.
Máy bay mới của Mỹ không hề thua kém các máy bay chiến đấu của Liên Xô về hiệu suất bay. Ngoài ra, trong hệ thống ngắm bắn của F-86, khác với MiG, có sử dụng thiết bị dò tìm cự ly vô tuyến, giúp bắn đối phương với độ chính xác cao. Đồng thời phi công Mỹ được sử dụng trang phục chống quá tải.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các máy bay F-86 Sabre không thể sử dụng hết khả năng của mình. Các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay ở Hàn Quốc, phải bay khá dài để tiếp cận địa điểm tấn công, nên đốt cháy nhiều nhiên liệu. Do đó khi chiến đấu, phi công phải tiết kiệm nhiên liệu và không thể vận hành máy bay ở chế độ chiến đấu tối đa.
“Hẻm MiG” và thế cân bằng chiến lược Mỹ - Xô
Một trong những trận đánh lớn nhất của Lực lượng Phòng không Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên là 2 trận chiến đã đi vào lịch sử, với tên gọi "Thứ Năm Đen" và "Thứ Ba Đen".
Ngày 12/4/1951, các máy bay MiG của Liên Xô đã bắn rơi 10 máy bay ném bom hạng nặng và 4 máy bay chiến đấu của đối phương chỉ trong vài phút. Ngoài ra, 15 chiếc B-29 khác bị loại sau khi quay trở lại sân bay. Các phi công Liên Xô trở về căn cứ mà không bị tổn thất nào.
Ngày 30/10/1950, dưới sự bảo vệ của 200 máy bay chiến đấu, 21 máy bay ném bom hạng nặng cố gắng đột phá lãnh thổ Triều Tiên. Người Mỹ đã bị phản công bởi 44 chiếc MiG hiện đại. Các phi công trong số đó đã bắn hạ 12 “Siêu pháo đài bay” và 4 tiêm kích F-84. Các phi công Mỹ trong trận chiến này bắn rơi 1 máy bay Liên Xô. Sau sự kiện này, việc ném bom xuống Triều Tiên đã dừng lại gần một tháng.
Một trong những khu vực đối đầu thường xuyên giữa Không quân Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Triều Tiên là bờ Nam sông Áp Lục, do các phi công Liên Xô kiểm soát.
Người Mỹ gọi vùng chiến sự này là "Hẻm MiG" (MIG Alley). Theo đó, “con hẻm" này là nơi diễn ra các trận không chiến đầu tiên trong lịch sử của máy bay chiến đấu phản lực.
Mặc dù Mỹ có lợi thế về quân số trên bầu trời bán đảo Triều Tiên, song nhờ sự anh dũng của các phi công Liên Xô và khả năng chiến đấu của máy bay chiến đấu MiG-15, sự tương đương về lực lượng được thiết lập, duy trì cân bằng cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Theo các nhà nghiên cứu, chính cục diện này đã cứu Triều Tiên và Trung Quốc thoát khỏi vụ ném bom hạt nhân từ trên không, mà Bộ Tư lệnh Mỹ đã đề xuất nhiều lần với Tổng thống Mỹ Harry Truman trong chiến tranh liên Triều.
Bình luận