Ngày 3/12, nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, dịch bệnh có thể kiểm soát được và khả năng bùng phát cũng sẽ không cao.
Nguyên nhân là do ngành Y tế TP.HCM đã xác định được F0, sau đó nhanh chóng khoanh vùng, cách ly F1 và F2, công tác rất quyết liệt, thần tốc nên khả năng lây lan từ BN1342, BN1347 rất thấp.
Hơn nữa, do từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch tốt, chiến lược ngăn chặn, phòng và dập dịch hiệu quả, nên nguy cơ lan rộng dịch bệnh lần này không lớn.
Về trường hợp nam tiếp viên hàng không BN1342, ông Phu rằng, bệnh nhân có liên tiếp 2 sai phạm, đó là không tuân thủ cách ly tập trung và không nghiêm túc trong việc cách ly tại nhà. Từ đó làm lây nhiễm COVID-19 cho những người khác.
“Bệnh nhân sai vì tự ý tiếp xúc với người của đoàn bay khác và tự ý cho người khác đến ở cùng khi cách ly tại nhà. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc lây nhiễm lẫn nhau trong cộng đồng", ông Phu nói.
Theo ông Phu, tình hình COVID-19 trên thế giới rất khó lường và đang bùng phát mạnh tại nhiều nước. Do đó, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu.
Chính vì vậy, qua trường hợp BN1342, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quyết liệt hơn nữa trong công tác cách ly tập trung và tại nhà. Bởi chỉ cần một giây phút lơ là, dịch bệnh hoàn toàn có thể bùng phát.
“Tôi lo lắng nhất hiện nay là ý thức của mỗi người khi thực hiện cách ly, đặc biệt là cách ly tại nhà. Có trường hợp cách ly nhưng lại không tuân thủ quy định, rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa đối với những trường hợp này”, ông Phu nói.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, để phòng chống COVID-19, ông Phu cho rằng người dân cần tiếp tục thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế bao gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Tính tới sáng 3/12, TP.HCM ghi nhận 4 ca COVID-19 mới là BN1342, nam tiếp viên hàng không và 3 ca bệnh khác có liên quan tới bệnh nhân này. Theo CDC TP.HCM, thời điểm hiện tại thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.000 người. Trong đó, có khoảng 1.600 người âm tính với SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả.
Video: Quy trình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 được thực hiện thế nào?
Bình luận