• Zalo

Chuyên gia VN giải mã bão tuyết châu Âu, hạn miền Trung

Thời sựThứ Tư, 27/03/2013 11:59:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chuyên gia thời tiết nhận định, biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Âu và cả Việt Nam.

(VTC News) – Chuyên gia thời tiết nhận định, biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Âu và cả Việt Nam.

Bà Nguyễn Lan Châu 
VTC News vừa trao đổi với bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương xung quanh hiện tượng thời tiết cực đoan gây bão tuyết tại châu Âu cũng như tình trạng hạn hán đang xảy ra ở nước ta.

- Thưa bà, liên tục thời gian gần đây, tại các nước châu Âu và ngay cả ở nước ta thời tiết vô cùng khắc nghiệt khiến con người, vạn vật và mọi hoạt động bị tê liệt – hiện tượng này cho thấy điều gì?

Bão tuyết, mưa băng ở các nước châu Âu đã và đang khiến giao thông tê liệt (hàng không, đường sắt, đường bộ), thậm chí còn tiếp tục diễn biến phức tạp, được cảnh báo có thể gây những tai họa cho con người.

Cho thấy, các hình thái thời tiết cực đoan đó là do biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống.

Hiện các hình thái thời tiết diễn ra không theo quy luật nào, diễn ra trái mùa ngày một nhiều hơn.

Con gái tôi ở Mỹ cũng cho biết, nhiệt độ ở đó có nơi tới -20 độ C, thấp chưa từng thấy. Hay như ở Nga mùa này đáng ra băng tan thì lại có tuyết rơi, hay ở Úc thì bỗng dưng lại nắng nóng… Ngay cả trên biển Đông thì năm nay cũng xuất hiện bão rất sớm.

Bão tuyết đang hoành hành khắp châu Âu 
- Như vậy, thời tiết đang theo chiều hướng xấu trên phạm vi toàn cầu, ngay như ở nước ta bão xuất hiện hầu như quanh năm chứ không theo quy luật cũ nữa –  thưa bà?

Như tôi nói, biến đổi khí hậu ngày càng làm cho thời tiết trái quy luật. Biến đổi khí hậu là toàn cầu, tình trạng mùa này quá lạnh, mùa khác quá nóng đang diễn ra ngày càng nhiều.

Như ở nước ta gần đây, mùa bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) 2012 kết thúc muộn hơn so với bình thường, đến tháng 11 và tháng 12/2012 vẫn còn có 2 cơn bão và 1 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Đến đầu tháng 1 và cuối tháng 2/2013 trên vùng biển phía nam Biển Đông đã xuất hiện cơn bão số 1 (SONAMU) và 1 ATNĐ – đúng là có thể nói quanh năm có bão.

- Như bà nói, những diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu là trên phạm vi toàn cầu, bà có thể nói rõ hơn tình trạng này ở Việt Nam diễn ra như thế nào?

Từ giữa tháng 9 nước ta đã xảy ra không khí lạnh (KKL) mạnh, đặc biệt từ cuối tháng 12/2012 đến nửa đầu tháng 1/2013 các đợt KKL liên tiếp được tăng cường và ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc nước ta (cứ 2-3 ngày lại xảy ra 1 đợt KKL tăng cường); và đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mùa mưa năm 2012 ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều kết thúc sớm, riêng khu vực Trung Bộ xảy ra rất ít đợt mưa lớn ở ngay trong những tháng chính của mùa mưa (tháng  10 và tháng 11). Ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tổng lượng mưa thiếu hụt từ 70 - 90%.

Trong những tháng tiếp theo từ tháng 12/2012 đến nay lượng mưa ở các khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt nhiều; riêng phía bắc Tây Nguyên và một số nơi ở Nam Bộ cả tháng không có mưa, do vậy tình trạng thiếu nước và khô hạn ở các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục diễn ra gay gắt…

- Dự báo thời gian tới tình trạng hạn hán tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ thế nào, thưa bà?

Dự báo năm nay sẽ xảy ra hạn hán khốc liệt do lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm và dự báo các cơn mưa trái mùa trong mùa khô cũng sẽ rất ít xảy ra.

Tình trạng thiếu mưa và khô hạn tại Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2013 sẽ dần được cải thiện.

- Còn mùa mưa, bão, lũ 2013 được dự báo thế nào?

Năm 2013, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn,-ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm, trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta khoảng từ 5 - 6 cơn.

Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là ở Trung và Nam Trung Bộ được dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tuy nhiên thời đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 lượng mưa TBNN vẫn còn ở mức thấp, do vậy tình trạng khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện.

Có khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm hơn so với bình thường (khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2013).

Mùa lũ năm 2013 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm hơn TBNN. Đỉnh lũ năm 2013 trên hầu hết các sông đền cao hơn đỉnh lũ năm 2012, theo đó, các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng ở mức báo động BĐI – BĐII; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐII - BĐIII, có nơi cao hơn BĐIII và ở mức xấp xỉ và cao hơn đỉnh lũ TBNN. Cần đề phòng lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông suối nhỏ.

 - Xin cảm ơn bà!







Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn