• Zalo

Chuyên gia VN: Chiến tranh Triều Tiên bất cứ lúc nào

Thế giớiThứ Tư, 03/04/2013 12:27:00 +07:00 Google News

(VTC News)- Cựu Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam tại Hàn Quốc nói Triều Tiên không 'võ mồm' như trước và chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

(VTC News)- Cựu Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam tại Hàn Quốc nói Triều Tiên không 'võ mồm' như trước và chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhà báo Vũ Duy Hưng- Ảnh: Tùng Đinh
Nhà báo Vũ Duy Hưng, nguyên Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc hiện là Phó giám đốc truyền hình thông tấn Việt Nam trả lời phỏng vấn của VTC News về kịch bản chiến tranh Triều Tiên.
Phân tích vai trò của Nga, Mỹ, Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên, ông Hưng nói:
Nga rất muốn khôi phục đàm phán 6 bên gồm Nam – Bắc Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc,  Nga và Nhật Bản vốn ngưng trệ bấy lâu nay.
Có ý kiến nói Nga không thực sự quan tâm vấn đề Triều Tiên nên ít phản ứng, tôi cho rằng không phải như thế. Thực tế, Nga có nhiều lợi ích ở Triều Tiên.
Nga cũng có một số dự án hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Năm 2012, Nga và Triều Tiên gần như đã đạt được thỏa thuận về việc Triều Tiên chấp nhận cho Nga xây dựng đường dẫn khí đốt cung cấp cho Hàn Quốc bắc qua Triều Tiên. 
Khi đó Triều Tiên sẽ thu phí, và một phần khí đốt được trích từ Nga sẽ được cấp hoặc bán rẻ cho Triều Tiên, tất nhiên đó là từ thời nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tuy nhiên, lâu nay không thấy Matxcơva và Bình Nhưỡng đả động đến vấn đề đó.

Còn giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên đặc biệt là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là rất khó.
Bản thân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản muốn Triều Tiên ngừng theo đuổi chương trình nghiên cứu hạt nhân. 
Tuy nhiên, Triều Tiên lấy lý do Hàn Quốc cho đồn trú các lực lượng hạt nhân của Mỹ, do vậy Bình Nhưỡng đòi hỏi vấn đề phi hạt nhân hóa dứt khoát phải diễn ra trên cả bán đảo Triều Tiên chứ không chỉ giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
- Tại sao Trung Quốc lại thể hiện nhiều hơn trong vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Nga có phần mờ nhạt hơn, thưa ông?
Thứ nhất phải hình dung cái vai trò của đàm phán 6 bên và các cuộc đàm phán đa phương liên quan bán đảo Triều Tiên. 
Binh lính Triều Tiên tập trận - Ảnh: KCNA 

Trong bình diện ngoại giao quốc tế thường có hai mặt là bề nổi và bề chìm. Bề chìm là ngoại giao ngầm thì ít người biết được và cái này chúng ta không bàn tới. 
Về bề nổi, đa phần nghiêng về xu hướng ngoại giao song phương hay đa phương ở mức độ 2 đến 3 nước chứ không phải 6 nước.
Nhưng ở phạm vi hẹp hơn thì tác động của Nga với vấn đề bán đảo Triều Tiên thường sẽ có khoảng cách hơn so với những nước láng giềng trực tiếp sát sườn như Trung Quốc. 
- Ông đánh giá thế nào về các phản ứng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Matxcơva trong thời gian qua?
Về phía Trung Quốc, tôi nhận thấy cũng không thể hiện rõ hoàn toàn sự quyết liệt. Tuyên bố của Trung Quốc trên bình diện ngoại giao thì vẫn vậy, không có gì nổi bật. 
Cũng có thông tin nói rằng sự liên kết chặt chẽ hơn giữa quan chức ngoại giao Trung Quốc và ban lãnh đạo Triều Tiên hiện nay có vẻ không mấy khăng khít so với trước đây.

Ngày 21/3, Triều Tiên lại diễn tập tổng báo động toàn dân và đe dọa tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam - Ảnh: KCNA 

Tất nhiên, so với Nga thì Trung Quốc có chung đường biên giới với Triều Tiên, Trung Quốc rất lo ngại nếu thực sự có chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Vì chiến tranh sẽ dẫn tới những hậu quả là làn sóng di cư rồi tác động đến môi trường đầu tư ở Trung Quốc và lớn hơn là môi trường ổn định địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á.
Nếu chiến tranh xảy ra thì làn sóng di cư chủ yếu qua đường bộ với con số lên đến hàng triệu người sẽ gây ra bất ổn và sau đó là tị nạn, xung đột nhỏ, v.v... Khi đó Trung Quốc sẽ rất khó kiểm soát.
- Nga và Trung Quốc lâu nay đồng thuận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Liệu trong lần này, hai quốc gia đều là thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc có khác biệt gì về chính sách đối ngoại trong bối cảnh căng thẳng Triều Tiên đang dâng cao chưa từng có?
 

Cũng có thông tin nói rằng sự liên kết chặt chẽ hơn giữa quan chức ngoại giao Trung Quốc và ban lãnh đạo Triều Tiên hiện nay có vẻ không mấy khăng khít so với trước đây.
 
Thường thì trong các vấn đề quốc tế đặc biệt là trong vấn đề Đông Bắc Á, thì quan điểm của Nga và Trung Quốc thường tương đồng nhau, hai bên thường lắng nghe, quan sát động thái ngoại giao hay những tuyên bố của bên kia để có cách ứng xử cho nước họ, nếu việc này đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì nhìn chung hai nước vẫn giữ được mối tương đồng.
Hiện nay, tình hình căng thẳng chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên còn liên quan đến vụ thử hạt nhân lần 3 của Bình Nhưỡng và lệnh trừng phạt cứng rắn của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. 
Lý do là Nga và Trung Quốc đều không muốn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị thế giới.
- Ông dự đoán gì về chính sách ngoại giao sắp tới của Matxcơva với Bình Nhưỡng?
Hiện nay, Nga đã lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh, giữ ‘cái đầu lạnh’ trong các ứng xử trên bán đảo Triều Tiên.
Đó là những cảnh báo công khai được phát đi từ Matxcơva, vì rõ ràng, nếu chiến tranh xảy ra, lợi ích của Nga ở đây sẽ bị ảnh hưởng. Mong muốn của Nga hiện nay là hướng các nước trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các bên ở bán đảo Triều Tiên kiềm chế - Ảnh: RIA Novosti 

Vì cuộc đàm phán này đã được thử thách trong thời gian không ngắn và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đây là kênh đàm phán Nga có vai trò lớn nhất hiện nay đối với vấn đề Triều Tiên. 
Trong mối quan hệ với Triều Tiên, Nga chỉ có vai trò trong các cuộc đàm phán 6 bên hoặc những hợp tác kinh tế là thế mạnh của Nga như xuất khẩu khí đốt ở bán đảo Triều Tiên. Còn từ khá lâu rồi, quan hệ kỹ thuật quân sự Nga – Triều Tiên không có gì nhiều.

Với Triều Tiên, hệ thống vũ khí chủ yếu là được hỗ trợ từ Trung Quốc và tự lực cánh sinh. Việc mua vũ khí hoặc nâng cấp hệ thống cũ lên hiện đại theo dây chuyền của Nga là không có. 
Như tôi đã phân tích, trong bối cảnh hiện nay, Matxcơva không hề muốn có cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. Chắc chắn Matxcơva sẽ tích cực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
- Có ý kiến nói Triều Tiên liên tục đe dọa và có hành động khiêu khích chỉ là “võ mồm” nhằm đạt được hai mục đích đó là buộc ban lãnh đạo mới của Hàn Quốc có chính sách ngoại giao mềm dẻo với Triều Tiên và buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán để có thêm viện trợ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Chúng ta cần nhìn tổng thể, hiện nay các bên liên quan đều khá nóng. Hàn – Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận, và Triều Tiên cũng liên tiếp tập trận bắn đạn thật. 
 

Chắc chắn Matxcơva sẽ tích cực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
 
Hơn nữa, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có ban lãnh đạo mới,  quy mô gây căng thẳng lần nay lớn hơn các lần trước. 
Chúng ta rõ ràng thấy lãnh đạo Hàn Quốc quyết tâm đáp trả rất mạnh mẽ bất cứ hành động khiêu khích nào của Bình Nhưỡng và ngược lại.
Triều Tiên cũng quan ngại về mặt an ninh khi Mỹ điều máy bay ném bom B 52 và máy bay chiến lược B 2 đến Hàn Quốc cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc. 
Điều đó cho thấy căng thẳng lần này trên bán đảo Triều Tiên là chưa từng có và không chỉ là “võ mồm” như các lần trước. Mức độ đã rất nghiêm trọng, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra chiến tranh.
- Ông nhận định gì về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên?
Trong lịch sử, phần lớn các cuộc chiến tranh thì đều có tuyên bố chiến tranh trước đó.

Triều Tiên tuyên bố cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc và bước vào tình trạng chiến tranh - Ảnh:KCNA 

Chúng ta cũng biết chiến tranh Triều Tiên 50-53 mới chỉ dừng lại ở thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một Hiệp ước hòa bình. 
Nhưng khi Triều Tiên tuyên bố họ sẽ ứng xử trên nguyên tắc thời chiến tức là cảnh báo tuyên chiến. Nếu trong bối cảnh căng thẳng này, chỉ cần Hàn Quốc có một động thái vượt quá giới hạn đỏ thì khó mà lường trước hậu quả.
- Một số luồng dư luận ở Trung Quốc nói nếu Triều Tiên bại trận, Bắc Kinh sẽ ở trong cái thế bị “mũi kiếm Mỹ” dí sát sườn. Nếu điều đó xảy ra, tác động của nó tới khu vực Đông Bắc Á và châu Á sẽ thế nào?
Theo tôi, chắc chắn Trung Quốc và các nước khu vực không muốn và sẽ không để xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực thực sự vì hậu quả của nó khó mà tưởng tượng được.
Lực lượng tăng thiết giáp Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap 

Với một nước như Triều Tiên với chính sách ưu tiên Quân đội là ưu tiên số 1 cho nên sự chuẩn bị chiến tranh là khá lớn, về mặt số lượng, vũ khí và quân số là một lực lượng đáng nể của Triều Tiên. Còn về chất lượng theo bình luận của phương Tây thì ta không bàn ở đây.

Một cái nữa đáng chú ý là quân sự “ngầm” ở Triều Tiên, có những thứ không thể bày lên mặt bàn. Tôi nghĩ nếu chiến tranh xảy ra thì khó mà đoán trước được bên thắng bên thua.
- Theo ông, căng thẳng bao giờ sẽ kết thúc và đâu sẽ là giải pháp để giải quyết tình trạng này?
Mâu thuẫn hiện nay có thể được giải quyết theo hướng ngoại giao, khi một nước hoặc một vài nước đứng ra đàm phán với Triều Tiên theo hướng có lợi cho họ. Hoặc giả đến một lúc nào đó, cả 2 nước sẽ nhận ra rằng, cuộc chiến là không cần thiết, cả 2 bên đều phải chịu tổn thất thì họ sẽ tự động lui quân.
 

Quân đội là ưu tiên số 1 cho nên sự chuẩn bị chiến tranh là khá lớn, về mặt số lượng, vũ khí và quân số là một lực lượng đáng nể của Triều Tiên.
 
Bên cạnh đó, việc Mỹ phản ứng với Triều Tiên chỉ là một phần động thái của họ.

Nhắc lại chuyện giám đốc Google sang thăm Triều Tiên, trong đó có thể kèm theo những thông điệp, động thái ngoại giao mà chúng ta không biết hết được.
Thực ra, trong những tình huống như thế này, tất cả đều có điểm dừng.

Với Triều Tiên, họ phản ứng dữ dội vì các cuộc tập trận của Mỹ -Hàn khác nào chuyện họ có thể bị tấn công bất cứ khi nào bởi trên thực tế, Triều Tiên và Hàn Quốc đang trong tình trạng chiến tranh. 
Nhưng tất cả đều hữu hạn, đến một thời điểm nào có các cuộc tập trận sẽ kết thúc. Khi đó, các bên sẽ có những tuyên bố, phản ứng khác nhau nhưng có thể hiểu đó là những cái cớ để kết thúc căng thẳng.
- Liệu hình ảnh của lãnh đạo Kim Jong-un với cộng đồng quốc tế có thay đổi sau khi tình hình căng thẳng này được giải quyết?
Thực ra, từ khi lên nhậm chức, trên bình diện ngoại giao quốc tế, ông Kim Jong-un chưa được công nhận. 
Đến nay, chỉ có một chuyến thăm được thông báo chính thức đến Trung Quốc, trong khi quan hệ 2 nước rất đặc biệt. 
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát quân đội Triều Tiên tập trận - Ảnh: KCNA 

Điều đó tạo ra cho ông ta một áp lực khẳng định bản thân, không chỉ với Trung Quốc mà là với toàn thế giới.
Với những nhận định theo hướng bình luận, nếu mâu thuẫn hiện được giải quyết thì ông Kim Jong-un đã đạt được mục đích của mình. 
Quan trọng nhất hiện nay đó là mục đích đối nội, đặc biệt với quốc gia ưu tiên quân đội số một như Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã thể hiện được quyền lực, tiếng nói của mình với quân đội Triều Tiên.
Kết quả qua đơn giản nhất mà chúng ta có thể thấy được đó là những khẩu hiệu ghi rõ: “Chỉ cần Tổng tư lệnh đáng kính ra lệnh”. 
Điều đó hàm ý, tất cả quân, dân Triều Tiên sẽ sẵn sàng với mọi mệnh lệnh của ông Kim Jong-un.
Bên cạnh đó, về mặt đối ngoại, có thể Triều Tiên chưa đạt được các cuộc đàm phán song phương, đa phương theo kiểu ‘ngang cơ’ ngay lập tức nhưng hình ảnh của ông bên ngoài biên giới đã khác. 
Tiếp theo đó là những bước đi khẳng định mình sau khi đã gây dựng được hình ảnh.
- Đã từng công tác nhiều năm tại Hàn Quốc, ông có thể dự đoán quan điểm của Hàn Quốc với Triều Tiên như thế nào khi ông Kim Jong-un lên lãnh đạo?
 

Triều Tiên chưa đạt được các cuộc đàm phán theo kiểu ‘ngang cơ’ ngay lập tức nhưng hình ảnh của ông Kim Jong-un bên ngoài biên giới đã khác.
 
Nữ lãnh đạo Hàn Quốc hiện nay là một người theo xu hướng hơi bảo thủ và cứng rắn. Trong khi đó, người lãnh đạo phía bên kia lại còn khá trẻ. 
Điều đó có thể khiến bà Park muốn tranh thủ lúc này khi ông Kim Jong-un chưa kiểm soát hoàn toàn quyền lực để khẳng định vị thế của Hàn Quốc với Triều Tiên.
Những hành động của Hàn Quốc hiện nay có thể nói lên rằng, khi anh manh động chúng tôi sẵn sàng đáp trả. 
Đó là một lợi thế cần phải có của họ để đạt được lợi ích trong các quan hệ song phương sau này với miền Bắc. 
- Hôm qua, truyền thông Nga loan báo Trung Quốc đã đưa quân, máy bay và các khí tài quân sự đến vùng giáp ranh với Triều Tiên, đồng thời đưa cảnh báo lên mức cao nhất, ông nghĩ gì về điều này?
Theo tôi, đây có thể là cảnh báo ở cấp độ địa phương, từng quân khu nào đó. Đây là một phản ứng bình thường khi có căng thẳng diễn ra ở biên giới quốc gia để đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, ở trường hợp của Triều Tiên, khi một lãnh đạo mới lên, nuôi quân, duy trì quân, dù không có chiến tranh nhưng đôi khi vẫn phải tập dượt, báo động. Đây có thể là một lý do để giải thích các động thái gần đây của họ.
Binh lính Trung Quốc - Ảnh: RT 

Dù cho có nhiều lí do khác như ngoại giao, chính trị nhưng một người mới lên nắm quyền như ông Kim Jong-un bao giờ cũng phải có những động thái với xã hội, quân đội mà trong đó chủ yếu là quân đội.
Ở Nga, sau khi lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng ông Shoigu đã đột ngột ra lệnh tập trận để xem thử cách phản ứng của các lực lượng trước tình huống bất ngờ. 
Và gần đây là lệnh phát động diễn tập trên Biển Đen của Tổng thống Nga vào lúc 4 giờ sáng khi trên đường từ Nam Phi trở về.
Đây là những hành động của giới chỉ huy để nắm được sự nhanh nhạy, khả năng làm chủ tình huống của quân đội. 
Ngoài ra, đó còn là cách để họ nắm được phản ứng của cấp dưới với mệnh lệnh của mình khi mới lên cầm quyền.
Qua đó cho thấy, hành động triển khai quân đến bờ sông Áp Lục của Trung Quốc có 2 mục đích. Trước tiên là sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, thứ hai là một cơ hội để rèn luyện lực lượng quân đội ở khu vực này.

Tùng Đinh - Đỗ Hường (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn