Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Trung Quốc đã gặt hái thành quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Triển vọng quan hệ giữa hai nước rất tươi sáng. Đây là đánh giá của Giáo sư Mễ Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện trưởng Viện Luật của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, người từng có nhiều năm học tập tại Việt Nam.
Giáo sư Mễ Lương nhấn mạnh, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là mức độ quan hệ cao nhất mà Trung Quốc thiết lập với các quốc gia trên thế giới. Việc Trung Quốc thiết lập mối quan hệ này với Việt Nam cho thấy tin cậy chính trị giữa hai bên đã được tăng cường và điều này thể hiện qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình thường xuyên duy trì liên lạc và thăm viếng lẫn nhau. Tôi còn nhớ tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần thứ ba được bầu vào vị trí này. Chỉ 10 phút sau khi có kết quả, tôi đã thấy tin Tổng Bí thư Tập Cận Bình gửi điện mừng. Điều này đã cho thấy sự coi trọng và chỉ khi hai người là bạn tốt thì mới làm vậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thường xuyên sang thăm Trung Quốc. Tôi đã từng gặp ông tại Nhà khách Điếu Ngư Đài năm 2017”, Giáo sư Mễ Lương chia sẻ.
Không chỉ chính trị, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên cũng phát triển nhanh chóng. Ông Mễ Lương nhớ lại, vào những năm 2000, Việt Nam không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Nhưng sau đó, hợp tác giữa hai nước đã có sự bứt tốc ngoạn mục.
Đến năm 2016, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc trong ASEAN. Trong khi đó, ASEAN đã vượt cả Mỹ và Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây.
Giáo sư Mễ Lương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng khoảng 10 lần kể từ năm 2008 khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Theo số liệu của phía Trung Quốc, năm 2008, kim ngạch mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ đạt gần 19,5 tỷ USD (số liệu của Việt Nam là trên 20,18 tỷ USD), thì đến năm 2022, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, con số này vẫn tăng lên gần 235 tỷ USD (số liệu Việt Nam là 175,57 tỷ USD).
Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giáo sư Mễ Lương đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên, bởi tính bổ sung giữa hai nền kinh tế là rất lớn: “Tôi cho rằng triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam rất tươi sáng. Việt Nam tiến hành đổi mới mở cửa, trong khi Trung Quốc cũng cải cách mở cửa. Nền kinh tế của cả hai nước đã bước lên một nấc thang mới. Chúng ta cần tiếp tục tăng cường hợp tác để thúc đẩy cải cách và đổi mới của mỗi bên. Trong tương lai, Trung Quốc và Việt Nam sẽ có triển vọng hợp tác rất rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, như công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học hay đường sắt cao tốc...”.
Ngoài ra, theo giáo sư Mễ Lương, giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông không chỉ gặp được nhiều du học sinh Việt Nam ở các thành phố của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Côn Minh, Nam Ninh..., mà còn gặp cả các lưu học sinh Trung Quốc ở những nơi ông từng đến tại Việt Nam, như Hà Nội, TP.HCM.
“Việc trao đổi sinh viên như vậy đã đặt nền tảng chính trị cho những trao đổi giữa hai nước trong tương lai, bởi thế hệ trẻ chính là tương lai. Với rất nhiều người trẻ qua lại như thế, sẽ tạo được nền tảng về nhân tài cho tương lai”, giáo sư Mễ Lương nhận định.
Từng là một du học sinh Trung Quốc tại Việt Nam, quãng thời gian theo học chuyên ngành luật trong 6 năm từ 2005 đến 2011 tại Hà Nội, đã để lại trong ông những ấn tượng sâu đậm. Ông đã kết giao được nhiều người bạn Việt Nam và vẫn giữ liên lạc cho đến nay. Ông cho biết mới đây vừa nhắn tin chúc mừng họ nhân Quốc khánh Việt Nam ngày 2/9.
Với ông, quãng thời gian này đã giúp ông có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về Việt Nam. Ông hết sức ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam kể từ sau năm 2000, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006. Theo ông, một trong những nguyên nhân quan trọng là Việt Nam đã kịp thời sửa đổi các bộ luật, như Luật Đầu tư. Điều này đã giúp môi trường kinh doanh được cải thiện và ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam.
Là một học giả nghiên cứu về Đông Nam Á, đặc biệt là trong mảng luật, với giáo sư Mễ Lương, những năm tháng học tập tại Hà Nội đã hỗ trợ ông rất nhiều trong công việc và nghiên cứu. Đến nay, ông đã dịch và xuất bản nhiều bộ luật và sách về luật của Việt Nam, nhằm giúp các nhà đầu tư Trung Quốc nắm rõ hơn các quy định, quy tắc và cả văn hóa khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân và văn hóa giữa hai nước.
Theo ông, hệ thống luật của Việt Nam có những điểm đáng để học tập, bởi hai nước có nhiều nét tương đồng. “Chẳng hạn, năm 1995, Việt Nam đã cho ra đời bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, mãi những năm gần đây, Trung Quốc mới có bộ luật này. Đến nay, Việt Nam đã có 3 bộ luật Dân sự. Điều này cho thấy tốc độ lập pháp ở Việt Nam rất nhanh, theo sát xu hướng của thời đại, đáng để chúng tôi học tập”, giáo sư Mễ Lương nhận xét.
Trải qua nhiều vị trí công tác ở hai trường đại học lớn của Trung Quốc là Đại học Vân Nam và Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, là tiến sĩ đầu tiên của Trung Quốc học tập tại Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và được cử sang học vào đúng thời điểm hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, giáo sư Mễ Lương luôn nỗ lực để trở thành cầu nối hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực luật pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Bình luận