• Zalo

Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tăng cường hợp tác Việt-Trung chặt chẽ hơn

Tư liệuThứ Ba, 01/11/2022 07:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật mối quan hệ gần gũi của hai Đảng, tăng cường hợp tác Việt - Trung chặt chẽ hơn.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 2/11.

Trên tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam ​​sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Trung - Việt.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rất đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần phục hồi và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định ở khu vực.

Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tăng cường hợp tác Việt-Trung chặt chẽ hơn - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Đảng kể từ khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 1/2021 và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài tới Trung Quốc sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, điều này cho thấy Việt Nam coi trọng, ưu tiên chính sách đối ngoại với Trung Quốc. 

Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc sẽ đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài khác đến thăm. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 1/11; Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 2-4/11; Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Trung Quốc vào ngày 4/11. 

Theo chuyên gia Trung Quốc, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng, các đảng cầm quyền của hai nước có mối quan hệ sâu sắc, lâu đời với truyền thống cách mạng được vun đắp, xây dựng từ nhiều thế hệ lãnh đạo. Quan hệ hai nước luôn bền chặt dưới sự dẫn dắt, lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở hai nước.

Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bày tỏ: "Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí, láng giềng, đối tác và bạn bè. Hai nước có nhiều điểm tương đồng - do Đảng Cộng sản lãnh đạo với niềm tin phục vụ Nhân dân và thực hiện đường lối ngoại giao dựa trên nền tảng độc lập tự chủ”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm chung, quan hệ giữa hai Đảng có cơ hội hợp tác, trao đổi, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị điều hành kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cũng như công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực như phòng chống tham nhũng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước về mọi mặt.

Các nhà phân tích cho biết, việc điều hành thành công của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc và của Đảng Cộng sản ở Việt Nam chứng tỏ chủ nghĩa xã hội theo kịp thời đại và Đảng Cộng sản đang lãnh đạo quá trình hiện đại hóa và phát triển của các nước. 

Ngoài quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, hai nước còn là láng giềng có chung nhiều lợi ích. Chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại song phương.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc và lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 và các biến động địa chính trị trên thế giới.

Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tăng cường hợp tác Việt-Trung chặt chẽ hơn - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 55,9 tỷ USD, tăng 37 lần so với năm 2002. Trong hai năm qua, thương mại song phương vẫn vượt 100 tỷ USD dù chịu tác động của đại dịch. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó gồm cả nông sản. 

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới nhiều biến động, các nước lớn tích cực lôi kéo, gia tăng ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy mối quan hệ láng giềng, gần gũi giữa Việt Nam và Trung Quốc.  

Zhao Weihua, Giám đốc Trung tâm quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán, cho biết Việt Nam nhận thức mối quan hệ song phương hòa bình và ổn định với Trung Quốc sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, cho rằng quá trình hiện đại hóa Trung Quốc sẽ được thực hiện cùng với quá trình hiện đại hóa của các đối tác, trong đó có Việt Nam.

Theo chuyên gia Xu Liping, dù vẫn có những khác biệt trong quan hệ song phương, nhưng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam có thể giúp hai nước quản lý khác biệt, duy trì hợp tác, hòa bình và phát triển.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cũng sẽ giúp Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa phục hồi và hội nhập kinh tế trong khu vực, củng cố hơn nữa hòa bình và sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Kông Anh(Nguồn: Global Times)
Bình luận
vtcnews.vn