Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác. Theo đó, Khoản 1, Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Người dân phải chia rác theo 3 loại gồm: rác tái chế, tái sử dụng, rác thực phẩm và các loại chất thải rắn khác.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một tỷ đồng đối với cá nhân và hai tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hai năm.
Cũng theo Nghị định 45, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định. Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan nội dung này, GS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng, nếu thực hiện chuẩn chỉ, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn rất thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường. Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.
Theo GS Đặng Kim Chi, trước đây, nhiều nơi và ngay cả Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn. Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Xe chở rác lại đưa tất cả các loại rác (đã phân loại) lên một chiếc xe, và đưa về bãi tập kết.
“Nếu không thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm túc, đồng bộ giữa các khâu sẽ dẫn tới việc, rác được phân loại từ đầu nguồn nhưng sau đó lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, thu gom, xử lý”, GS Đặng Kim Chi nói.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, dân số tăng, cuộc sống phát triển, số lượng rác thải ra mỗi ngày rất lớn, tỉ lệ thu gom xử lý vẫn là một vấn đề. Việc phân loại rác tại nguồn rất có ý nghĩa vừa bảo vệ môi trường, tăng cường nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm tài nguyên thiên, tăng cường ý thức của người dân.
Theo TS. Tùng, khi triển khai phải thực hiện chặt chẽ ở từng khâu, nếu không sẽ rất dễ dẫn tới hiện tượng đơn vị thực thi thì lợi dụng chính sách để trục lợi, còn các cá nhân thì vứt rác trộm.
“Thực tế, rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hằng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác”, TS Tùng cho hay.
Để phân loại rác, theo TS Tùng, quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn, một khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công. Và để làm được điều này thì ngoài việc tuyên truyền đến từng hộ dân để họ hiểu đúng, hiểu đủ thì cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Để quy định này đi vào cuộc sống, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, các địa phương cần chuẩn bị và ban hành các quy định chi tiết, cụ thể liên quan để thực hiện theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Sau đó triển khai tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội, thí điểm chuẩn bị hạ tầng thu gom vận chuyển xử lý... như các nước khác từng làm.
Bình luận