Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây. Trong nghị định này, người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại rác thải từ đầu nguồn, với mức xử phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định…
Hiện nay, trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Theo thống kê, tính đến năm 2019, thành phố Hà Nội có hơn 300.000 căn hộ chung cư. Với lượng lớn cư dân sinh sống, đây là nguồn phát các loại rác thải khổng lồ.
Người dân sống chung cư đang rất lo lắng
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Bá Huấn (sinh sống tại một chung cư trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cứ đến 17h30, anh xách một túi rác ra khu vực thang máy của tầng 6 nhà mình để cho vào ống rác xuống hầm thu gom. Rác hằng ngày của gia đình anh chứa đủ các loại từ nhựa, thức ăn thừa, giấy, thậm chí cả thủy tinh.
Khoảng 18h hằng ngày, tại chung cư của anh Huấn sinh sống sẽ có nhân viên môi trường kéo xe chở rác đến thu gom rồi đẩy về nơi tập kết. Rác từ thùng rác chung cư được chất lên xe, quá trình này các loại rác cũng không được phân loại mà trộn lẫn vào nhau, chất cao quá đầu người.
Sinh sống ở đây hơn 10 năm, anh Huấn cho biết, tất cả cư dân tại chung cư nêu trên chưa từng được thông báo về việc phải phân loại rác.
Theo anh Huấn, mặc dù chưa có hướng dẫn, thông báo cụ thể về phân loại rác tại nguồn, nhưng từ 2 năm nay gia đình anh luôn phân loại các chai nhựa, chai sành, rác hữu cơ… theo từng túi riêng.
“Nhiều lần tôi mang xuống thùng rác dưới tầng 1 hay cho vào đường ống rác chung và có dặn công nhân môi trường khi thu gom nhớ phân loại riêng nhưng sau đó đơn vị thu gom vẫn thu lẫn hết vào nhau… sau đó gia đình tôi thấy cũng nản”, anh Huấn chia sẻ.
Theo anh Huấn, việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường, giúp các công ty vệ sinh môi trường giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải.
"Gia đình tôi mong các chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể cho người dân biết để khi Nghị định có hiệu lực sẽ không còn bỡ ngỡ. Đặc biệt, hiện nay các người dân gần như chưa có mấy ai phân loại rác ngay từ nhà, trong khi đơn vị môi trường cứ thu rác trộn lẫn hết với nhau. Nếu người dân phân loại đi chăng nữa nhưng công nhân môi trường lương thấp, chế độ hạn hẹp… cơ chế chưa rõ thì rất khó để quy định này đi vào cuộc sống”, anh Huấn chia sẻ.
Anh Hoàng Công Minh (sống tại chung cư thương mại Thăng Long Victory thuộc An Phú, Hoài Đức, Hà Nội) cùng chung thực trạng. Toàn bộ rác sinh hoạt trong gia đình được cho vào một ống chứa rác, từ đây rác sẽ vận chuyển thẳng xuống khu vực hầm tập kết rác của tầng 1 chung cư.
Theo anh Minh, ở chung cư chưa có thông báo về việc phân loại rác tại nhà, bản thân gia đình anh vẫn đang để hỗn hợp các loại rác vào một túi nilon rồi đổ đúng nơi quy định.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chung cư cao cấp cho thấy quy trình xử lý rác hiện nay cũng chưa phân loại, rác vẫn đổ hỗn hợp.
Nhiều cư dân cho rằng, việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này. Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.
Đơn vị quản lý chưa nhận được hướng dẫn chi tiết
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Huế (công nhân thu gom rác tại khu vực Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa nhận được thông tin triển khai theo Nghị định mới. Người dân tại các chung cư vẫn còn thiếu ý thức, chúng tôi có những thùng rác riêng để người dân phân loại và bỏ vào nhưng nhiều người vẫn vô tư xả rác ra nơi công cộng nữa là phân loại rác tại nhà”.
Theo bà Huế, tại các chung cư hiện hay có một đường ống xả rác chung, người dân dù có phân loại rác thành các túi riêng thì khi ném xuống hoàn toàn bị rách, vương vãi… khiến thu gom gặp nhiều khó khăn nhất là phân loại số lượng rác lớn mỗi ngày.
Trong khi đó, nhiều UBND phường trên địa bàn Hà Nội đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên liên quan đến việc triển khai tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn.
Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được ban hành. Theo đó, từ ngày 25/8, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn, không sử dụng bao bì đựng chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt.
- Mức phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.
- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Bình luận