Thời gian qua, Việt Nam và một số nước ASEAN rất bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm từ sách, bản đồ, phim ảnh, ứng dụng điều hướng trên ô tô... bị Trung Quốc cài cắm “đường lưỡi bò”. Thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi này được xem là một phần trong chiến dịch tổng thể, nhằm mưu đồ chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Tiến sĩ Takashi Hosoda, người Nhật, hiện là giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) trả lời PV VTC News liên quan đến chiến dịch tâm lý nhằm phổ biến “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc trong khu vực.
- Thời gian qua Trung Quốc cài cắm "đường lưỡi bò" ở mọi nơi, đây có thể xem là cuộc chiến tranh tâm lý của Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam, mà ở quy mô toàn cầu, thưa Tiến sĩ?
Chúng ta biết rằng, Trung Quốc có truyền thống thực thi “Tam chiến pháp” với bộ ba phương pháp phi động lực (một cách gọi khác của “bất chiến tự nhiên thành” - không cần chiến tranh vẫn đạt mục tiêu) để đạt được các mục tiêu quốc gia của họ. Tam chiến pháp bao gồm: chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chiến dịch truyền thông hay thông tin sai lệch của Trung Quốc nêu trên là một phần trong kế hoạch phối hợp giữa chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý ở cấp độ toàn cầu.
Chiến dịch này phù hợp cho việc vận hành “chiến tranh ngầm” của Bắc Kinh, mà không cần sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, điều quan trọng là Trung Quốc đang sử dụng đồng thời 3 cuộc chiến trên, với các hành động nhằm thay đổi hiện trạng trên các vùng biển mà Trung Quốc đang tranh chấp. Cụ thể là cải tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo, đồng thời đe dọa các nước láng giềng trong khu vực.
Rõ ràng, mọi nỗi lực tuyên truyền của Trung Quốc trong khu vực có thể thất bại vì hành động sai lầm và kiêu ngạo của Bắc Kinh đối với Hong Kong và Đài Loan. Ngoài ra, các vấn đề tồn tại xung quanh sáng kiến “Vành đai và Con đường” khiến cho uy tín của Trung Quốc trong khu vực và thế giới ngày càng xấu đi. Quả đúng như câu ngạn ngữ của người phương Đông: “Gieo gì, gặt nấy”.
- Cuộc chiến tranh tâm lý này đã và đang diễn ra trong khu vực. Việt Nam và các nước ASEAN phải nhìn nhận thế nào?
Tôi muốn nêu một ví dụ tương tự trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng khăng khăng khẳng định các đảo trên thuộc Trung Quốc. Họ đưa ra các bằng chứng lịch sử (ghi lại), như thông tin các thủy thủ Trung Quốc thời cổ đại tìm thấy các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư, hay sử dụng chúng như một địa điểm trung chuyển. Mục đích sau cùng của Bắc Kinh là biện minh cho tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, cũng giống như cách họ nêu ra yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” bất hợp pháp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ngày nay, hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại không cho phép việc khẳng định chủ quyền của quốc gia nào đó đối với các đảo, mà không có biện pháp kiểm soát hoặc thực thi các hoạt động kinh tế hiệu quả trên đó.
Việt Nam và các nước ASEAN nên chỉ rõ đích danh, nước nào đang thách thức hệ thống pháp luật quốc tế.
Tiến sỹ Takashi Hosoda
Vì vậy, Việt Nam và các nước ASEAN nên chỉ rõ đích danh, nước nào đang thách thức hệ thống pháp luật quốc tế. Theo đó, các bạn cần sử dụng tất cả các kênh truyền thông đại chúng và các dịch vụ thông tin xã hội khác phục vụ cho yêu cầu này.
Tôi đặc biệt đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tài chính, để làm tài liệu quảng bá và xây dựng các nội dung bằng kĩ thuật số về các sự kiện liên quan đến yêu sách phi lý của Trung Quốc. Các tờ rơi và sản phẩm số này được chuyển tới cho các cơ quan báo chí, kênh phát thanh - truyền hình và dịch vụ thông tin xã hội một cách công khai.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, Việt Nam cũng nên cử các học giả uy tín đến các viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới, nhất là ở các nước châu Âu. Mục đích là để trình bày, giải thích rõ tình hình thực tế ở Biển Đông hiện nay, đồng thời chỉ rõ việc Trung Quốc đang thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong khu vực tranh chấp.
Quan trọng nhất để giành được lợi ích trong chính sách ngoại giao nhân dân, thì các chính trị gia, học giả và giới truyền thông phải thực hiện trước tiên, sau đó mới đến dư luận xã hội.
- Quan điểm của ông về việc Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng, nhưng không đẩy lên mức chiến tranh. Và dần dần chiếm trọn Biển Đông, nếu Việt Nam không tỉnh táo?
Bắc Kinh biết rằng, xảy ra xung đột hay chiến tranh trong thời điểm này sẽ gây thiệt hại hoàn toàn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, mặc dù Bắc Kinh luôn thể hiện sự sẵn sàng phản ứng mạnh trước hiện diện của quân đội Mỹ, song trên thực tế Trung Quốc muốn tránh đụng độ quân sự thực sự ở Biển Đông.
Do đó, Việt Nam không những cần giữ vững chính sách ngoại giao đa phương và chính sách “ba không”như hiện này, mà còn cần tăng cường quan hệ với các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước châu Âu.
XEM LOẠT BÀI CHIẾN DỊCH TÂM LÝ CHIẾN ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC:
>> Trung Quốc tiếp tục gia tăng cài cắm ‘đường lưỡi bò’ trên quy mô toàn cầu
>> Trung Quốc đang khống chế Biển Đông không cần chiến tranh ra sao?
>> Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam cần tạo mặt trận thống nhất đáp trả chiến tranh tâm lý của Trung Quốc
>> ĐBQH: Cài cắm 'đường lưỡi bò' là chiêu bài tinh vi, xảo quyệt, gặm nhấm dần dần của Trung Quốc
>> Những thủ đoạn truyền bá lắt léo, tinh vi về 'đường lưỡi bò' phi lý của Trung Quốc
>> Chuyên gia Mỹ: Chiến lược của Bắc Kinh là quấy rối không ngừng trên Biển Đông
Thay cho các hành động quân sự cứng rắn, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, Thỏa thuận khung (FPA) quản lý khủng hoảng giữa Việt Nam và EU đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam tăng cường mối quan hệ với các nước lãnh đạo châu Âu.
- Trước yêu sách phi lý và các động thái quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, ASEAN và Việt Nam cần phải ứng phó thế nào?
Theo tôi, duy trì sự thống nhất ASEAN là điều rất quan trọng. Ngoài ra, các nước ASEAN cần vượt qua những trì trệ hiện nay, để sớm đưa ra các quyết định liên quan đến an ninh khu vực. Theo hướng đó, Việt Nam cần phải giữ mối quan hệ láng giềng tốt với các thành viên ASEAN. Hơn nữa, trong tương lai, ASEAN cần trở thành một thực thể chính trị, hơn là một tổ chức kinh tế xã hội như hiện tại.
Điều quan trọng nữa là, một mặt Việt Nam và ASEAN cần tăng cường hợp tác với Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước lãnh đạo châu Âu. Mặt khác, cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, thông qua các phương thức đặc biệt, để ngăn chặn xung đột quân sự xảy ra.
Chìa khóa cuối cùng để giải quyết vấn đề tranh chấp là phải gia tăng sức mạnh quốc nội của Việt Nam. Đó là lí do mà Nhật Bản, thông qua các khoản viện trợ ODA và các khoản hỗ trợ khác, tích cực giúp đỡ Việt Nam tăng cường khả năng trong lĩnh vực thực thi Luật hàng hải, bảo vệ bờ biển hay khả năng nhận diện trong lĩnh vực hàng hải.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận