• Zalo

Chuyên gia: Hà Nội cần đánh giá 'mức độ gây hại của Styren trong nước sạch'

Thời sựThứ Ba, 15/10/2019 22:02:00 +07:00Google News

Chuyên gia hoá học cho rằng tỷ lệ Styren trong nước vượt ngưỡng 3,6 lần "chắc chắn gây hại cho cơ thể, song mức độ ra sao thì cần đánh giá cụ thể hơn".

Chiều 15/10, ngày thứ 6 liên tiếp nước sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... vẫn bốc mùi khó chịu do chất Styren có tỷ lệ cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ  1,3 - 3,6 lần.

Theo giáo sư Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Styren là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu. 

Styren thường được dùng để các sản phẩm nhựa plolystyren, polyme như hộp xốp đựng đồ ăn, sợi thủy tinh.... Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh và cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy. "Tỷ lệ Styren trong nước vượt ngưỡng đến 3,6 lần, có thể cảm nhận bằng mũi chắc chắn gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, mức độ gây hại ra sao cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn, thông tin cho người dân biết", giáo sư Sung nói. 

1

 Sáng 14/10, suối Trâm (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình), cách Nhà máy nước sạch sông Đà gần 1 km, vẫn đen kịt dầu loang, bốc mùi khét. (Ảnh: Trình Vũ)

Đồng quan điểm với ông Sung, PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, ở công đoạn xử lý thành phần hữu cơ trong nước, nhà máy sử dụng than hoạt tính với lượng phù hợp sẽ hấp thu dầu. Trường hợp nước cấp đến hộ dân vẫn phát hiện mùi, váng dầu thì lượng dầu nhiễm ở đầu nguồn phải rất lớn.

"Cơ quan chức năng cần kiểm tra lại toàn bộ quy trình xử lý nước sạch của nhà máy", ông Côn đề nghị.

PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho rằng, nguồn nước mặt sông Đà ít nhiễm khoáng chất, khâu xử lý chủ yếu tập trung vào công đoạn bể lắng, sục clo khử trùng, khử vi khuẩn..., vì vậy có thể nhà máy đã không lường trước nên không chuẩn bị sẵn sàng kịch bản ứng phó với trường hợp nước mặt ô nhiễm dầu thải.

"Kết luận chính thức phải chờ cơ quan chức năng. Tuy nhiên dựa trên thông tin đến hiện nay thì nhà máy đã bị động, đến khi xử lý lại không triệt để", ông Thịnh nói và thông tin thêm công nghệ xử lý nước ô nhiễm dầu thành nước sinh hoạt rất tốn kém, hầu như không có đơn vị nào ở Việt Nam sử dụng.

Ngoài ra, PGS Thịnh nhấn mạnh qua sự việc lần này, chính quyền Hà Nội cũng như các nhà máy nước cần tính đến việc quản lý nguồn nước mặt lâu dài. "Đây là vụ đổ dầu thải, nhìn thấy, ngửi thấy rõ. Nếu đổ chất không mùi sẽ rất khó phát hiện. Tôi nghĩ cần phải chặn toàn bộ các nguồn suối nhỏ qua khu dân cư đi vào kênh dẫn nước của các nhà máy", ông Thịnh khuyến cáo.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, nguồn nước mặt dẫn vào nhà máy phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc dầu thải xâm nhập vào khu xử lý cho thấy "sự lỏng lẻo trong kiểm soát ô nhiễm" của đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương ở tỉnh Hòa Bình.  

"Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn hộ dân. Tôi nghĩ chính quyền thành phố Hà Nội cần coi sự việc này tương tự như tình trạng khẩn cấp trong thiên tai, để ứng phó một cách phù hợp", bà Lý nói.

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước ở một số điểm của công ty nước sạch sông Đà vào ngày 11/10. 

Sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường.

Hà Nội khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn