Sáng 10/10, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2022 và lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ.
Bộ Công Thương đã lựa chọn bán lẻ để xây dựng bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong năm nay vì đây là một lĩnh vực năng động và thu hút số lượng người tiêu dùng tương tác rất lớn.
Là tập hợp các quy tắc ứng xử của doanh nghiệp bán lẻ đối với người tiêu dùng, bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xây dựng trong khuôn khổ đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021- 2025 của Bộ Công Thương trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và tập quán, văn hóa kinh doanh tốt đẹp trong ngành bán lẻ, hướng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Nói về tầm quan trọng của bộ tiêu chí, ông Phan Thế Thắng - Phó Trưởng phòng, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết:
“Việc sử dụng bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá, tự soi lại chính mình trong việc thực hiện cũng như tuân thủ các trách nhiệm pháp lý theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, bộ tiêu chí giúp doanh nghiệp nhìn nhận hoạt động của mình đã thực sự hướng đến quyền lợi người tiêu dùng hay chưa, để từ đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng những chính sách hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nhiều hơn nữa.
Thứ ba, doanh nghiệp khi tham gia vào Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ thực hiện việc khảo sát, đánh giá hiện trạng tại doanh nghiệp, được tư vấn vào những điểm cụ thể trong chính sách chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo cho doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với quyền lợi người tiêu dùng”.
Bộ tiêu chí đã được đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, một số doanh nghiệp bán lẻ và các chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện.
Ông Đào Minh Hải, đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, kiến nghị cần xây dựng bộ tiêu chí khái quát nhất để doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia đánh giá. Theo đó, cần thống nhất trong việc đưa ra các tiêu chí lớn, bám sát 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng.
Ông Hải cho rằng nên đẩy cao số điểm tại các tiêu chí đánh giá quyền lợi cho người tiêu dùng và giảm điểm khi đánh giá các tiêu chí liên quan đến chính sách nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời khảo sát nên phân loại doanh nghiệp tham gia đánh giá theo mức độ thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Phan Thế Thắng cũng đưa ra một số ý kiến góp ý để hoàn thiện bộ tiêu chí như việc cần làm rõ các khái niệm "đang triển khai", "đang xây dựng", "đã hoàn thiện" và căn cứ xác định của việc đánh giá thực thi tại doanh nghiệp sau khi chấm điểm các tiêu chí cần có xếp loại, đánh giá doanh nghiệp.
Nhận thấy các tiêu chí mới dừng lại ở mặt chính sách, chưa có tiêu chí xác định thực trạng, đánh giá kết quả thực hiện, ông Thắng cho rằng nên bổ sung các tiêu chí liên quan đến tuân thủ chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đưa các câu hỏi về việc thời gian gần đây có vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không? Mức độ tham gia vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào? Các kết quả, bằng khen được các tổ chức công nhận trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao?... Đồng thời, cần có cơ chế điểm thưởng cho doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm cao hơn quy định trong luật.
TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Những yêu cầu người tiêu dùng ngày càng đa dạng, phức tạp, nếu các doanh nghiệp không bám sát và nắm bắt được thì không thể dễ dàng đáp ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tự chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, có chính sách vì người tiêu dùng từ khâu đầu tiên là đầu vào của hàng hóa, sản phẩm cho đến các dịch vụ hậu mãi”.
Bà Loan đánh giá bộ tiêu chí được xây dựng trên thực tế hoạt động hàng ngày và đặc biệt là chú trọng đến các vấn đề rất thời sự như phân phối - bán lẻ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường và tiêu dùng bền vững; đề cập đến các vấn đề quan trọng và thiết thực cho công tác bảo vệ người tiêu dùng như: tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; khả năng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; công khai thương hiệu các nhà cung cấp và cam kết bán hàng chính hãng; lựa chọn nhà cung cấp và lựa chọn hàng hóa dịch vụ.
Tuy nhiên, bà Loan cũng băn khoăn giữa việc bộ tiêu chí đưa ra quá nhiều tiêu chí hay cần bổ sung thêm các tiêu chí. Và việc doanh nghiệp tự đánh giá, chấm điểm có thực sự đảm bảo tính chính xác và khách quan hay không.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam nhận định, nhiều doanh nghiệp gặp khó khi tìm hiểu toàn bộ luật và các tài liệu liên quan.
Đồng quan điểm trên, ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nêu ý kiến, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi thực hiện theo 10 tiêu chí lớn, cũng như những tiêu chí con bên trong. Do đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nên tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, đào tạo định kỳ cho doanh nghiệp mới và doanh nghiệp lâu năm chia sẻ kinh nghiệm thực hiện vận hành và đánh giá theo giai đoạn 6 - 12 tháng.
Thông qua việc đánh giá, cần có cơ chế ghi nhận biểu dương doanh nghiệp có điểm số cao. Từ đó, tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp khi thực việc bảo vệ quyền lợi, kích thích doanh nghiệp tiếp tục áp dụng theo bộ tiêu chí, đăng ký một cách tự nguyện từ đó mang đến lợi ích sau cùng cho người tiêu dùng.
Còn đại diện Wincommerce cho biết, bộ tiêu chí đã được xây dựng khá toàn diện, tuy nhiên để thực hiện đầy đủ các tiêu chí này cần sự đầu tư lớn về thời gian, tài chính, nhân lực...Do đó để doanh nghiệp tham gia đầy đủ và tự nguyện, cần có cơ chế khuyến khích và chứng nhận đối với doanh nghiệp thực hiện tốt. Đồng thời mong muốn chia bộ tiêu chí thành 2 nhóm: nhóm tiêu chí liên quan đến pháp luật là tiêu chí bắt buộc và nhóm tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng…
Theo đánh giá của Wincommerce, hiện có những tiêu chí đánh giá phù hợp với các doanh nghiệp bán hàng online, như vậy đối với các doanh nghiệp chủ yếu bán hàng trực tiếp có áp lực rất lớn khi thực hiện theo bộ tiêu chí này. Do đó, cần xem xét phân ra tiêu chí bắt buộc hay khuyến khích thực hiện để phù hợp với doanh nghiệp.
Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 3620/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025. Đề án giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng dựa trên những kế thừa và kết quả của “Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2018 - 2020”, đồng thời hướng đến các mục tiêu dài hạn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Đảng và Nhà nước đã đạt trong những năm vừa qua.
Đề án được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương tới địa phương, tổ chức xã hội và các đơn vị báo chí truyền thông khác…Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương được giao là đơn vị chủ trì.
Bình luận