Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), trong bối cảnh F0 tăng cao thời gian gần đây, các cơ quan chức năng nên tính toán tới việc không cách ly F1. Cơ quan chức năng nên hướng dẫn họ tự theo dõi sức khỏe và test COVID-19. Với F0, chuyên gia này cũng cho rằng không nên quá quan trọng việc cách ly khắc nghiệt với họ mà ngành y tế chỉ nên tập trung vào những ca nặng, có yếu tố nguy cơ chuyển nặng.
Thống kê của Sở Y tế TP.HCM tới ngày 22/2 cho thấy, trong các mẫu xét nghiệm giải trình tự gene, tỷ lệ ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron khoảng 75%. Biến chủng này lại có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 500% so với biến thể Delta. Vì thế, theo bác sĩ Phúc không có bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới có thể ngăn chặn được Omicron, chắc chắn số ca bệnh trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Tại Mỹ, tưởng rằng nước này qua được dịch COVID-19 nhờ các biện pháp phòng dịch và tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, nhưng từ khi biến chủng Omicron xâm nhập, số bệnh nhân tại đây lên tới hơn 800.000 ca nhiễm/ngày. Với dân số khoảng 300 triệu dân có thể thấy, số lượng ca bệnh sẽ rất lớn.
Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra là chuyện quản lý F0 sẽ rất khó khăn, chưa nói tới đối tượng là F1. Nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học cho thấy biến chủng Omicron dù lây lan nhanh nhưng bệnh nhẹ, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Đại đa số bệnh nhân khi nhiễm Omicron đều không triệu chứng.
Các quốc gia trên thế giới hiện nay dần gỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch. Nhiều nước không còn quá khắc nghiệt trong chuyện cách ly F0 nữa mà theo xu hướng tất cả F0 điều trị tại nhà, chỉ ca nặng mới tới viện. Thậm chí có quốc gia không quá quan trọng việc cách ly F0 tại nhà, ngay cả với F1 họ không yêu cầu cách ly mà cần tự theo dõi sức khỏe.
“Nếu F0, F1 tại Việt Nam tăng nhanh mà duy trì cách ly F1 như hiện nay thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ không còn người để làm việc tại các cơ quan, công sở. Theo tôi, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề cách ly F0 triệt để nữa. Thay vào đó, ngành y tế cần tập trung quản lý các trường hợp F0 bệnh nặng, hoặc có yếu tố nguy cơ chuyển nặng là được. Với F1 không nên cần thiết phải cách ly như trước”, BS Phúc nói.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng cho rằng cơ quan chức năng nên tập trung điều trị cho những F0 bệnh nặng, còn F1 thì không cần phải cách ly. “Quan trọng nhất là mỗi người cần nâng cao ý thức, dù là F0 hay F1 cũng nên tuân thủ 5K. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì việc thực hiện theo 5K rất quan trọng”, BS Khanh nói.
Về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ yếu tố làm cơ sở để tăng tính hợp lý cho đề xuất giảm thời gian cách ly của F0 và không cách ly F1. F1 là đối tượng tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh nên vẫn có yếu tố nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho người khác, dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng nên vẫn cần theo dõi tại nhà.
Hiện cũng chưa có cơ sở khoa học nào, thậm chí là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm của các nước khác cũng chưa đề cập tới việc không cách ly F0.
“Vừa qua, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tính toán để định nghĩa lại F1 và giảm thời gian cách ly cho F1. Hướng dẫn của Bộ cũng đã giảm thời gian cách ly, điều trị và nới lỏng hơn về quy định dỡ bỏ cách ly với F0. Tôi cho như vậy là hợp lý. Chúng ta đang áp dụng 5 hoặc 7 ngày mới dỡ bỏ cách ly như vậy là để có thêm thời gian sau khi F0 khỏi bệnh và âm tính sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của virus. Do đó, vấn đề không cách ly F1 và giảm thời gian cách ly F0 tại nhà vẫn cần phải có thời gian nghiên cứu thêm”, vị này nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được dỡ cách ly tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính SARS-CoV-2 (việc xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa).
Trong trường hợp sau 7 ngày, kết quả xét nghiệm còn dương tính thì người bệnh tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine. Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Trong khi đó, đối với F1, Bộ Y tế quy định, nếu F1 tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Trường hợp này thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5.
Nhân viên y tế thực hiện việc test hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp qua phương tiện từ xa). Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Nếu dương tính thì xử lý theo quy định.
Bình luận