• Zalo

Chuyên gia dự đoán động thái tiếp theo của giàn khoan Hải Dương 981

Thế giớiThứ Năm, 31/12/2015 12:59:00 +07:00Google News

Chuyên gia Việt Nam dự đoán về động thái tiếp theo của giàn khoan HD-981 sau khi được đưa xuống khu vực Biển Đông trong thời điểm cận kề năm mới 2106.

(VTC News) - Chuyên gia Việt Nam dự đoán về động thái tiếp theo của giàn khoan HD-981 sau khi được đưa xuống khu vực Biển Đông trong thời điểm cận kề năm mới 2106.

Ngày 29/12, trên trang web chính thức của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết: "Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28/12 đến 10/2/2016".

Mặc dù hoạt động ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tuy nhiên, với những gì chính quyền Trung Quốc đã làm với HD-981 trong năm 2014 và 2015, thông tin này gây ra không ít lo ngại.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc 
VTC News phỏng vấn PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học.

Chuyên gia này cho rằng: " Theo tôi, Trung Quốc sẽ cân nhắc rất kỹ động thái tiếp theo dành cho HD-981 khi đã đo được hiệu ứng của việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam".

- Giàn khoan HD-981 vào khu vực Biển Đông hoạt động trong thời điểm cận kề năm mới 2016, ông có nhận định gì về động thái này?


Thông tin này gây ra sự lo ngại rất lớn không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước trong khu vực. Thời điểm thông tin này xuất hiện cực kỳ nhạy cảm khi ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN chính thức tuyên bố thành lập.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyên bố xây dựng cộng đồng an ninh, chính trị của ASEAN.
PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Ảnh: Tùng Đinh
PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Ảnh: Tùng Đinh 
Bên cạnh đó, với Việt Nam, thông tin này xuất hiện trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, sự kiện có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển chúng ta không chỉ trong 5 năm tới mà còn là tương lai.

Điều này có thể khiến chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong ngoại giao cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp bị thách thức.

Ngoài ra, việc HD-981 được đưa xuống Biển Đông hoạt động được thông báo vào thời điểm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đang thăm chính thức Trung Quốc. Nó làm cho các tuyên bố, cam kết giữa 2 nước bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nói chung, đây là một thông tin đáng ngại có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị khu vực và quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.

- Liệu Trung Quốc có đưa HD-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của VN như năm 2014, 2015 hay không, thưa ông?

Nếu Bắc Kinh tiếp tục lặp lại những hành động như trong năm 2014 và giữa năm 2015 vừa qua, thì đó thực sự là một sự thách thức đối với luật pháp quốc tế. Điều đó cho thấy Trung Quốc không từ bỏ tham vọng dần dần độc chiếm Biển Đông.

Theo tôi, Trung Quốc sẽ cân nhắc rất kỹ động thái tiếp theo dành cho HD-981 khi đã đo được hiệu ứng của việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhận phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Vì vậy, khả năng Bắc Kinh sẽ không đưa HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Video diễn biến hoạt động của HD-981 năm 2014

Một nguyên nữa để Trung Quốc không lựa chọn đưa HD-981 vào sâu ở Biển Đông là sau khi giàn khoan này rút về, họ đã lựa chọn một chiến lược mới để hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông của mình.

Đó là chiến lược cải tạo, xây dựng trái phép những đá san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo có người sinh sống. Theo tôi, Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc cải tạo các điểm chiếm giữ trái phép của mình thay vì dùng HD-981 như năm 2014.

Tuy nhiên, vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng HD-981 sẽ được cho di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh lý do chính trị, có thể lý do kinh tế và tìm kiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ sẽ khiến Bắc Kinh làm điều đó.

- Mặc dù chưa xâm phạm lãnh thổ Việt Nam nhưng các cơ quan chức năng cho biết vẫn theo dõi chặt tình hình hoạt động của HD-981, theo ông chúng ta nên xử lý tình huống này như thế nào?

Chúng ta phải theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan này, thông qua các hình thức kỹ thuật, tình báo hay các nguồn của những quốc gia xung quanh. Chúng ta cần chia sẻ và xây dựng thông tin với những nước trong khu vực để có thêm dữ kiện nhằm nắm chắc từng bước đi của HD-981 trong thời gian tới.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh thông tin về vấn đề này. Đây chính là sức mạnh của chúng ta, từ đó tạo ra sự liên kết giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và nhà ngoại giao nhằm tăng cường khả năng đối phó với các tình huống tương tự trong thời gian tới.

Đại sứ quán Việt Nam trong các nước ở ASEAN cần có thêm tiếng nói, không chỉ đưa thông tin trong nước mà mở rộng ra cộng đồng khu vực và quốc tế hiểu được vấn đề.

Chúng ta cần tạo điều kiện thêm cho phóng viên quốc tế tác nghiệp trên các phương tiện hàng hải của Việt Nam ở Biển Đông.

Giàn khoan HD-981

Hải Dương 981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114 m, chiều rộng 90 m, chiều cao 137 m và khối lượng 31.000 tấn. Diện tích mặt sàn của nó bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn.

Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vùng biển gần đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc thậm chí còn điều hàng chục tàu Hải giám, Hải cảnh và cả tuần dương hạm tên lửa đến để bảo vệ giàn khoan. Tàu công vụ và tàu cá giả dạng của Trung Quốc nhiều lần hung hăng đâm va tàu công vụ Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Việc làm của Trung Quốc bị nhiều nước lên án, sau 75 ngày hạ đặt trái phép, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan về.

Tùng Đinh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn