Chủ quan, dịch sẽ bùng phát
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, nước ta đang bước vào giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội để phát triển kinh tế trong điều kiện, tình hình mới.
Có nghĩa là chúng ta tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và đề phòng nguy cơ có thể xảy ra.
Thời gian qua, nhiều người suy nghĩ chủ quan, buông lỏng phòng dịch, nghĩ rằng đã hết dịch. "Điều này hết sức nguy hiểm", ông Phu nói.
Tuy Việt Nam trải qua 62 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng mối nguy về dịch bệnh vẫn còn đó. Minh chứng là có rất nhiều quốc gia dù trước đó chống dịch rất tốt, nhưng gần đây lại có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Đó là bài học mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.
“Bài học ở Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn đang hiện hữu. Những ngày qua, ở đây liên tục ghi nhận những ca mắc mới. Nguy hiểm hơn có những bệnh nhân được xác định dương tính với nCoV tiếp xúc với rất nhiều người.
Việt Nam càng phải cảnh giác. Đặc biệt là người dân, không nên có tâm lý chủ quan. Phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trong tình hình mới không có nghĩa là hết dịch, là yên tâm không cần thực hiện biện pháp phòng chống”, ông Phu nhấn mạnh.
Song song với việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân vẫn cần phải thực hiện thật tốt những việc sau: Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người để giảm thiểu nguy cơ; khử khuẩn nơi ở, nơi làm việc; thực hiện tốt việc khai báo y tế và ngăn chặn những ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào…
"Ví dụ như đi xe bus, taxi, siêu thị chúng ta vẫn được khuyến cáo là đeo khẩu trang, nhưng rất nhiều người không thực hiện việc này. Việc tự ý bỏ thực hiện những khuyến cáo về phòng chống dịch như vậy rất đáng lo ngại.
Chỉ cần để lọt 1 ca bệnh là rất nguy hiểm. Chúng ta đang từng bước giảm dần giãn cách, nhưng không có nghĩa là xóa bỏ các biện pháp phòng dịch. Do vậy, không có cách nào khác là chính chúng ta phải tự có ý thức về việc phòng chống dịch bệnh”, ông Phu cảnh báo.
Chuyên gia này cũng cho rằng, ngoài việc thực hiện các biện nêu trên, công tác kiểm soát bệnh tật tại nước ta vẫn cần phải đặt trong tình thế sẵn sàng. Nghĩa là phát hiện sớm ca bệnh (nếu có), cách ly ngay, sau đó rà soát, khoanh vùng để hạn chế người tiếp xúc, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
“Nguy cơ bùng phát dịch hoàn toàn có thể quay trở lại. Nước ta cũng vậy, nếu lơ là thì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh thôi, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”, ông Phu nhấn mạnh.
Chưa nên tái mở cửa thương mại, du lịch
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam chưa nên tái mở cửa thương mại và du lịch. Thay vào đó, nước ta chỉ nên cho các chuyên gia, lao động lành nghề, người nước ngoài vào công tác và làm việc.
Tuy nhiên, tất cả những người này nhập cảnh vào Việt Nam cần thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh như: tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát, khử khuẩn, xét nghiệm, khai báo y tế…
"Tôi nghĩ là chưa nên tái mở cửa du lịch. Còn với các chuyến bay thương mại, chúng ta chỉ nên mở đối với những quốc gia được cho là “an toàn” với dịch. Đồng thời, du khách cũng đều biết rằng khi đã nhập cảnh vào nước ta là phải tuân thủ theo luật. Nghĩa là khai báo y tế chính xác, cần thiết thì phải cách ly đủ 14 ngày, giữ khoảng cách tiếp xúc hay đeo khẩu trang khi đến nơi đông người…”, ông Phu nói.
Các chuyên gia đến Việt Nam công tác, làm việc cần thiết phải tổ chức lưu trú tại những nơi riêng biệt. Khi họp hành vẫn phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m. Ngoài ra, những chuyên gia này cũng cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, xét nghiệm ngày 2 lần để phát hiện kịp thời ca bệnh.
“Thời gian vừa qua chúng ta làm rất tốt việc kiểm soát các ca bệnh xâm nhập. Minh chứng là hơn 2 tháng Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các ca bệnh bên ngoài vào cũng được phát hiện sớm và cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Nhưng không vì thế mà mọi người có tâm lý chủ quan.
Chúng ta đã xây được hàng rào phòng chống dịch vững chắc, nhưng cũng phải chú ý “be bờ sao cho chặt”. Có như vậy, mới bảo vệ được thành quả”, ông Phu nói.
Bình luận