• Zalo

Chuyên gia: COVID-19 góp phần đẩy nhanh cuộc chiến 'sống còn' của ngân hàng

Tài chínhThứ Tư, 20/01/2021 06:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng số hóa là xu thế tất yếu, là cuộc chiến "sống còn" của ngành ngân hàng và COVID-19 đã góp phần cộng hưởng, đẩy nhanh quá trình này.

Chia sẻ với PV trước thềm Hội thảoNgân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc do báo điện tử VTC News tổ chức ngày 21/1, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, số hóa là xu thế tất yếu trong ngành ngân hàng thời đại ngày nay. Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Trong xu thế số hóa mạnh mẽ đó, phát triển ngân hàng số dường như là con đường tất yếu phải đi của các ngân hàng Việt Nam, là cuộc đua không có điểm dừng, thậm chí là cuộc chiến "sống còn" nếu không muốn thất bại.

Chuyên gia: COVID-19 góp phần đẩy nhanh cuộc chiến 'sống còn' của ngân hàng - 1

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính).

Việc áp dụng công nghệ số hóa vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng là bước đột phá đặc biệt, giúp người dùng có thể trải nghiệm các dịch vụ tài chính một cách tiện lợi nhất có thể. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là xu hướng tất yếu cung cấp đa dạng dịch vụ, tiện ích phục vụ nhu cầu giao dịch, đầu tư và trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày cho người dùng.

“Trước sự phát triển của việc ứng dụng công nghệ số, cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ có yếu tố công nghệ ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ ưa chuộng công nghệ, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng trong môi trường cạnh tranh sâu sắc hiện nay. Và COVID-19 là yếu tố cộng hưởng đẩy nhanh quá trình này”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Không nằm ngoài xu thế chung trên toàn cầu, hiện nay tất cả các ngân hàng Việt Nam đều đã và đang bắt tay vào xây dựng nền tảng số, tạo bệ phóng tiến đến mô hình ngân hàng số toàn diện.

Việc chuyển đổi mô hình truyền thống sang ngân hàng số là tất yếu trong hoạt động của ngân hàng để đáp ứng và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Xu hướng này càng được củng cố hơn khi đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm về mức 10% vào cuối năm 2020.

Do đó, trong những năm gần đây, thanh toán điện tử được đẩy mạnh, tạo nên làn sóng thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Xu hướng hiện nay là sẽ có các mô hình kinh doanh mới thay thế cho các mô hình kinh doanh truyền thống.

Theo ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Đó cũng là xu thế diễn ra trên thế giới và sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Tuy vậy, khi triển khai ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, tập trung vào các khía cạnh: Thách thức thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thiếu các chính sách và quy định pháp luật hỗ trợ, có quá nhiều ưu tiên chồng chéo, dễ gặp rủi ro an ninh mạng… và đặc biệt là thiếu lao động có kỹ năng.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và ngân hàng số lên một tầm cao mới. Tuy vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cần phải có giải pháp của cả hai phía là cơ quan quản lý và ngân hàng”, ông Long nhấn mạnh.

Hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc” sẽ ghi nhận những ý kiến tham luận đa chiều, nhằm tạo không gian hội tụ giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị chức năng, giới chuyên gia, các ngân hàng và doanh nghiệp cung cấp hạ tầng, giải pháp trong chuyển đổi số.

Chỉ ra những thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng, cùng nhìn nhận những thách thức, từ đó hiến kế các giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đáp ứng mục tiêu: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Giúp cơ quan quản lý Nhà nước định hướng chính sách nhằm tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật cho ngành Ngân hàng.

Giúp người tiêu dùng nhìn nhận đúng đắn về sự tiện ích khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Công cuộc chuyển đổi số  tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, theo Ngân hàng nhà nước, hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chính của nhiều ngân hàng thương mại trong nước và đã có nhiều ngân hàng xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển thời gian qua.

Điển hình như đầu năm 2017, TPBank cho ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank. Đầu năm 2018, OCB ra mắt ứng dụng OCB Omni; Nam A Bank trình làng Robot OPBA và gần nhất là áp dụng phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC); Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến…

Ngày 6/12/2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức lễ khai trương Trung tâm Ngân hàng số BIDV (Digital Banking Center).

Ngày 16/07/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn