Tuần qua, một loạt công ty đã ủng hộ chiến dịch #StopHateForProfit, cam kết tạm dừng quảng cáo trên Facebook, để yêu cầu công ty này tăng cường nỗ lực chống lại phát ngôn và thông tin thù ghét.
Các công ty lớn như Verizon, Unilever, Coca-Cola, Honda và mới nhất là Starbucks cho biết sẽ tham gia chiến dịch.
Tuy nhiên với quy mô của Facebook, sẽ cần rất nhiều sự tham gia của các công ty khác để tạo ra hiệu ứng đáng kể.
Chiến dịch tẩy chay sẽ lan rộng
Trong một phân tích của Bank of America, các chuyên gia lưu ý rằng sự tham gia của Verizon có khả năng ảnh hưởng đến các nhà quảng cáo khác.
Các nhà phân tích cho biết tác động của chiến dịch tẩy chay này "có thể không đáng kể cho lắm" vì Facebook có quá nhiều nhà quảng cáo. Tuy nhiên nếu "những người có ảnh hưởng quan trọng" trong các lĩnh vực lớn cùng tham gia, hiệu ứng "tích tiểu thành đại" là có thể xảy ra.
Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu Bernstein cho rằng, chiến dịch lần này khác với chiến dịch #delelefacebook của năm 2018 sau vụ bê bối Cambridge Analytica. "Môi trường hiện tại rất khác. Có thể thấy rõ ai là người đang tham gia vào cuộc tẩy chay mà trong đó thương hiệu nào im lặng đồng nghĩa với việc đồng lõa."
Theo đó, giới phân tích dự đoán các thương hiệu sẽ tẩy chay cả nền tảng Facebook và Twitter và mở rộng tẩy chay đến sau tháng 7, thậm chí Google cũng có thể bị tẩy chay.
Dự đoán được chứng minh là có cơ sở khi Coca-Cola cho biết sẽ tạm dừng quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội trên toàn cầu.
"Nhiều thương hiệu khác sẽ làm theo, và nếu không có gì thay đổi, không lẽ họ lại bật quảng cáo trở lại vào tháng 8? Đó sẽ là một sự giả tạo. Nhưng điều đó cũng cho thấy sẽ có rất nhiều nhà quảng cáo có thể hướng đến những nền tảng quảng cáo khác rẻ hơn", phân tích nêu rõ.
Như vậy, biến cố cũng có thể mang đến lợi ích cho những nền tảng khác. "Trong khi nhiều thương hiệu lên kế hoạch rút lại hoàn toàn mọi chi tiêu (quảng cáo) với tình hình hiện tại, một phần trong số đó có thể tái phân bổ khoản họ định dùng cho Facebook cho Snapchat, Pinterest, Amazon, Walmart, v.v."
Theo phân tích, Mark Zuckerberg tỏ ra kiên định với lập trường của mình, nhưng nếu có đủ thương hiệu tham gia, CEO Facebook có thể bắt đầu xem xét lại quan điểm.
Tuy nhiên, nếu Facebook đứng vững, một kịch bản khác cũng có thể xảy ra là các nhà quảng cáo cảm thấy cần phải quay lại khi không đạt mục tiêu doanh thu.
Doanh nghiệp rời bỏ hẳn Facebook?
Cho đến nay, nhiều nhà quảng cáo vẫn chưa hài lòng với phản ứng của Facebook.
Goodby, Silverstein & Partners, một công ty quảng cáo lớn thuộc Tập đoàn Omnicom, cho biết họ tham gia chiến dịch và cam kết không đăng tải nội dung trên trang Facebook của mình.
"Tôi là một trong những người cảm thấy mất niềm tin", Chủ tịch Jeff Goodby của công ty nói. "Tôi không chắc họ (Facebook) sẽ làm gì. Tôi lạc quan rằng họ sẽ lắng nghe và làm điều gì đó, nhưng theo kinh nghiệm thì có lẽ không."
"Trong ngành, chúng tôi nói chuyện với họ mọi lúc về vấn đề này. Bạn không thể yêu cầu các nhà quảng cáo đầu tư vào một thứ với nội dung đến từ khắp mọi nơi mà không có đảm bảo nào rằng chúng sẽ an toàn cho chúng tôi. Không có sự đảm bảo nào. Facebook thậm chí không chú ý đến các quy tắc của chính họ".
Goodby dự đoán phong trào sẽ lan rộng hơn. Theo ông, trong số khách hàng của ông chưa có ai tham gia vào chiến dịch nhưng họ sẽ cho khách hàng biết một cách không chính thức về ý định tham gia của mình và "sẽ rất tuyệt vời nếu họ tham gia với chúng tôi".
"Tôi cũng nghe một số thương hiệu lớn nói họ đang suy nghĩ về điều này".
Barry Lowenthal, CEO của The Media Kitchen, cho biết mặc dù Facebook đã hứa đầu tư số tiền lớn để giải quyết các vấn đề, nhưng mọi chuyện vẫn tiếp tục.
"Có vẻ như không có gì thay đổi. Thông tin sai lệch và nội dung độc hại đang lan truyền trên Facebook và sự chia rẽ ở đất nước này tiếp tục gia tăng... đưa ra cho tôi một kế hoạch 15 gạch đầu dòng cũng không có tác dụng gì khi dường như không có gì thay đổi cả", Lowenthal nói.
Lowenthal cũng tự hỏi nếu các nhà quảng cáo cảm thấy đủ mạnh mẽ về việc rời Facebook, lý do gì có thể khiến họ quay lại ngay sau đó? Ông nói rằng một động thái có ý nghĩa hơn sẽ là tìm các kênh thay thế để chuyển chi tiêu quảng cáo vào.
David Jones, thành viên sáng lập của hội đồng khách hàng Facebook, cho biết ông không cảm thấy Facebook đang phớt lờ các nhà quảng cáo. "Nhưng quan trọng là họ có thực sự hành động không, và quy mô của hành động đó là như thế nào? Có rất nhiều điều bạn có thể làm để giải quyết vấn đề này. Sẽ tốn tiền."
Ông cho biết công ty nên đưa ra một kế hoạch toàn diện để giải quyết những chỉ trích hoặc có nguy cơ thiệt hại. “Không có nền tảng công nghệ lớn nào có thể tiếp tục là nền tảng công nghệ lớn sau một thập kỷ”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làn sóng tẩy chay này sẽ rất khó, bởi hiện tại sau đại dịch COVID-19 sức khoẻ các doanh nghiệp còn đang rất yếu, thời điểm này rất cần sống lại. Trong khi đó, nếu từ bỏ nền tảng Facebook sẽ rất khó để đẩy mạnh doanh số vì đây là kênh truyền thông, quảng bá rất hiệu quả và sức lan truyền cao”.
Ông Phong nhận định, môi trường Facebook tại Việt Nam khá lành và lượng người sử dụng rất lớn. Nếu bỏ qua kênh quảng bá này sẽ là sự thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Cùng chung nhận định, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc các doanh nghiệp phản đối khi nội dung quảng cáo của mình bị gắn với các nội dung không lành mạnh, thiếu thiện chí và minh bạch trên Facebook là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên vị chuyên này cũng nhận định việc tẩy chay quảng cáo trên Facebook sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp nước ngoài lẫn Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định việc tẩy chay hay không còn phụ thuộc vào điều kiện địa lý, văn hoá cũng như sức khoẻ của các doanh nghiệp. Nhưng có một nhận định chung đây là nền tảng tương đối tốt khi quảng cáo đánh thẳng vào đối tượng khách hàng tiềm năng và tương tác trực tiếp với sản phẩm. Ngoài ra, kênh quảng cáo này cũng đo được mức độ tương tác, sự quan tâm của người dùng.
Bình luận