Theo Reuters, vụ kiện được Tòa án Phúc thẩm Liên bang Mỹ tại San Francisco phục hồi sau khi Edward Davila, thẩm phán Tòa án quận Mỹ ở San Jose, California bác bỏ năm 2017. Khi đó, Davila cho rằng dựa trên Đạo luật Wiretap (đạo luật về quyền riêng tư), phía nguyên đơn đã "thiếu các căn cứ pháp lý để đòi các bồi thường kinh tế".
Tuy nhiên, trong phán quyết hôm 9/4, Chánh án Sidney Thomas của Tòa án Phúc thẩm số 9 tại San Francisco cho biết người dùng "có quyền khiếu nại nếu bị xâm phạm về quyền riêng tư rõ ràng". Hội đồng xét xử cũng cho biết, luật California không cho phép bất kỳ ai thu lợi nhuận bất chính dựa trên quyền riêng tư.
Cách đây ba năm, một đơn kiện tập thể được gửi lên Tòa án quận Mỹ ở San Jose, cáo buộc Facebook âm thầm lưu trữ cookie trên các trình duyệt và theo dõi trái phép người dùng truy cập website khác, kể cả khi người đó đăng xuất khỏi mạng xã hội.
Theo đơn kiện, dữ liệu có được, chủ yếu là hồ sơ cá nhân dựa trên lịch sử duyệt web đã bị bán cho cho các nhà quảng cáo. Đơn kiện nhấn mạnh những dữ liệu này rò rỉ ra ngoài gây tổn hại nghiêm trọng đến người dùng, bởi bên trong chứa nhiều thông tin như sở thích, thói quen cũng như những thứ riêng tư không được chia sẻ khác.
Phản hồi sau đó, phát ngôn viên Facebook cho biết việc phục hồi vụ kiện là "không công bằng", đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình.
Facebook nhiều lần bị khởi kiện vì vi phạm quyền riêng tư. Năm 2018, công ty Mỹ đã bị ba người dùng cáo buộc thu thập dữ liệu cuộc gọi, tin nhắn trái phép. Gần đây, mạng xã hội này cũng chấp nhận nộp phạt 550 triệu USD vì tính năng tự nhận diện khuôn mặt để gắn thẻ (tag) tự động mà chưa có sự cho phép.
Bình luận