• Zalo

Chuyên gia chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất 25 năm quan hệ Việt - Mỹ

Tư liệuChủ Nhật, 12/07/2020 11:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, điểm nhấn quan trọng nhất là việc Việt - Mỹ cùng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, vì lợi ích của hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (11/7/1995-11/7/2020), trả lời VTC News, TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, quan hệ Việt – Mỹ sau 25 năm thiết lập đã đạt được những bước tiến vượt bậc.

Thành quả đó xuất phát sự nỗ lực bền bỉ, sự quyết tâm cao của cả hai phía. Bên cạnh đó với vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao, Mỹ muốn tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam, trở thành một trụ cột của ASEAN.

Chuyên gia chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất 25 năm quan hệ Việt - Mỹ - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump gặp mặt tại Hà Nội năm 2019. (Ảnh: Reuters)

- Quan hệ Việt - Mỹ trải qua nhiều thăng trầm trong thời gian qua. Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất trong quan hệ hai nước?

Năm 2020, chúng ta kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Chặng đường 25 năm không phải là khoảng thời gian quá ngắn, nhưng cũng không phải quá dài để có thể nói hết được mọi khía cạnh của cặp quan hệ quan trọng này. Nhưng đúng là quan hệ Việt - Mỹ trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Từng là “cựu thù” của nhau, từng trải qua nhiều mất mát, đau thương nhưng giờ đây cả hai đều là những người bạn, thậm chí là đối tác quan trọng của nhau ở khu vực và trên thế giới. Với tôi, điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là việc hai nước chúng ta cùng “gác lại quá khứ” để “hướng tới tương lai”, vì lợi ích của cả hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Điều thứ hai, đó là quan hệ hai nước hiện nay được thúc đẩy cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tại thời điểm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước năm 1995, kim ngạch thương mại hai nước đạt 450 triệu USD, thì đến năm 2018 con số này là 60 tỷ USD (gấp 133 lần) và năm 2019 đạt 75 tỷ USD (gấp 166 lần).

Mỹ hiện cũng là nhà đầu tư tiềm năng của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Mỹ đã đầu tư vào 17/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống với 17 dự án, vốn đăng ký xấp xỉ 4,68 tỷ USD, chiếm 42,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo với 323 dự án, vốn đăng ký 2,24 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký, còn lại là ngành nghề khác.

- Từ “cựu thù” cho đến quan hệ phát triển vượt bậc là cả một chặng đường dài với rất nhiều nỗ lực của hai bên, thưa ông?

Đúng là cả một chặng đường dài để quan hệ Việt - Mỹ có được những thành quả như ngày hôm nay. Kết quả đó là cả một sự nỗ lực bền bỉ, sự quyết tâm cao của cả hai phía muốn khép lại một chương đau buồn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Nó còn là sự đóng góp của của các thế hệ lãnh đạo, các tổ chức và cá nhân từ cả hai bên.

Đối với Mỹ, không thể không nói tới sự ủng hộ nhiệt thành từ phía những người dân Mỹ, những con người yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh và luôn ủng hộ cho sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ.

Cũng không thể không nhắc tới sự ủng hộ của các cựu chiến binh, những người muốn xóa bỏ ký ức đau thương, để vun đắp cho quan hệ phát triển như ngày hôm nay. Trong đó phải kể đến John McCain, John Kerry, Patrick Leahy, Pete Peterson, Chuck Hagel…

Ngoài ra, còn có sự ủng hộ rất lớn của các đời Tổng thống Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Chuyên gia chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất 25 năm quan hệ Việt - Mỹ - 2

anh chuyen gia 2.jpg

Việt Nam có sự ổn định về chính trị, có tiếng nói và uy tín trong các diễn đàn khu vực. Do đó Mỹ muốn thúc đẩy phát triển quan hệ với Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường

Về phía Việt Nam, các thế hệ các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng vun đắp cho quan hệ Việt - Mỹ phát triển và đạt được nhiều thành tựu như ngày hôm nay.

Trong đó phải kể tới cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Đại tướng Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

- Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai”, Việt Nam và Mỹ đã chung tay xây dựng quan hệ song phương, tạo ra bước phát triển kỳ diệu như ngày hôm nay. Thành quả đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thưa ông?

Thứ nhất, theo tôi thành quả đó xuất phát từ việc chúng ta thực hiện tốt chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta liên tiếp đề ra và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Những chủ trương như vậy đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ.

Điểm thứ hai, tôi cho rằng có sự đóng góp rất lớn của các nhà lãnh đạo trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013 và được Tổng thống Barack Obama đón tiếp tại Nhà Trắng, hai nước đã nâng quan hệ lên thành “Đối tác toàn diện”. Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng giữa hai nước.

Chưa hết, chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7/2015 càng thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ.

Trong buổi làm việc Tổng thống Barack Obama, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

- Có ý kiến cho rằng, Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ vai trò địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

Theo tôi, việc Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thay đổi tư duy từ người lãnh đạo nước Mỹ; sự thay đổi của tình hình thế giới và khu vực; và sự điều chỉnh chiến sách đối ngoại cũng như chiến lược của Mỹ đối với các khu vực trên thế giới.

Và trên hết, đó là sự xuất phát từ đòi hỏi trong nội tại của nước Mỹ khi chủ trương của Tổng thống Donald Trump muốn khôi phục “nước Mỹ vĩ đại trở lại” hay “nước Mỹ trên hết”. Với mục tiêu như vậy, Mỹ muốn triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” với ba trụ cột chính là: An ninh, kinh tế và quản trị.

Video: Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt

Trên bình diện quốc gia, tự do ở đây có hàm ý rằng, các quốc gia không bị ép buộc trong việc theo đuổi chủ quyền của mình bằng những cách khác nhau; tự do trong việc thực hiện quản trị tốt, minh bạch và chống tham nhũng.

Trong khi đó, rộng mở là nhấn mạnh tới việc mở cửa các tuyến giao thông đường biển, hàng hải, hàng không, hậu cần - cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Ấn Độ khi nước này đóng vai trò ngày càng quan trọng ở Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á.

Với một tầm nhìn chiến lược như vậy, hiển nhiên Việt Nam có một vai trò đáng kể trong chiến lược này. Bởi Việt Nam có một vị trí địa chiến lược đặc biệt nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng nằm trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất của thế giới, đồng thời trên tuyến đường dịch chuyển của lực lượng quân sự Mỹ từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Việc Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam không chỉ diễn ra dưới thời điểm hiện nay mà từ các thời kỳ trước. Một trong những lý do, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, môi trường chính trị ổn định, có vị thế địa chiến lược. Việc thúc đẩy quan hệ song phương là do cả hai nước tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, cùng có lợi và đóng góp và hòa bình, phát triển và thịnh vượng của cả khu vực.

- Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ rất chú trọng đến thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, phải chăng cách nhìn của Mỹ đối với vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực nay đã khác?

Thực ra không phải tới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ mới chú trọng việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Thời kỳ trước cũng thế nhưng cách thức và mức độ ưu tiên có khác nhau. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa chiến lược.

Đồng thời, môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam khá ổn định, đặc biệt nếu ta so sánh với các quốc gia khác trong khối ASEAN. Sự thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, hội nhập khu vực cũng như là một thị trường tiềm năng của Mỹ.

Tiếp đến tôi cho rằng, vị thế của Việt Nam ở trong khu vực và quốc tế càng ngày đóng vai trò nổi bật. Uy tín, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng có trọng lượng. Mỹ cần sự ủng hộ của Việt Nam trong các diễn đàn ở khu vực và quốc tế, như trong ASEAN, ARF, EAS…Mỹ có nhiều lợi ích tại khu vực.

Do đó, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, tăng cường sự can dự và tiếng nói của Mỹ đối với các vấn đề khu vực, nhất là sau khi Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

- Quan điểm của ông về nhận định: Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam mục đích chính là để kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực Đông Nam Á?

Tôi không cho là như vậy. Bởi việc Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nằm ở tầm xa hơn chứ không chỉ là kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của một quốc gia nào đấy. Mục tiêu của Mỹ đối với Việt Nam (và cũng giống như nhiều quốc gia ASEAN khác) đó là mong muốn Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.

Sự thịnh vượng của các quốc gia ASEAN cũng như của toàn bộ khu vực Đông Nam Á là nằm trong lợi ích của Mỹ. Và Mỹ không hề muốn khu vực này bất ổn, từ đó làm nảy sinh nhiều vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, đe dọa tới lợi ích của Mỹ. Đông Nam Á là một thị trường 600 triệu dân rất tiềm năng của Mỹ.

Tiếp đến, tôi cho rằng Mỹ và Việt Nam đã có cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Chính vì vậy, Mỹ tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam và quyền tự quyết của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam đã và đang duy trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 cũng đã thể hiện rõ chủ trương của Việt Nam. Đó là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việc Mỹ thúc đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam một phần là do bối cảnh chính trị hiện này cũng như thực trạng quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia ASEAN khác. Chúng ta thấy Philippines và Thái Lan là những đồng minh chủ chốt của Mỹ ngoài khối NATO. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Philippines trong thời gian qua có nhiều trắc trở.

Tương tự, quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan cũng có nhiều hạn chế do tình trình chính trị Thái Lan có nhiều biến động, nhất là liên tiếp xảy ra các cuộc đảo chính trong thập niên qua.

Chuyên gia chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất 25 năm quan hệ Việt - Mỹ - 3

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Singapore là quốc gia có quan hệ rất tốt với Mỹ, thậm chí còn được coi là “đồng minh tự nhiên” của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, là một quốc gia ít tài nguyên thiên nhiên, quy mô diện tích và dân số nhỏ là những hạn chế của quốc đảo này.

Quan hệ Mỹ với Malaysia, Indonesia cũng trải qua nhiều thăng trầm.

Như vậy, trong ASEAN chỉ có Việt Nam là có sự ổn định về chính trị, có tiếng nói và uy tín trong các diễn đàn khu vực. Do đó Mỹ muốn thúc đẩy phát triển quan hệ với Việt Nam thành một trụ cột của ASEAN.

- Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại ở Biển Đông ngày càng mạnh mẽ trong thời gian qua, trong đó tàu sân bay của Mỹ đã 2 lần ghé thăm cảng của Việt Nam trong 3 năm qua. Hợp tác quốc phòng sẽ là lĩnh vực ưu tiên của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi quan hệ an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được những kết quả nhất định. Kể từ chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà vào năm 2003, đến nay hai bên đã chứng kiến nhiều chuyến thăm lẫn nhau.

Năm 2005, Mỹ chính thức thiếp lập chương trình Huấn luyện và Giáo dục quân sự quốc tế (IMET) cho Việt Nam. Tới năm 2008, Việt Nam và Mỹ bắt đầu tiến hành Đối thoại về chính trị, an ninh, quốc phòng (PSDD) ở cấp Thứ trưởng và tới năm 2011 hai bên cùng ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.

Tháng 10/2013, Việt Nam và Mỹ đã ký “Thỏa thuận hợp tác về bờ biển”. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng hải, an ninh biển, dịch vụ sửa chữa hậu cần tại cảng biển...

Năm 2015, hai bên lại tiếp tục ra “Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” với 5 nội dung quan trọng: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của LHQ; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.

Tới tháng 5/2016, Mỹ chính thức tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ của chương trình bán vũ khí cho nước ngoài (FMS), Việt Nam xin mua các thiết bị máy bay trực thăng, máy bay trinh sát, tàu tuần duyên và các hệ thống radar. Phía Việt Nam cũng quan tâm tới việc mua các máy bay F-16 và máy bay tuần tra biển P-3C từ phía Mỹ.

Tiếp đến, ngày 25/5/2017, Mỹ tiếp tục bàn giao tàu tuần duyên USCGC Morgenthau (WHEC-722) cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Chiếc tàu tuần tra thứ hai John Midgett cũng sắp được bàn giao cho phía Việt Nam. Hiện nay, Mỹ chỉ còn lại 2 trong tổng số 12 tàu tuần tra lớp Hamilton là Douglas Munro (WHEC 724) và Mellon (WHEC 717).

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trụ cột an ninh vẫn là quan trọng đối với Mỹ. Với chủ trương đó, Mỹ muốn thúc đẩy mạnh quan hệ an ninh với Việt Nam.

Trong khuôn khổ của Sáng kiến an ninh hàng hải (MSI), Mỹ đã bán 5 máy bay trinh sát Scan Eagle cho Việt Nam có trị giá 9,7 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn được mời tham gia các cuộc tập trận lớn RIMPAC hay diễn tập an ninh hàng hải SEACAT do Mỹ đứng đầu phối hợp với các nước trên thế giới. Mỹ cũng đồng thời thực hiện việc đào tạo huấn luyện phi công cho Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, so với các quốc gia khác trong khu vực, hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ mới chỉ ở giai đoạn đoạn đầu. Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ chắc chắn sẽ còn phát triển.

Với tư duy an ninh, đặc biệt coi an ninh là trụ cột quan trọng trong chiến lược của mình, việc hợp tác quốc phòng giữa hai bên như thế nào mới là điều quan trọng. Cần cân nhắc với hợp tác kinh tế để tạo một sự hài hòa trong tổng thể hợp tác giữa hai quốc gia, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực.

Video: Tàu sân bay Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

- Gần đây, Mỹ bày tỏ quan điểm rất rõ ràng về vấn đề Biển Đông, lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam và các nước khu vực. Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ cả về ngoại giao và quân sự trước các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông?

Tôi cho rằng vấn đề Biển Đông hiện nay không đơn thuần là vấn đề của một quốc gia mà nó liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia và sự ổn định của toàn bộ khu vực. Việc Nam ủng hộ chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa và sử dụng đe dọa vũ lực để giải quyết. Tuân thủ thực hiện Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để giải quyết các tranh chấp bất đồng tại Biển Đông.

Việc Mỹ lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc đang được thực thi (DOC) hay các quan điểm của Mỹ tại Biển Đông đó là: Mỹ coi Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia; nguyên tắc trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông; nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép; tôn trọng nguyên tắc dự do hàng hải.

Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì trật tự tại Biển Đông. Thực tế, trong một thời gian khá dài, Mỹ đã có ý định xây dựng một Chiến lược quốc gia về Biển Đông (NSSCS). Đây cũng là ý kiến của nhiều các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nêu ra với quan điểm cho rằng, một chiến lược như vậy là hoàn toàn cần thiết để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang ra sức mở rộng ảnh hưởng của mình tại Biển Đông.

Chuyên gia chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất 25 năm quan hệ Việt - Mỹ - 4

Lễ đón tiếp tàu sân bay Mỹ cập cảng Đà Nẵng.

Việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền quá mức tại Biển Đông khẳng định chủ quyền của mình với “đường 9 đoạn”, dùng các biện pháp “cưỡng ép” với các bên tranh chấp thông qua việc thường xuyên va chạm với các tàu bè qua lại, trong đó có các tàu chiến của Mỹ; đe dọa tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông; tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông đã khiến không chỉ Mỹ và các quốc gia láng giềng lo ngại.

- Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cần làm gì để tăng cường quan hệ Việt - Mỹ nói riêng và thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ nói chung trong thời gian tới?

Trước hết, để phát triển quan hệ với Mỹ cần phải tiếp tục và củng cố hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ. Hiện nay, quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là khi hai nước đã duy trì quan hệ Đối tác toàn diện từ năm 2013. Về mặt thương mại, cần phải thúc đẩy hợp tác hơn nữa để tăng cường kim ngạch thương mại song phương, nhất là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Tuy nhiên, cần phải có biện pháp để giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ nhằm tạo ra một sự cân bằng. Theo đó, hai nước cần tiếp tới đàm phán một Hiệp định thương mại Tự do song phương (FTA) thế hệ mới giữa hai quốc gia, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được cùng với các thỏa thuận đã ký kết trước đây.

Việt Nam là quốc gia đang thiếu vốn để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo số liệu của Bộ kế hoạch và Đầu tư, đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng trong giai đoạn 2011-2015 là 12,6 tỷ USD; giai đoạn 2016-2020 là 25 tỷ USD/năm. Uớc tính giai đoạn 2016-2020 ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 6,6 tỷ USD cho nhu cầu này. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam là 605 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2040.

Chính vì vậy, việc thu hút vốn FDI của các nhà đầu tư Mỹ là rất cần thiết khi mỗi năm FDI của Mỹ đầu ra nước ngoài là khoảng 300 tỷ. Năm 2018 vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã vượt qua 9 tỷ USD và con số này là rất khiêm tốn. Nên tập trung vào các dự án công nghệ cao, năng lượng, du lịch, sản xuất máy móc, vận tải, cảng biển… vốn tạo giá trị cao cho sự phát triển của Việt Nam.

Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào quá trình xây dựng, củng cố và phát triển của ASEAN. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam cần ủng hộ sự tham gia của Mỹ vào các cơ chế hợp tác của ASEAN, thúc đẩy các cơ chế đối thoại của Mỹ tham gia như ARF, ADMM+, EAS và các cơ chế khác.

Ngoài ra, cần tạo sự đồng thuận, với sự tham gia của Mỹ và các cơ chế hợp tác, đặc biệt là cơ chế đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN; chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác có sự tham gia của Mỹ để thúc đẩy lợi ích của cả Mỹ và Việt Nam tại khu vực.

- Xin cảm ơn ông!

Kông Anh(Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn