• Zalo

Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Hóa giải 'những cái đầu nóng' coi Mỹ là kẻ thù chiến lược ra sao?

Thế giớiThứ Sáu, 10/07/2015 04:17:00 +07:00Google News

Nhà báo Lê Thọ Bình kể về hành trình gian nan của các nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Lê Maithời kỳ xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

(VTC News) - Được cử theo dõi mảng quan hệ Việt-Mỹ thời kỳ xúc tiến bình thường hóa của báo Quân đội Nhân dân, nhà báo Lê Thọ Bình kể về hành trình gian nan của các nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Lê Mai.

20 năm trước, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với nền ngoại giao Việt Nam nói chung và quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ nói riêng. Để có được kết quả có tính bước ngoặt này cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đã những nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên có những thời điểm mà đáng ra hai bên đã có thể làm tốt hơn rất nhiều.

Nhà báo kỳ cựu Lê Thọ Bình, người từng công tác tại báo Quân đội Nhân dân, được phân công theo dõi mảng quan hệ Việt - Mỹ thời kỳ xúc tiến bình thường hóa quan hệ kể về hành trình gian truân, cam go của các nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Bộ trưởng Ngoại giao) và Lê Mai (Thứ trưởng Ngoại giao).


Thứ trưởng Lê Mai (bên phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11/1992
Thứ trưởng Lê Mai (bên phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11/1992 
Lần đầu tiên tôi được gặp và trò chuyện với ông Lê Mai là vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX khi ông vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao.

Hôm đó tại cuộc họp báo do Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao (sau này là Thủ tướng) Thái Lan Siddhi Savetsila chủ trì tại Nhà khách Chính phủ (số 2, Lê Thạch, Hà Nội), ta tuyên bố Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia.

Tôi còn nhớ hôm ấy chính ông Siddhi Savetsila đã ca ngợi ông Lê Mai với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. Ông Siddhi Savetsila đã gọi ông Lê Mai là “Người đã tạo dựng một vòng liên kết thân thiện và cảm tình của dư luận quốc tế trong việc đối phó và hóa giải vấn đề Campuchia một cách mềm dẻo và khôn khéo”.

Sau khi kết thúc cuộc họp báo, tôi đã có dịp được trò chuyện cùng Thứ trưởng Lê Mai khi  ông đứng chờ xe trở về trụ sở Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên phải tới cuối tháng 11 năm 1991, với vai trò là Bình luận viên quốc tế được giao phụ trách mảng quan hệ Việt- Mỹ, tôi mới có được bài phỏng vấn chính thức đầu tiên với Thứ trưởng Lê Mai.
Tổng thống Clinton là người đã đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hoá quan hệ song thương Việt - Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam ngày 17/11/2000 
Cuộc phỏng vấn được thực hiện khi ông dẫn đầu Đoàn đàm phán Việt Nam vừa kết thúc phiên đàm phán với Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á- Thái Bình Dương Robert Solomon ngày 21-11-1991 tại New York.

Đây là vòng đàm phán chính thức đầu tiên về bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ. Trong bài phỏng vấn này Thứ trưởng Lê Mai đã nói rằng, quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đang có những bước tiến đáng kể.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng, chặng đường phía trước còn đầy cam go và có những diễn biến khó lường, cần hết sức tỉnh táo, nhưng việc bình thường hóa là không thể đảo ngược được.

Sau này, trong vòng 4 năm trời, cứ sau mỗi vòng đàm phán tôi lại có dịp được gặp ông, phỏng vấn ông. Cũng có lúc ông trực tiếp gọi tôi đến phòng làm việc của ông để trao đổi một vấn đề nào đó còn khúc mắc và cần làm cho dư luận rõ hơn và ủng hộ. Cũng có khi chỉ là những câu chuyện không đầu không cuối về một vấn đề nào đó.

Thời cơ bị bỏ lỡ

Những câu chuyện mà tôi được nghe từ Thứ trưởng Lê Mai bao giờ cũng thực sự thú vị và hữu ích. Trò chuyện với Thứ trưởng Lê Mai tôi mới hiểu ra rằng, thực ra ngay sau ngày 30/4/1975, vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã được đặt ra.

Khi ấy phía Việt Nam chúng ta đã chuyển cho chính quyền Washington một thông điệp rất rõ ràng, rằng Việt Nam mong muốn có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để phía Mỹ tiến hành di tản nhân viên của Mỹ; không làm xấu đi quan hệ hai nước trong tương lai và không có sự thù địch với Mỹ tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng yêu cầu Mỹ thực hiện những cam kết như vậy.
Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ bắt tay người dân tại ban công một ngôi nhà đối diện Văn Miếu Quốc Tử Giám 
Ngày 8/5/1976, Ngoại trưởng Mỹ thời bấy giờ là Henry Kissinger đã gửi một công hàm cho ông Nguyễn Cơ Thạch, khi ấy đang là Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị thảo luận vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước.

Phía Mỹ đưa ra điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao gữa hai nước là Việt Nam phải tạo điều kiện và làm đầy đủ hồ sơ để phía Mỹ tìm kiếm người Mỹ mất tích (Missing in Action) gọi tắt là MIA và trao trả hài cốt lính Mỹ. Điều kiện mà phía Việt Nam đưa ra là Mỹ phải bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên Hoa Kỳ không chấp nhận vì cho rằng, Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Paris.

Mặc dù vậy, khi Jimmy Carter nhậm chức Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (1977-1981), ông đã nỗ lực đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Tháng 3/1977, Jimmy Carter gửi một phái đoàn sang Hà Nội dự kiến sẽ đàm phán về việc nối lại bang giao giữa hai nước. Tiếp theo, ngày 4/5/1977, chính quyền Washington đã không chống đối để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc.
Cựu Tổng thống Bill Clinton phát biểu trong lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Mỹ
Cựu Tổng thống Bill Clinton phát biểu trong lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Mỹ - Ảnh: Tùng Đinh 
Những diễn biến ngoại giao thời điểm ấy thực sự tiến triển khá thuận lợi. Ngày 3/5/1977, phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu đã tới Paris để tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ.

Tại vòng đàm phán này Việt Nam vẫn kiên quyết đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh. Phía Mỹ đề nghị hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, sau đó Mỹ sẽ xem xét vấn đề viện trợ cho Việt Nam, chứ không bồi thường chiến tranh.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai nhớ lại: “Khi ấy Trưởng đoàn đàm phán Phan Hiền đã báo cáo về vấn đề này với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Ông Nguyễn Cơ Thạch lúc này đã là Bộ trưởng Ngoại giao (thay ông Nguyễn Duy Trinh- NV) cho rằng đây là thời cơ hết sức thuận lợi để chúng ta thiết lập mối bang giao với Mỹ, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phương Tây. Tuy nhiên, tiếc rằng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã không thuyết phục được lãnh đạo cấp cao của ta”.

Cuối những năm 1977, đầu 1978 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên hết sức căng thẳng. Để cải thiện môi trường quốc tế, đầu năm 1978, tại Tokyo, thông qua Trưởng đoàn đàm phán, Việt Nam đã thông báo với phía Mỹ là Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên lúc này Mỹ quan tâm hơn tới việc đàm phán bình thường hoá với Trung Quốc hơn, vấn đề Việt Nam không còn được ưu tiên nữa. Cuối năm 1978, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cố gắng một lần nữa hối thúc Hoa Kỳ ký kết hiệp định bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, nhưng bất thành.

Rào cản lớn nhất: Người Mỹ mất tích trong chiến tranh

Năm 1978, chiến tranh biên giới phía Tây Nam diễn ra. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, Việt Nam đã đưa quân vào Camphuchia. Năm 1979, ở biên giới phía Bắc Trung Quốc đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn với Việt Nam chúng ta.

Vì vậy, việc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ đã bị dán đoạn một thời gian dài. Mãi tới cuối năm 1990 vấn đề quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ mới lại được đặt ra.

Ngày 29/9/1990, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tới New York và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ J. Baker để bàn về quan hệ hai nước. Tiếp đó, ngày 9/4/1991 phía Hoa Kỳ đã đưa ra "Bản lộ trình" 4 bước về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

Video những chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Clinton đến Việt Nam

Trong cuộc trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc phiên đàm phán đầu tiên với Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á- Thái Bình Dương Robert Solomon ngày 21/11/1991 tại New York, Thứ trưởng Lê Mai đã nói nhiều và khá kỹ về những vấn đề mà ông cho là rào cản mà cả hai bên đều phải vượt qua.

Ông nói, hai chướng ngại bao trùm trong quan hệ hai nước là Việt Nam đóng quân tại Campuchia và vấn đề  tù binh chiến tranh (Prisoner of War) và người Mỹ mất tích (Missing in Action). Sau này chúng ta gọi tắt là vấn đề POW/MIA. Đầu những năm 1990 vấn đề Campuchia đã được giải quyết, nhưng vấn đề POW/MIA vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ trưởng Lê Mai bảo rằng, khó khăn nhất đối với chính quyền của Tổng thống G. Bush là người dân Mỹ vẫn không hài lòng về vấn đề POW/MIA.

Ngay sau Hiệp định Paris năm 1973 Việt Nam đã trao trả 590 tù binh Mỹ bị bắt ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên người Mỹ vẫn cho rằng còn tới 2.646 lính Mỹ mất tích. Những cố gắng của chính quyền Mỹ đã không làm hài lòng người dân Mỹ. Họ cho rằng chính quyền Mỹ chưa làm hết sức mình trong việc tìm kiếm POW/MIA.

 

Cái khó khăn nhất từ phía Việt Nam chúng ta là làm sao hóa giải “những cái đầu nóng” của một bộ phận vẫn nhìn Mỹ như là “kẻ thù chiến lược”.
 
“Còn cái khó khăn nhất từ phía Việt Nam chúng ta là gì?”. Tôi còn nhớ, khi ấy ông Lê Mai chần chừ một lúc rồi bảo: “Cái khó khăn nhất từ phía Việt Nam chúng ta là làm sao hóa giải “những cái đầu nóng” của một bộ phận vẫn nhìn Mỹ như là “kẻ thù chiến lược”.

Trong bối cảnh “trong chưa thực sự ấm”, “ngoài chưa thực sự êm” ấy thì những đóng góp của các nhà ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là Thứ trưởng Lê Mai là hết sức quan trọng.

Tôi đã có dịp phỏng vấn các Nghị sỹ, Thượng nghị sỹ (TNS) Mỹ, những người có vai trò quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ như TNS John Kerry, John McCain, Bob Smith…, trao đổi với các đồng nghiệp phương Tây, đặc biệt là các phóng viên Mỹ.

Khi nói về Thứ trưởng Lê Mai, họ đều cảm phục và kính trọng. Họ luôn đồng nhất ông với câu nói nổi tiếng (của ông) như là biểu tượng của quan hệ Việt- Mỹ “Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh”.

Còn nữa...

Lê Thọ Bình
Bình luận
vtcnews.vn