Ngày 11/7/1995, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Mỹ thông báo trước thế giới rằng 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ, gác lại quá khứ để mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia. 25 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ liên tục được mở rộng và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.
Quan hệ Việt Nam-Mỹ, từ cựu thù đến đối tác toàn diện, đã trở thành hình mẫu trong quan hệ quốc tế hiện đại. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế tại Geneva.
- Sáng 12/7/1995, tại Hà Nội (11/7 theo giờ Mỹ), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Vào thời khắc đó, ông đang giữ cương vị gì và cảm xúc của ông lúc đó thế nào?
Với cá nhân tôi, trước và trong thời gian bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ, tôi đang là Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Trong câu chuyện quan hệ hai nước, bà Đại sứ Madeleine Albright khi đó đang là đại diện Mỹ tại LHQ, thường xuyên trao đổi với tôi về tiến trình bình thường hóa quan hệ.
Trong những ngày đầu tháng 7/1995, dồn dập tin báo về và chính thức ngày 11/7/1995 theo giờ của Mỹ, Đại sứ Madeleine Albright cho biết, Tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lúc bấy giờ, mặc dù phán đoán tình hình hai nước đã đến lúc cần tuyên bố với thế giới về việc bình thường hóa quan hệ, nhưng khi nhận điện thoại thì tôi vẫn vô cùng xúc động. Và tôi hiểu đây là thông điệp của chính quyền Mỹ gửi đến chính phủ và nhân dân Việt Nam qua con đường ngoại giao tại LHQ.
Theo giờ Việt Nam, ngày 12/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thay mặt chính phủ Việt Nam tuyên bố Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cảm xúc đó có thể nói, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên đối với tôi và các cộng sự lúc bấy giờ. Dù sao thì Việt Nam cũng đã tiến tới bước quan trọng trong quan hệ với Mỹ.
Như cựu ngoại trưởng John Kerry, cựu binh Mỹ tại Việt Nam, cùng ông John Mc.Cain là 2 thượng nghị sỹ gạo cội của chính trường Mỹ, của đảng Dân chủ, đã từng nói: “Không có một quan hệ nào như quan hệ hai nước Việt Nam-Mỹ đã biến quan hệ từ cựu thù thành hữu nghị”.
- Thưa đại sứ, lộ trình bình thường hóa quan hệ này đã trải qua những khó khăn, trở ngại như thế nào?
Sau khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa thì giai đoạn đấy còn quá nhiều khó khăn, trở ngại. Lộ trình bình thường hóa quan hệ đã có từ năm 1991. Lúc đấy, Tổng thống Mỹ Bush đã gửi người sang bàn với phía Việt Nam về vấn đề này, nhưng rất gập ghềnh do quan điểm của hai bên khác nhau về nhiều vấn đề. Về phía Mỹ, Quốc hội, chính quyền Mỹ muốn tìm cách đẩy nhanh.
Bởi đã từng công tác ở địa bàn Mỹ lâu năm nên chúng tôi nghiên cứu rất sâu về chính trường Mỹ, trong quan hệ quốc tế, Mỹ thấy có lợi cho nước Mỹ là triển khai. Họ thấy trong quan hệ với Việt Nam có nhiều cái lợi cho nước Mỹ, nhưng thời đó vẫn chưa thuyết phục. Với lộ trình đó, đến năm 1994 Tổng thống B.Clinton mới tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam tại Ngân hàng thế giới và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
Từ đó, những tín hiệu tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ nhiều chiều giữa chính quyền B.Clinton xuất hiện. Nhưng Quốc hội Mỹ thì như chúng ta biết gồm 2 đảng, trong từng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ, ý kiến này rất khác nhau. Trong dư luận nhân dân Mỹ, cả trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ cũng khác nhau. Lực lượng chống đối bình thường hóa quan hệ, chống Việt Nam còn rất đông thời điểm đó. Khi Tổng thống Bill Clinton và Việt Nam tuyên bố bình thường hóa và hai bên ngay đầu tháng 8/1995 thiết lập đại sứ quán tại mỗi nước.
- Để tới được thời điểm cột mốc 25 năm này, hai nước đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách với di sản chiến tranh đen tối. Vậy theo Đại sứ, điều gì đã làm nên sức mạnh để hai nước xây dựng tình hữu nghị, vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai?
Quá trình để vượt qua những khó khăn và thách thức này quả thực rất gian nan, không hề dễ dàng. Trong lực lượng ủng hộ bình thường hóa quan hệ, tôi vẫn hay nói là có 2 trụ cột chính. Có những nhân vật rất tích cực như thượng nghị sỹ John Kerry của đảng dân chủ và TNS John Mc.Cain của đảng Cộng hòa.
Sau khi chiến tranh kết thúc, họ trở về Mỹ và họ nhận thấy, chiến tranh của Mỹ có nhiều vấn đề và mong thúc đẩy hai nước đi đến bình thường hóa. Nên nhiều vấn đề nhạy cảm như vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh, họ thúc đẩy mạnh mẽ, không quản khoảng cách xa xôi, khó khăn, vượt qua được để thúc đẩy hồ sơ MIA.
Tổng thống B.Clinton trước khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đều tham khảo hai thượng nghị sỹ này và họ bảo đảm rằng, phía Việt Nam đã làm rất tốt vấn đề này, rất nhân đạo. Chính phủ cam kết cao và nhân dân Việt Nam rất ủng hộ trong việc hợp tác cùng với Mỹ để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trả về cho gia đình họ. Điều này gây xúc động rất lớn trong cộng đồng nước Mỹ.
Cùng với đó, quan hệ giữa các tổ chức quần chúng hai bên, nhất là các tổ chức phi chính phủ Mỹ. Họ sang Việt Nam làm rất nhiều chương trình, thậm chí sau này bà Albright khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông B.Clinton năm 1996, có kể với tôi rằng: Con gái bà đã sang Hải Phòng làm những dự án nhân đạo, khi trở về nói với bà ý rằng “Việt Nam rất đáng yêu, con yêu Việt Nam và mẹ cũng nên như thế”. Chính những điều này đã tác động đến suy nghĩ còn khác biệt của chính giới Mỹ cũng như trong cộng đồng Việt kiều ở Mỹ. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng nhìn thấy Việt Nam như một đối tác tiềm năng về kinh tế mà họ có thể quan hệ.
Thực tế là Mỹ đã trở thành thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng hoạt động của mình tại Mỹ. Ví dụ trong thương mại, năm 1994, quan hệ hai chiều mới có khoảng 450 triệu USD, còn năm 2019 là khoảng 70 tỷ USD. Rõ ràng quan hệ hai bên cùng có lợi, tiến triển rất nhanh mà nhà ngoại giao như tôi theo dõi quan hệ hai nước nhiều năm cũng khó mà tưởng tượng được.
Mặc dù khi vào WTO, Mỹ lúc đầu cũng kéo dài đàm phán nhưng cũng hết sức ủng hộ. Trước đó, năm 2000 Việt Nam và Mỹ đã ký BTA rồi, như vậy đến WTO hai bên đều nỗ lực vượt qua rào cản, như chống phá giá thương mại, phi thuế quan…
Nhưng rõ ràng là hai bên cố gắng cùng nhau vượt qua. Hiện nay, quan hệ hai nước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Trong giáo dục, sinh viên Việt Nam tại Mỹ là đông nhất, cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ là đông nhất, lên tới 4,5 triệu người. Quan hệ trên các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng cũng bắt đầu phát triển. Không vô cớ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chọn Hà Nội để gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Yong Un. Đây phải nói là sự kiện mà cho tới giờ thế giới vẫn đánh giá là quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển hết sức mạnh mẽ.
- Việc Việt Nam và Mỹ, từ cựu thù trở thành đối tác tin cậy, có ý nghĩa như thế nào cho các mối quan hệ quốc tế hiện nay, thưa đại sứ?
Tôi nghĩ rằng, mối quan hệ từ cựu thù đến đối tác tin cậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với quan hệ hai nước thì đương nhiên rồi nhưng đối với ASEAN cũng rất quan trọng và đối với hòa bình, ổn định khu vực lại càng quan trọng. Ngoài điểm nóng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào như bán đảo Triều Tiên hay vấn đề trên biển Đông, những vấn đề phức tạp đang diễn biến âm ỉ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Vậy thì quan hệ Việt Mỹ có vai trò quan trọng. Nước Mỹ cũng nhìn thấy lợi ích của họ trực tiếp mà họ đã từng khai thác trong quan hệ với Việt Nam và họ nhìn thấy tiềm năng trong đối ngoại của họ, không chỉ chính trị kinh tế, thương mại mà cả nhiều lĩnh vực khác. Tôi cho rằng trong thời gian tới, mối quan hệ này đã có đà rồi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận