Trả lời VTC News, ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, ngay sau đợt hạn mặn lịch sử này, ĐBSCL có thể tiếp tục đối mặt với rủi ro khác nguy hiểm không kém, đó là sạt lở.
Nơi nào dễ sạt lở?
- Vì sao khi ĐBSCL đang chật vật chống chọi với hạn mặn, ông lại nhấn mạnh nguy cơ sạt lở bờ sông vào mùa mưa, thưa ông?
Năm nay do hạn, mực nước sông hạ thấp, bờ sông trở nên cao hơn so với mặt nước nên nặng hơn, dễ sụp hơn. Năm 2019 lũ thấp, nước sông Mekong chảy yếu nên lượng cát, phù sa vận chuyển về hạ lưu rất ít, càng làm cho ĐBSCL thiếu hụt cát, cộng với tình hình khai thác cát làm đáy sông sâu hơn.
Vào đầu mùa mưa tới (tháng 6-7), khi mực nước sông còn thấp nhưng bắt đầu chảy mạnh, nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về làm tăng áp lực bào mòn vào chân bờ sông ở bên dưới. Dòng chảy đã khoét rỗng chân bờ sông, tạo “hàm ếch” bên dưới trong khi người sống ở trên không biết cho đến khi toàn bộ khối đất đổ ụp xuống. Vì vậy, dù đang trong tình trạng hạn mặn, chúng ta vẫn cần đề phòng chuyện này khi mùa mưa đến.
- Theo ông, những nơi nào có nguy cơ sạt lở lớn nhất?
Tại từng điểm cụ thể, rủi ro sạt lở tùy thuộc vào đặc điểm của bờ và dòng chảy tại nơi đó.
Đối với dòng chảy, rủi ro tăng cao ở những nơi dòng sông bị thắt lại, vì dòng nước đi ngang qua đó phải tăng tốc, chảy mạnh hơn. Nếu dòng chảy bị lấn một bên thì áp lực gia tăng bên kia, nếu lấn hai bên thì áp lực gia tăng cả hai bờ và đào hố sâu ở đáy sông.
Rủi ro cũng tăng cao ở những nơi sông cong. Chỗ sông cong thì bên bờ lõm gọi là vịnh, bên lồi gọi là doi. Dòng chảy luôn có khuynh hướng đi thẳng, nhưng đến đoạn sông cong nó buộc phải đổi hướng nên sẽ tạo lực ly tâm va đập vào bờ phía vịnh. Đường tim sông (đường sâu nhất dọc theo sông) lẽ ra đi giữa sông thì lại bị dời sát vào phía vịnh. Lực ly tâm qua đoạn sông cong cũng làm cho mực nước phía vịnh bị đẩy lên cao hơn so với bờ bên kia.
Tùy theo sức mạnh dòng chảy và độ cong của dòng sông, sự chênh lệch mực nước có thể không nhận biết được bằng mắt thường. Mực nước bị lực ly tâm đẩy lên cao như thế sẽ bị trọng lực kéo xuống làm xoắn dòng chảy. Như vậy tại điểm cong này, dòng chảy vừa đi tới vừa xoắn, như là “mũi khoan nước”. Vào đầu mùa lũ, khi dòng nước mạnh lên nhưng mực nước còn thấp, “mũi khoan nước” này nạo vào chân bờ sông tạo hàm ếch và nạo vào đáy sông tạo vực thẳm. Lúc này, bờ sông ở trên không có gì chống đỡ, đổ ụp xuống.
Trước kia vẫn luôn có dòng chảy xoắn ở những vị trí vịnh đó, nạo vét chân bờ, nhưng đỡ hơn vì nó mang nặng phù sa mịn và có đủ cát để tiêu hao năng lượng. Còn bây giờ, phù sa và cát đều thiếu hụt nên dòng chảy bị dư năng lượng, hình thành “nước đói” có sức công phá lớn. Nó đào vực thẳm và cắt đứt chân bờ sông nhanh hơn xưa.
- Đối với bờ sông, những yếu tố nào quyết định độ rủi ro sạt lở, thưa ông?
Có 5 yếu tố quyết định điều này. Một là độ kết dính của đất. Đất càng kết dính kém càng dễ sạt lở. Đất pha nhiều cát thì độ kết dính kém, dễ sụp hơn đất nhiều sét, hữu cơ. Hai là trọng lượng riêng của đất càng nặng thì càng dễ sụp. Đất có nhiều cát nặng hơn so với đất nhiều hữu cơ.
Ba là chiều cao bờ sông, bờ sông càng cao thì càng nặng và dễ sụp. Bốn là áp lực lỗ rỗng trong đất, khi đất no nước thì có lực chống đỡ cho đất. Tuy nhiên, độ ẩm thay đổi đột ngột từ ướt sang khô hay từ khô sang ướt sẽ làm mất ổn định.
Năm là mái dốc bờ sông, càng dốc đứng càng nguy hiểm. Đối với từng loại đất sẽ có mái dốc ổn định tương ứng. Đất càng lỏng lẻo thì đòi hỏi dốc phải lài (thoai thoải) hơn mới ổn định được. Đất cát thì phải lài hơn so với đất sét, đất hữu cơ. Như vậy, tùy vào 4 yếu tố trên mà mái dốc cần có độ lài nào đó để đạt độ ổn định. Ví dụ đất pha cát như thế thì mái dốc phải khoảng 30 độ mới ổn định, nếu bờ sông hiện tại là 70-80 độ thì nó phải nứt và sụp cho đến khi đủ độ ổn định, giả sử là 30 độ.
Nơi không khai thác cát vẫn sạt lở
- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng ở ĐBSCL những năm gần đây?
Nguyên nhân sâu xa gây sạt lở bờ sông, bờ biển khắp nơi là thiếu hụt phù sa trong nước và thiếu hụt cát do các đập thủy điện và điểm khai thác cát trên sông Mekong. Thiếu hụt phù sa trong nước dẫn đến thiếu hụt vật liệu bồi đắp đồng bằng, làm cho dòng nước ít đục hơn, nhẹ hơn và trở thành “nước đói” phù sa (hungry water) bào mòn bờ sông và đáy sông gây sạt lở và làm cho “mũi khoan nước” ở những đoạn sông cong trở nên hung hãn hơn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Lyon (Pháp) cho biết trong 10 năm từ 1998 đến 2008, đáy sông Tiền và sông Hậu do mất cát đã hạ thấp trung bình 1,3 mét. Khảo sát năm 2017 của Đoàn Văn Bình (Đại học Thủy lợi) cho thấy đáy sông từ Tân Châu đến Vàm Nao chỉ trong 3 năm từ 2014 đến 2017 bị hạ thấp 1,5m, với tốc độ 0,5m/năm, gấp đôi tốc độ 0,25m/năm giai đoạn 1998-2008 do các nhà khoa học Pháp ước lượng.
- Thế nhưng, rõ ràng có những nơi không khai thác cát vẫn bị sạt lở, thưa ông?
Khi đáy sông chính bị hạ thấp, quá trình tái phân phối đáy sông sẽ diễn ra. Sông chính sẽ rút đáy sông nhánh ra, sông nhánh sẽ rút đáy sông rạch nhỏ hơn, cứ như thế làm cho toàn bộ các đáy sông rạch bị sâu thêm. Điều này giải thích tại sao sạt lở lan tỏa khắp nơi, ở cả những nơi không có khai thác cát.
Tình trạng thiếu hụt cát trong sông cũng làm cho đoạn bờ biển 250km phía Đông ở vùng cửa sông Cửu Long bị thiếu hụt cát, gia tăng sạt lở bờ biển.
Sự thiếu hụt bùn làm cho lớp nước biển bao bọc quanh bờ biển ĐBSCL khoảng 30km từ bờ ra bị bớt đục, nhẹ hơn, thiếu vật liệu bồi đắp bờ biển, giảm khả năng hấp thu năng lượng sóng, gia tăng sạt lở những đoạn bờ biển bùn.
- Với những nguy cơ sụt lún trước mắt, theo ông, ĐBSCL cần sử dụng giải pháp nào để khắc phục?
Trong tình hình đặc biệt năm nay, trước mắt dân sống ven sông rạch và chính quyền địa phương cần tiên liệu rằng sạt lở có thể diễn ra dữ dội đầu mùa mưa, khoảng tháng 6, tháng 7. Đặc biệt chú ý các địa điểm sông cong, nơi bờ sông cao, đất nhiều cát, mái dốc quá hẳm và các đoạn sông Hậu, sông Tiền ở An Giang, Đồng Tháp để theo dõi chặt chẽ, di dời sớm và chuẩn bị lực lượng ứng cứu, tránh thiệt hại tính mạng và tài sản.
Đối với bối cảnh chung, vì gốc rễ của vấn đề là thiếu cát và phù sa, cần hạn chế khai thác cát ở nội tại ĐBSCL.
Nếu không giải quyết được vấn đề thiếu cát và phù sa, thì mọi hành động chỉ là ứng phó, chống đỡ, và sạt lở sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Trong tình hình đó, chỉ còn cách ứng phó tình huống và so sánh, chọn lựa phương án cho từng vụ sạt lở cụ thể. Chọn biện pháp công trình hay phi công trình, điều quan trọng là xem có khả thi hay không, quan trọng nhất là xem có bảo vệ được phần chân bờ sông hay không. Nếu phần chân không thể bảo vệ thì sạt lở vẫn diễn ra. Ở những nơi biết rõ không thể bảo vệ thì đành chọn phương án rút lui, chấp nhận bỏ điểm đó, ưu tiên dùng kinh phí để tái định cư, ổn định đời sống sớm cho dân.
Cũng cần cân nhắc chi phí - lợi ích, chỉ nên dùng chi phí lớn để bảo vệ những nơi xung yếu không thể bỏ, biết rằng can thiệp nơi này có thể gây sạt lở nơi khác. Đem cát nơi khác đắp nơi này thì gây thiếu hụt chung và gia tăng sạt lở toàn hệ thống sông.
Cuối cùng, trước khi sạt lở thì nên xem đây là tình huống khẩn cấp. Khi sạt lở xảy ra rồi, ở giai đoạn khắc phục thì việc phân tích thấu đáo, chọn đúng phương án hiệu quả mới là ưu tiên số một.
Xin cảm ơn ông!
Video: Dân hoảng loạn chạy sạt lở trong đêm
Bình luận