Buổi trưa, vừa tan ca ở xí nghiệp cách nhà hơn chục cây số, anh Bình (ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) vác mấy cọc gỗ cùng mớ dây kẽm ra sau nhà. Bình cố chằng chống mái hiên cùng nhà vệ sinh đang bị lở nền, nghiêng nặng và có thể sụp bất cứ lúc nào.
Cách đó khoảng 5 m, phần nền nhà sau cùng sàn nước tráng xi măng cũng nứt toác, bên dưới đất đã lở, khoét hàm ếch rộng khoảng 5 m2.
Đang mùa mưa bão, chỉ vài cơn gió buổi chiều cũng khiến căn nhà mái tôn, vách lá rung bần bật. Sát vách nhà Bình, căn nhà tường cũ kỹ của hàng xóm cũng đóng cửa bỏ hoang, chủ nhà đã bỏ đi nơi khác sống từ nhiều năm.
Bình bảo 10 năm trước, gia đình anh sau nhiều năm tích cóp tiền từ nghề cào nghêu thuê, đã xây được căn nhà tường cấp bốn hẳn hoi. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm ở, căn nhà liên tục bị sụp, tường nứt vì bờ biển sạt lở. Gia đình anh tiếc của, cố gắng bám trụ thêm một thời gian, sau đó tiếc đứt ruột nhưng đành phải bỏ, cất tạm một căn nhà tôn cách nhà cũ vài chục mét.
Tưởng đã yên ổn, không ngờ chỉ sau 2-3 năm, căn nhà thứ hai tiếp tục bị biển "nuốt". Mảnh đất 200 m2 bị nước biển cuốn mất, gia đình anh phải lùi sâu vào đất liền thêm 50 m, cất tạm căn nhà hiện tại trên phần đất mượn của người cậu ruột.
Mấy năm sau, Bình cưới vợ, sinh con, do không có đất đai nên vợ chồng anh cùng đứa con nhỏ hai tuổi phải ở chung với cha mẹ ruột.
Vào mùa mưa bão, gió chướng khiến gia đình anh thường xuyên mất ngủ, có đêm nước biển tràn vào nhà ướt hết đồ đạc, cả nhà phải thức dậy thu dọn. "Tối ngủ lúc nào cũng ôm con sẵn, mỗi lần nghe sóng đánh ầm ầm vô vách là phải thủ thế, để lỡ nhà sập còn chạy kịp", anh Bình nói.
Trước đây, anh Bình có người bà đã ngoài 80 tuổi sống cùng, về sau do tuổi cao sức yếu và phải liên tục chuyển nhà tránh sạt lở, nên họ bàn bạc, gửi bà ở nhờ nhà cháu họ.
Hàng xóm hay đùa, rằng gia đình anh tính đến giờ đã có bốn thế hệ "chạy" biển, sống như dân du mục, biển lấn đến đâu di dời đến đó. "Nếu biển tiếp tục lấn vô, chắc gia đình bảy người phải thuê nhà trọ ở, vì không còn nơi nào nữa để chạy nữa", mẹ Bình nói.
Chỉ chưa đầy một cây số dọc bờ biển ấp Cầu Muống, có đến hàng chục căn nhà hiện chỉ còn là những đống gạch, đá, hoặc bị hư hại, bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Thấy mưa vừa tạnh, bà Nguyễn Thị Loan (48 tuổi) lội qua con lạch nhỏ, mò mẫm bới tìm phế liệu trong đống đổ nát từ hai căn nhà của hàng xóm. Đó là nơi sáu năm trước, anh Lê Thành Trung (32 tuổi) và em trai nhỏ hơn hai tuổi ở.
Hai căn nhà tường cấp bốn nhỏ liền kề nhau, được cha mẹ cất lên cho hai anh em. Ở được hơn hai năm, căn nhà của người em sau mùa gió chướng rơi hẳn xuống biển, vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ phải dọn sang ở nhờ nhà anh trai.
Đến năm sau, căn nhà anh Trung tiếp tục bị sóng đánh vỡ tường, sụp nền. Vợ chồng anh cùng hai đứa con học tiểu học phải xin người hàng xóm cất nhờ căn nhà lá nhỏ ở gần đó, sống bằng nghề cào nghêu và hiện là hộ nghèo của xã. Còn em anh Trung hiện ở nhờ nhà cha mẹ vợ.
Đang ngồi đưa võng cho cháu ngủ, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân (29 tuổi) bảo nhà cách biển trên 100 m, nhưng bốn người trong gia đình chị vẫn lo lắng từng ngày. Chị nhẩm tính, bình quân một căn nhà cấp bốn tường gạch, mái tôn nhỏ cũng mất từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng, trong khi đa số dân vùng này đều sống bằng nghề biển, thu nhập vừa thấp vừa bấp bênh.
"Như em làm nghề bán cà phê, giữ xe cho dân cào nghêu thu nhập chỉ vài triệu một tháng, anh tính thử phải mất hơn chục năm cộng thêm vay mượn mới tích cóp xây được căn nhà, lỡ sụp mất ai mà không xót", chị Xuân nói.
Theo ông Dương Thành Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nhiều năm qua, sạt lở bờ biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng 2 km, mỗi năm biển xâm thực thêm 5-10 m. "Đoạn đê biển trên địa bàn dài khoảng 9 km đang sạt lở nghiêm trọng, làm mất nhà của 20 hộ dân, đe dọa hơn 200 hộ vùng lân cận ở ngoài đê", ông Hưng cho biết.
Xã đang khởi công khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, đã hoàn thành khoảng 40%, dự kiến bố trí dân vào ở trong năm tới. Địa phương cũng đang xin bố trí kinh phí di dời các hộ dân ngoài đê vào vùng an toàn.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 110 điểm sạt lở, dài 24 km với bảy điểm sạt lở đặt biệt nguy hiểm, trong đó có đoạn đê biển Gò Công. Tuyến đê này đi qua địa bàn xã Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước và thị trấn Vàm Láng dài trên 21 km, bảo vệ khoảng 35.000 ha đất nông nghiệp và 600.000 người.
Hiện tỉnh này xin Trung ương bố trí khoảng 140 tỷ đồng để trồng rừng phòng hộ, xây kè chống xói lở đoạn đê biển qua xã Tân Thành dài gần 5 km. UBND xã Tân Thành cho hay, với 4 km đê biển còn lại cũng đang trong tình trạng sạt lở, dự kiến được tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do bùn cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, khai thác cát ngày càng gia tăng, cùng tình trạng biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy khiến tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện đồng bằng có tổng cộng trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Trong 10 năm qua, các tỉnh đã được bố trí kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, trồng trên 4.300 ha rừng ngập mặn và sẽ tiếp tục trồng thêm hơn 3.000 ha. Dự kiến thời gian tới Trung ương tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ khoảng gần 4.500 tỷ đồng.
Bình luận