Học phí tăng kịch trần
Nghị định số 81 của Chính phủ ban hành năm 2021 quy định, từ năm 2022 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình. Theo đó, mức trần học phí với các trường đại học chưa tự chủ là 14,1 - 27,6 triệu đồng năm, tùy từng khối ngành. Các trường tự chủ được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (28 - 55 triệu đồng năm). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã đề nghị các đơn vị tạm dừng tăng học phí để hỗ trợ sinh viên.
Năm nay, dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, việc các trường đại học quyết định tăng học phí là tất yếu. Tuy nhiên, nhiều trường tăng học phí lên gấp 2, 3 lần năm học trước, một số ngành tăng kịch trần khiến người học hoang mang.
Khung học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.
Đơn cử, trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), mức học phí dự kiến năm 2023 - 2024 ngành Y khoa - hệ đại trà cao nhất 55 triệu đồng/năm học (tăng 40,7 triệu đồng so với năm 2022). Tiếp đến, ngành Dược học học phí 51 triệu đồng/năm (tăng 36,7 triệu so với năm ngoái). Các ngành còn lại thu 27,6 triệu đồng, tăng 13,3 triệu.
Trường Đại học Y Dược TP.HCM thu học phí các ngành khoảng 41,8 - 77 triệu đồng mỗi năm, tăng 3,2 - 8 triệu đồng. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ dự kiến thu học phí bình quân 37,6 triệu đồng, tăng so với mức 24,6 triệu đồng đang áp dụng.
Trường Đại học Dược Hà Nội dự kiến thu học phí 18,5 - 49,5 triệu đồng/năm với hai ngành Hoá dược và Dược học đào tạo truyền thống, mức này cao hơn 4,2 và 10,2 triệu đồng so với mức hiện hành. Với hệ chất lượng cao ngành Dược học, trường thu 49,5 triệu đồng, cao hơn 4,5 triệu đồng.
Hay Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi - hệ đại trà 506.900 đồng/tín chỉ (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước). Hệ chất lượng cao cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ. Tổng cả khoá 4 năm học, sinh viên phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học.
TS Hoàng Văn Hà, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, mặt trái của việc tăng học phí có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em học sinh lớp 12, dù lực học giỏi nhưng đang phải tính toán lại mục tiêu, thậm chí từ bỏ ước mơ vào những trường đại học lớn vì học phí tăng quá cao.
Ngoài tác động đến người học, việc học phí sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Điển hình như các ngành khoa học cơ bản, dù vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững đất nước nhưng ít được lựa chọn bởi với cùng một mức chi trả học phí, người học chọn các ngành "hot" để tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập sau ra trường.
Do đó, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu sớm phương án điều chỉnh khung học phí trong Nghị định 81. Các trường sẽ lấy đó làm căn cứ để "hạ nhiệt" học phí xuống mức phù hợp hơn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải cũng cho biết, nhà trường đang chờ văn bản chính thức và hướng dẫn xây dựng phương án học phí mới. Trường là đơn vị công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên mức tăng sẽ nằm trong khung quy định, không gây khó khăn cho gia đình người học.
Học phí tăng bao nhiêu là đủ?
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện luật đã quy định rất rõ học phí phải tính đúng, tính đủ. Các trường cần tính học phí theo chi phí đơn vị (theo định mức kinh tế kỹ thuật).
Theo luật quy định, Nhà nước có trách nhiệm với giáo dục đại học. Điều này cần thể hiện qua đầu tư của Nhà nước, phải nói rõ phần tỉ lệ Nhà nước chăm lo, phần còn lại do xã hội và người học thêm vào. Đồng thời, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, quy định Nhà nước phải cấp học bổng cho sinh viên, đặt hàng đào tạo và những sinh viên giỏi, khó khăn được hỗ trợ...
Tăng học phí khiến nhiều thí sinh chuyển mục tiêu vào đại học.
Ông cũng cho rằng, theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, tự chủ đại học không phải là tự lo về tài chính mà để các trường tăng thêm điều kiện đảm bảo chất lượng. Không phải trường đại học tự chủ là cắt hết kinh phí, mà Nhà nước vẫn phải đầu tư cho phát triển, cho đảm bảo chất lượng đào tạo...
Không thể để chi phí đào tạo tính hết vào học phí. Ngân sách nhà nước vẫn đầu tư vào giáo dục đại học, học phí chỉ là phần đóng góp thêm của xã hội.
Luật quy định, một trong các tiêu chí để trường đại học được tự chủ là phải đạt chuẩn kiểm định. Luật quy định các trường đại học phải thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về các nội dung hoạt động, trong đó có nội dung về học phí và sử dụng học phí.
Các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí. Ở đây cần có giám sát của người dân và xã hội. Trách nhiệm, nhận thức của người học và xã hội cũng cần được tạo điều kiện, có cơ chế để có thể phản ánh một cách rõ ràng.
"Như vậy, nếu làm đúng theo luật thì không phải các trường muốn tăng học phí ra sao cũng được", ông Bình nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính (Đại học Quốc gia TP.HCM) phân tích, ba nguồn thu chính tại các trường công lập gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Trong đó, học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất.
Khi các trường tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác nhưng việc gia tăng này phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí.
Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.
"Bộ GD&ĐT, các đơn vị liên quan cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn, để tránh việc các trường đua nhau tăng học phí, sinh viên sẽ là người chịu thiệt", ông nói.
Không làm mất cơ hội của sinh viên
Bên cạnh việc tăng học phí, nhiều trường đại học cũng mở rộng thêm các chương trình, đối tượng sinh viên được hỗ trợ học phí, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, trường dành khoảng 8% mức thu từ học phí để xây dựng các loại học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ước tính, số kinh phí dành để hỗ trợ sinh viên trong năm học 2023 - 2024 là khoảng 3,5 tỷ đồng.
Ba năm gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội không tăng học phí. Hiện tại, nhà trường chưa có chủ trương điều chỉnh mức học phí mà đợi văn bản chính thức, tinh thần chung là tạo thuận lợi nhiều nhất cho sinh viên.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, năm học 2023, trường xây dựng và vận hành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Mức học bổng được xây dựng và trao cho các đối tượng sinh viên để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, vừa khuyến khích sinh viên học tốt, vừa bảo đảm cơ hội học tập cho các sinh viên khó khăn, diện chính sách...
Đặc biệt, năm học mới, nhà trường sẽ dành 10 suất học bổng của chủ tịch tập đoàn, trị giá từ 180 triệu đồng/suất đến 1 tỷ đồng/suất cho sinh viên học giỏi, hoàn cảnh khó khăn...
Bộ GD&ĐT cũng quy định các trường phải thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học. Đồng thời, các trường cũng phải có chính sách học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho sinh viên.
Bình luận