Chuyên gia: Bỏ ngay tâm lý chủ quan 'ai cũng thành F0'

Covid-19Thứ Sáu, 25/02/2022 07:45:00 +07:00
(VTC News) -

Theo chuyên gia, dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam cao nhưng người dân vẫn không nên chủ quan, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” làm lây bệnh cho mình và người thân.

Nhiều người đang có tâm lý bản thân và những người xung quanh có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào mà chủ quan phòng dịch. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo suy nghĩ đó có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Tâm lý chủ quan "sống chung với lũ"

Nhìn hàng xóm xung quanh treo biển thông báo nhà có F0, thay vì hoảng loạn, lo sợ như những lần trước, anh Vũ Văn Hà., 34 tuổi, ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội “bình thản” hơn với suy nghĩ hầu như những người trong gia đình đều đã tiêm vaccine đủ.

“Cũng nghe đài báo nói nhiều về tình hình dịch căng thẳng, số ca bệnh tăng nhưng đặc thù công việc của tôi làm nghề xây dựng nên đi lại, gặp gỡ nhiều. Tôi cũng xác định tâm lý có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tránh sao được khi xung quanh bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí cả người thân cũng nhiễm rồi. Tôi từng là F1 của nhiều người nên xác định sẽ nhận kết quả “2 vạch”. Với lại xem ti vi, đọc báo thì thấy tiêm vaccine đủ rồi thì nếu mắc cũng nhẹ nên tôi cũng yên tâm hơn”, anh Hà kể.

Chuyên gia: Bỏ ngay tâm lý chủ quan 'ai cũng thành F0' - 1

Nhiều người chủ quan, nghĩ rằng đã tiêm vaccine nhiều rồi thì bệnh sẽ rất nhẹ.

Chị Nguyễn Trang, 38 tuổi, ở Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội cũng xác định bản thân và người nhà có thể nhiễm SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào. Xung quanh hàng xóm và bạn bè đều mắc COVID-19 nhưng không triệu chứng gì, hoặc có cũng chỉ là hắt hơi, đau đầu, ho, uống thuốc vài ba hôm là hết nên chị cũng không quá lo lắng.

“Người nhà với cơ quan tôi nhiều người F0, F1 rồi, tôi nghĩ mình không tránh được. Đúng là đến lúc sống chung với lũ thôi, chứ ở trong nhà mãi sao được”, chị T. nói.

Nam sinh viên Hoàng Thanh Tuấn, 22 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định chia sẻ, em từng ăn uống với cùng 3 F0 nhưng đi test COVID-19 toàn nhận kết quả âm tính. Thời gian đầu khi tiếp xúc với F0, M. còn cẩn thận đi xét nghiệm PCR ở bệnh viện. Nghĩ bản thân miễn dịch tốt nhờ tiêm3 mũi vaccine nên hàng ngày M. vẫn gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều bạn bè, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng là hạn chế tụ tập nơi đông người.

"Mấy ai quan tâm tới chuyện F0 hay F1 nữa đâu. Với lại em cũng tiêm rồi, nhiễm cũng nhẹ lắm. Em cũng xác định tâm lý có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Có chăng là thời điểm này không về quê nữa để tránh lây nhiễm bệnh cho bố mẹ và người thân ở nhà thôi”, M. nói.

Chuyên gia: Bỏ ngay tâm lý chủ quan 'ai cũng thành F0' - 2

Chính vì suy nghĩ chủ quan "ai cũng thành F0" phần nào khiến cho số ca COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua có xu hướng tăng.

Nên bỏ tâm lý “ai rồi cũng F0”

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng “ai rồi cũng thành F0”. Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

“Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19”, ông Phu nhấn mạnh.

Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vaccine bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

Chuyên gia: Bỏ ngay tâm lý chủ quan 'ai cũng thành F0' - 3

Chuyên gia cho rằng, cần loại bỏ tâm lý "ai cũng sẽ trở thành F0" vì dù tiêm vaccine rồi khi mắc bệnh vẫn có nguy cơ trở nặng. (Ảnh: Báo Người lao động)

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

“Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus.

Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị”, ông Nga nói.

Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội nên tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp dự phòng bằng việc xây dựng phương án phù hợp cho từng hoạt động như tổ chức dạy học trực tiếp ra sao; các lễ hội tổ chức thế nào. Song song với đó là củng cố thêm cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, tránh tình trạng quá tải.

Ngoài ra, thành phố cũng cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân về việc tuân thủ thông điệp 5K trong giai đoạn hiện nay.

“Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì “Zero COVID-19”, Việt Nam nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường”, ông Phu nhận định.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp