Các học giả quốc tế nhận định hải quân Mỹ cần thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Mới đây, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo cho các quốc gia Đông Nam Á về kế hoạch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố quyết liệt: “Chúng tôi đã nói rất rõ ràng là chúng tôi sẽ làm như thế”.
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấn trái phép trên Biển Đông |
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng Myles Gaggins nhắc lại lời của ông Obama: “Mỹ sẽ tiếp tục triển khai tàu và máy bay đến bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Mới đây, đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, nhấn mạnh hải quân Mỹ đã sẵn sàng hành động theo mệnh lệnh từ Washington.
Trên trang Lawfare, chuyên gia Adam Klein thuộc Hội đồng Đối ngoại (CFR) và Mira Rapp-Hooper của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) dự báo hải quân Mỹ sẽ không chỉ triển khai tàu chiến di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, Xu Bi hay Ga Ven...nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, mà còn có thể tổ chức tìm kiếm hoặc tập trận tại đây.
Gửi thông điệp mạnh mẽ
Chuyên gia Klein và Rapp-Hooper cho biết đây là phương thức hiệu quả và hợp lý nhất để gửi đi thông điệp rằng Mỹ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại các bãi đá này. Theo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên các bãi đá nửa chìm nửa nổi không thể có lãnh hải 12 hải lý.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết đưa tàu vào hoạt động trong vùng biển này sẽ là cách “chặn đầu” Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo.
“Nếu Trung Quốc tìm cách chặn các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của hải quân Mỹ quanh đảo nhân tạo thì rõ ràng nước này sẽ bị lật tẩy ý đồ đòi vùng lãnh hải, điều trái ngược với UNCLOS” - bà Glaser nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cũng nhận định chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ sẽ là đòn tố cáo tính chất bất hợp pháp của bất kỳ đòi hỏi chủ quyền nào Trung Quốc tuyên bố đối với các đảo nhân tạo.
Bà Glaser dự báo hải quân Mỹ sẽ thực hiện thường xuyên các cuộc tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp bởi Washington muốn tránh nguy cơ lực lượng Mỹ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi khu vực này.
“Chính phủ Mỹ chắc chắn không muốn điều đó xảy ra. Không ai muốn Trung Quốc tạo ra một vùng cấm và lãnh hải ở nơi họ không hề có chủ quyền” - bà Glaser quả quyết.
Reuters cũng dẫn lời học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng hải quân Mỹ cần liên tục tuần tra để khẳng định sức nặng của thông điệp muốn gửi đến Bắc Kinh.
Các nhà quan sát cũng cho rằng quân đội Mỹ nên mời các đối tác an ninh như Nhật hoặc Úc cùng tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Mới đây cựu ngoại trưởng Australia Gareth Evans kêu gọi quân đội Australia lập tức triển khai tàu chiến tuần tra Biển Đông để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, dù có thể không cần phối hợp với Mỹ.
Trung Quốc sẽ không dám manh động
Những ngày qua, chính quyền và báo chí Trung Quốc liên tục phản ứng với kế hoạch tuần tra Biển Đông của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền và an ninh Trung Quốc”.
Tân Hoa xã cảnh báo Trung Quốc “sẽ không dung thứ khi tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh thổ trên Biển Đông” và Bắc Kinh sẽ “đối phó một cách thích hợp và dứt khoát”. Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời quan chức quân đội Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ phản ứng bằng vũ lực.
Tuy nhiên chuyên gia Glaser dự báo Trung Quốc sẽ không dám manh động đối đầu với tàu chiến Mỹ. “Trung Quốc sẽ không đạt được bất kỳ lợi ích nào trong một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ - bà Glaser nhấn mạnh - Bất chấp những bất đồng trước đây, Trung Quốc sẽ hành sự rất cẩn trọng khi tính đến việc cản trở một chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của lực lượng Mỹ. Do đó tôi chắc chắn xung đột sẽ không nổ ra”.
Giáo sư Thayer dự báo chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối ầm ĩ khi tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp.
“Tuy nhiên Trung Quốc không có các tàu chiến và máy bay quân sự hùng hậu gần các đảo nhân tạo để thách thức lực lượng Mỹ. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ triển khai tàu tuần tra bán quân sự bám đuôi tàu chiến Mỹ, để rồi sau khi tàu Mỹ dời đi thì tung hô là đã đuổi được Mỹ. Đó là đòn tuyên truyền” - giáo sư Thayer cho biết.
Vấn đề là theo các chuyên gia, chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây thêm cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp. Quân đội Mỹ không thể dùng vũ lực trục xuất lực lượng Trung Quốc ra khỏi các đảo này.
Chuyên gia Glaser cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần tận dụng việc chủ tịch Trung Quốc tuyên bố không “quân sự hóa” Biển Đông để yêu cầu Bắc Kinh làm rõ và thực hiện cam kết này.
Indonesia nhờ Mỹ hỗ trợ tuần tra trên biển
Theo báo Wall Street Journal, tuần này Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ tới thăm Mỹ và hội đàm với Tổng thống Barack Obama.
Đại diện Chính phủ Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết Jakarta sẽ nhờ Washington hỗ trợ để xây dựng lực lượng cảnh sát biển nhằm tuần tra các vùng nước chiến lược. Indonesia cũng sẽ quyết tâm đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Pandjaitan khẳng định Indonesia không công nhận bản đồ “đường chín đoạn” bởi "chủ quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông chỉ là “sự tưởng tượng”. Ông Pandjaitan cho biết Indonesia đánh giá Biển Đông là vùng biển quốc tế nên Mỹ có quyền tuần tra.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận