• Zalo

Chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp ở Ninh Bình

Nông nghiệp - Nông thônThứ Bảy, 12/11/2022 12:52:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển hiện nay, các HTX nông nghiệp ở Ninh Bình chuyển đổi số để thích ứng và phát triển bền vững, hiệu quả là xu hướng tất yếu.

Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử... các HTX sản xuất nông nghiệp sẽ "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.

Dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều HTX gặp khó trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng thích nghi với tình hình hiện nay, một số HTX nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Thích nghi trong môi trường biến đổi

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) đang nuôi tảo xoắn Spirulina với diện tích 1.000m2 ở 40 bể nuôi. Hàng tháng HTX thu được gần 800 kg tảo tươi.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: "Sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm. Với mục tiêu không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử".

Các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch tảo xoắn spirulina, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng.

Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn bán ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được. 

HTX cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa được thành lập năm 2018 với 19 thành viên có số vốn điều lệ là 81 triệu đồng. Ra đời với mục đích là xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế quy mô lớn, quảng bá xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, là cầu  nối - trung gian liên kết tiêu thụ các sản phẩm cho các thành viên. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX đã phát triển lên 51 thành viên.

Ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Yên Hòa cho biết: "Sau khi thành lập, HTX đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tức là tập trung phát triển đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm".

Chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp ở Ninh Bình - 1

HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (Thôn 3, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp) đã nuôi trồng thành công tảo xoắn spirulina trong nhà kính.

Năm 2020, HTX Yên Hòa được hưởng chính sách hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông làm thí điểm chuyển đổi số từ quản lý sản xuất của HTX, quảng bá sản phẩm đến bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử HTX đã ký kết cung ứng và bao tiêu sản phẩm cá chạch sụn với một doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định. Ngoài ra, HTX cũng tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội nghị như: Hội nghị xây dựng nông thôn mới toàn quốc năm 2018; hội nghị xúc tiến thương mại 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng tại thành phố Ninh Bình; hội nghị xúc tiến thương mại cho các HTX với 63 tỉnh, thành tại thủ đô Hà Nội…

Các sản phẩm của HTX tham dự hội nghị và hội chợ được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tạo được uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản sạch của xã. Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định, đảm bảo thu nhập cho các thành viên. HTX đã nghiên cứu và chế biến sản phẩm "Chạch sụn kho niêu đất" được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso và Cổng thông tin kết nối cung cầu Liên minh HTX Việt Nam.

Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số HTX đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể. 

Gỡ khó cho các HTX

Tỉnh Ninh Bình hiện có 329 HTX nông nghiệp (gồm HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX ngành hàng). Để đồng hành cùng với các HTX, UBND tỉnh Ninh Bình, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình xác định việc chuyển đổi số trong hệ thống HTX trong giai đoạn này là việc làm cần thiết.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Ninh Bình có hơn 80% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đánh giá một cách thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn chỉ đơn giản ở mức quảng bá, bán hàng thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... chứ chưa mang tính chất bài bản như trên các sàn thương mại điện tử.

Chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp ở Ninh Bình - 2

Mô hình nuôi cá chạch sụn của HTX.

Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn hạn chế, các HTX đều thiếu vốn nên việc đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều. 

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn "Chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp" nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững. 

Tring bình mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã tổ chức từ 4 - 8 lớp về chuyển đổi số cho đối tượng là cán bộ đoàn thể, sở ngành và các huyện, đoàn thể phụ trách kinh tế tập thể, và 2 lớp cho Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách kinh tế tập thể.

"Dự kiến từ nay đến cuỗi năm, Liên minh HTX Ninh Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn HTX, dự kiến là 10 lớp với khoảng 300 người, đồng thời hỗ trợ cho 5 HTX ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, điều hành HTX để minh bạch sản phẩm làm ra", bà Tâm nói.

Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho các HTX giai đoạn 2020-2025. Theo đó mỗi năm sẽ hỗ trợ cho từ 10-15 HTX chuyển đổi số, hỗ trợ các HTX có sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quả lý HTX trên nền tảng số…

“Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình sẽ khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối thì mới có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ liên quan”, bà Tâm cho biết. 

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn